NTTS: Đảm bảo ATTP dịp cuối năm

Chưa có đánh giá về bài viết

Cận Tết Nguyên đán là dịp để những người nuôi thủy sản cả nước tăng cường chăm sóc, chuẩn bị thu hoạch, với hy vọng tăng thu nhập và góp phần phục vụ thị trường Tết.


Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao tại Bạc Liêu Ảnh: PTC

Hút hàng thủy sản đạt chứng nhận

Từ nhiều tháng nay, nông dân các tỉnh, thành đã phấn khởi chuẩn bị ao nuôi phục vụ thị trường Tết. Dịp Tết là lúc quan trọng nhất trong năm để người nông dân tăng gia và tìm kiếm cơ hội sản xuất.

Như tại Nghệ An, dù những trận mưa lớn vào tháng 10 đã ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản nhưng các hộ dân Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TP Vinh đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm vụ 3 phục vụ Tết Nguyên đán. Riêng xã Hưng Hòa, TP Vinh năm nay nuôi đến 90 ha tôm vụ 3 để bán Tết. Ngoài ra, diện tích nuôi cá cũng đạt 18.460 ha, tăng 106 ha; diện tích tôm 2.230 ha, tăng 298 ha; diện tích thủy sản khác 270 ha, tăng 6 ha.

Là tỉnh trọng điểm nuôi tôm tại miền Bắc, Nam Định hiện nay đã tăng cường diện tích và thực hiện nuôi an toàn. Ngoài các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú tập trung trọng điểm như Giao Thiện, Bạch Long (Giao Thủy); Nghĩa Thắng, Nam Điền (Nghĩa Hưng); Hải Lý, Hải Triều, Hải Đông (Hải Hậu)…; trên địa bàn tỉnh đã có 11 cơ sở nuôi nhỏ lẻ và các doanh nghiệp đã ký cam kết đảm bảo sản xuất thực phẩm an toàn. Do đó, nhiều chủ cơ sở nuôi thủy sản đã chủ động tham gia các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản để trang bị những kiến thức cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất; thực hành thả giống theo đúng lịch thời vụ, chỉ thả những con giống đã được kiểm dịch đầy đủ. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Nam Định tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc chứng nhận xuất xứ sản phẩm thủy sản nuôi nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Xây dựng và triển khai chương trình nuôi có kiểm soát theo các tiêu chuẩn: GaP, GMP, GlobalGAP đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao… Nhân rộng việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, GMP, SSOP… trong sơ chế, chế biến, bảo quản thủy sản nhằm tăng giá trị sản phẩm thủy sản.

Tại Kiên Giang, nhiều nông dân nuôi tôm, cá rất phấn khởi khi sản phẩm nuôi trồng được cơ quan chức năng cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, kịp đưa ra thị trường cuối năm. Tại tổ hợp tác nuôi tôm sú – lúa ấp Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh (An Minh), có 4 hộ nuôi trên diện tích 9,6 ha, sản lượng tôm thu 1.660 kg, được Công ty TNHH Công nghệ NhoNho chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Những người tham gia tổ hợp tác cho biết, việc sản xuất tôm sạch, không chỉ đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, mà cả cho chính người sản xuất, môi trường nuôi được bền vững. Sản phẩm sạch, đảm bảo được đưa ra đúng dịp Tết, dự kiến sẽ tăng giá bán, điều này là niềm vui lớn nhất cho nông dân.

Chủ động nguồn nguyên liệu

Năm nay, nuôi tôm thắng lợi lớn, nông dân rất phấn khởi bước vào vụ nuôi. Ngoài sự tuân thủ hướng dẫn của cơ quan ngành nông nghiệp, người dân cũng cần chủ động cho vụ nuôi mới. Theo dự báo, khí hậu, thời tiết, môi trường vùng nuôi vẫn diễn biến bất thường, nguy cơ tác động lớn đến người nuôi tôm, do đó việc chuẩn bị thật tốt để đảm bảo vụ nuôi tôm mới thành công là hết sức cần thiết. Nhiều hộ nuôi tại Nghệ An cho biết, sẽ tiếp tục thu hoạch tỉa từ nay đến Tết, sản lượng thu hoạch năm nay đều đạt khá, giá tôm cũng “dễ thở”, trong quá trình thả nuôi, nông dân đã cam kết không sử dụng hóa chất, kháng sinh, nên sản phẩm được giá, khi đưa ra thị trường, sẽ rất yên tâm.

Cùng đó là các doanh nghiệp cũng tích cực tham gia nuôi tôm. Hợp tác xã, vùng nuôi tôm của các doanh nghiệp chế biến ở Sóc Trăng cho biết, kể từ đầu tháng 9 đến nay, giá tôm sú và thẻ chân trắng tại địa phương tăng không ngừng. Trung bình, tôm sú loại 30 con/kg giá dao động 210.000 – 215.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá khoảng 104.000 – 105.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg. Do giá tăng nên diện tích nuôi tôm cũng tăng nhanh, kéo theo sản lượng thủy sản tăng cao, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu phát huy tối đa công suất; phục vụ nguyên liệu cho nội địa và xuất khẩu.

>> Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Các tháng cuối năm thời điểm giao mùa, từ mùa mưa qua mùa khô, trong đó các hiện tượng thời tiết cực đoan như quá nóng, quá lạnh, chênh lệnh nhiệt độ ngày đêm lớn dẫn đến dịch bệnh dễ bùng phát, nhất là bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp…; Do đó, người nuôi tôm phải chú ý nhiều hơn về các mặt như áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng, kiểm soát môi trường nuôi…

Lâm Du

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!