Nuôi cá biển hiệu quả như Na Uy

Chưa có đánh giá về bài viết

Người nuôi cá tại Na Uy có ý thức và trách nhiệm đảm bảo phúc lợi động vật. Quá trình vận hành trang trại phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về môi trường, thú y và an toàn thực phẩm.

Nuôi cá ngoài khơi    Ảnh: Ytimg

Nuôi cá ngoài khơi Ảnh: Ytimg

Tất cả các trại nuôi cá tại Na Uy đều phải trình bản kế hoạch vận hành cho Tổng cục Thủy sản và Cơ quan an toàn thực phẩm đánh giá. Dựa trên luật quốc gia và quy trình nuôi trồng thủy sản do các cấp thẩm quyền ban hành, Cục Thú y nước này sẽ cấp cho trại nuôi chứng nhận kiểm dịch sạch. Na Uy luôn có các tiêu chuẩn về sức khỏe vật nuôi thủy sản và dịch vụ chăm sóc sức khỏe vật nuôi đạt chuẩn quốc tế. Người nuôi cá phải đáp ứng được những tiêu chuẩn này mới được cấp giấy phép hoạt động.

Điều kiện nuôi cá luôn được giám sát chặt chẽ, ví dụ khu vực đặt lồng cá phải đạt yêu cầu về tốc độ dòng chảy của nước. Dù có ngành nuôi cá biển phát triển hàng đầu thế giới, nhưng khu vực nuôi cá biển tại Na Uy lại giảm tới 40% từ năm 2000 tới năm 2010. Sau khi thu hoạch cá, cơ sở nuôi phải bỏ trống lồng ít nhất 2 tháng trước khi thả vụ mới để bảo vệ môi trường xung quanh, giảm áp lực lây nhiễm dịch bệnh.

Khi nông dân mở một vùng nuôi mới trên biển, hoặc mở rộng vùng nuôi hiện tại, nhà quản lý sẽ tiến hành khảo sát môi trường về điều kiện đáy biển của vùng đó. Suốt quá trình hoạt động, người nuôi phải thường xuyên theo dõi trại nuôi và báo cáo ảnh hưởng của trại nuôi tới đáy biển. Lượng ôxy, nhiệt độ, độ mặn của nước biển tại trại cũng phải được theo dõi thường xuyên vì đây là các nhân tố tác động tới sức khỏe và phúc lợi vật nuôi. 

Một trại nuôi cá biển đặc trưng ở Na Uy thường gồm 6 – 10 lồng cá, sức chứa 3.000 – 4.000 tấn cá. Lồng cá truyền thống gồm một thiết bị nổi trên bề mặt và một túi lưới cho cá bơi phía dưới. Túi lưới thường đặt dưới độ sâu 20 – 50 m từ mặt nước biển. Đường kính của túi lưới thông thường khoảng 50 m. Tới nay, chu vi của lồng cá rộng nhất tại Na Uy là 200 m. Tùy từng đối tượng nuôi và địa hình vùng biển mà trang trại có thể sử dụng nhiều công nghệ khác nhau như lồng chìm, lồng kín, lồng nửa kín, lồng có trụ đỡ… nhưng phổ biến nhất vẫn là các lồng nổi.

Ngoài cá hồi truyền thống, Na Uy nuôi đa dạng loài hải sản có giá trị kinh tế và nhu cầu tiêu thụ rất cao:

Cá tuyết cod: Được coi là một trong những thực phẩm tốt nhất, được tiêu thụ rộng rãi toàn thế giới. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, nên Na Uy luôn có nguồn cung cá tuyết tươi sống quanh năm.

Vẹm: Đạt sản lượng cao nhất trong số các sản phẩm nhuyễn thể có vỏ nhưng phải mất gần 2 năm mới cho thu hoạch.

Cá bơn: Là loại cá được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới và được nuôi rất thành công tại Na Uy; tuy nhiên, thời gian nuôi tương đối dài nên giá bán sản phẩm này rất cao.

Cá hồi chấm hồng: Mới được nuôi cách đây vài năm nên quy mô còn hạn chế, tập trung ở hạt Nordlan – nơi có nguồn nước biển rất sạch.

Sò điệp: Nhu cầu tiêu thụ rất cao nhưng phải nuôi gần 5 năm mới đạt cỡ thương phẩm 10 – 11 cm.

Hàu: Được nuôi ở các vịnh nhỏ hẹp và vùng nước nông dọc theo bờ biển Na Uy, chủ yếu ở phía tây nam Na Uy. 

Đan Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!