T2, 06/07/2020 09:56

Nuôi cá nước lạnh trên đỉnh Yang Hanh (Đắk Lắk)

Chưa có đánh giá về bài viết

Khi Lê Xuân Hùng bắt tay triển khai trang trạng nuôi cá hồi, nhiều người trong nghề thủy sản tại Đak Lak tiên đoán dự án này chắc chắn sẽ chết yểu.

Mặc dù không học qua trường lớp về thủy sản, nhưng tình yêu thiên nhiên và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương đã gắn bó Lê Xuân Hùng – Giám đốc Công ty Cổ phần Yang Hanh với nghiệp nuôi cá hồi nước ngọt. Chứng kiến sự thành công của cá hồi Sapa, sản phẩm ngày càng được được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và đã mang lại thu nhập cao cho người nuôi, anh Hùng quyết tâm bắt tay vào làm.

Sau nhiều tháng khảo sát các cánh rừng có suối nước lạnh, anh nhận thấy thác Yang Hanh hùng vỹ trên đỉnh núi Yang Hanh, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, Đăk Lắk có điều kiện tự nhiên và nguồn nước rất thích hợp cho cá hồi vân sinh trưởng. Nguồn nước trong vắt, nhiệt độ trung bình trong năm từ 16 – 18 độ C, độ pH trong phạm vi phù hợp với sự phát triển của cá hồi.

Cá hồi thương phẩm của Cty yang Hanh – Ảnh: Yang Hanh

Tháng 5/2009, Công ty Cổ phần Yang Hanh bắt đầu triển khai đề án nuôi thử nghiệm cá hồi vân trên đỉnh núi Yanh Hanh với hệ thống kè đập chặn nước dẫn về hồ. Hồ nuôi được bố trí theo kiểu phân cấp hoặc zig zag để có nguồn nước lưu thông liên tục, đảm bảo cung cấp lượng oxi cần thiết cho cá. Đáy hồ lót bạt chống thấm nước và hệ thống xả đáy.

Thuận lợi đầu tiên là đề tài của Công ty đã được tỉnh phê duyệt và hỗ trợ kinh phí lên tới vài trăm triệu đồng. Anh Hùng mạnh dạn huy động thêm nguồn vốn từ bạn bè, xây dựng trang trại ở độ cao 960 m, có 4 ao nuôi đúng tiêu chuẫn kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải, nguồn nước được dẫn từ suối Krông Tul mát lạnh dài hơn 1 km từ trên đỉnh núi xuống. Các kỹ sư trẻ đã tốt nghiệp trường Đại học Nha Trang được anh mời về cộng tác với mức đãi ngộ hấp dẫn. Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nên khởi đầu của Công ty khá thuận lợi.

“Khi tôi bắt đầu triển khai trang trại nuôi cá hồi, nhiều người trong nghề thủy sản tại Đắk Lắc tiên đoán dự án này chắc chắn sẽ “chết yểu”. Phân tích kỹ thì ý kiến đó cũng có cái lý của nó. Cá hồi đã có mặt ở Tây Nguyên từ bao năm nay, nhưng tại sao chỉ Lâm Đồng mới làm? Đó chính là do yếu tố giao thông. Muốn nuôi cá hồi phải tìm tới đầu nguồn nước trên núi cao, nơi đường xá rất hiểm trở. Nuôi được cá rồi thì vận chuyển ra sao? Nếu thời gian vận chuyển quá 12 tiếng đồng hồ sẽ rất khó đảm bảo chất lượng, trong khi sản phẩm này chủ yếu tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn, nơi có yêu cầu chất lượng rất khắt khe. Lâm Đồng làm được vì có tuyến quốc lộ, đi TP. Hồ Chí Minh chỉ mất vài tiếng xe chạy. Các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk… bị hạn chế về điểm này” – anh Hùng tâm sự.

Không có kiến thức chuyên sâu về thủy sản, nhưng đổi lại anh Hùng lại có nhãn quan của một nhà kinh doanh. Phát triển có chiến lược và phù hợp theo từng giai đoạn chính là kim chỉ nam để công ty Yang Hanh tự tin tiến bước. Lứa cá hồi đầu tiên nuôi trên đỉnh Yang Hanh thu được xấp xỉ 4 tấn, giá bán 160.000 đồng/kg, chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, siêu thị ở TP. Buôn Ma Thuột. Trừ mọi chi phí, mỗi một kilogam cá hồi có lợi nhuận 40.000 – 50.000 đồng.

Khu trại nuôi cá tầm của Cty yang Hanh – Ảnh: LTĐ

“Hai năm đầu là thời điểm tích lũy kinh nghiệm nên chúng tôi xác định chỉ thu hoạch lượng cá hồi đủ cung cấp cho thị truờng Đăk Lắk và Tây Nguyên, tạm thời chưa đặt nặng lợi nhuận. Kế hoạch đó vừa giúp giảm thiểu rủi ro, vừa khắc phục được bài toán khó khăn về vận chuyển đi các thị trường xa. Ba năm tiếp theo, với kinh nghiệm đã có, với sự chuẩn bị kỹ càng về cơ sở vật chất, cộng thêm dự án đường nhánh Đông Trường Sơn nối liền hai huyện K’rôngbông – Khánh Vĩnh đi TP. Nha Trang và Lâm Đồng thoàn thành, chúng tôi sẵn sàng mở rộng qui mô gấp 10 lần hiện nay, hướng tới thị trường lớn là TP. Hồ Chí Minh, nơi mà theo khảo sát của tôi, nhu cầu tiêu thụ cá hồi lên tới hơn 1.000 tấn/năm. Theo tôi, ở khu vực Tây Nguyên thì Đắk Lắk là địa phương có tiềm năng lớn nhất để nuôi cá nước lạnh”.

Yếu tố tiên quyết mà công ty Yang Hanh đặt ra cho giai đoạn mới là tạo ra giống cá hồi có thể sinh sống trong điều kiện nhiệt độ cao hơn nhiệt độ tiêu chuẩn. Sau một năm nuôi, cá đạt kích cỡ trung bình 1.000 g/con, trọng lượng lớn nhất 1.700 g/con, tỷ lệ sống đạt 76,8%, thích nghi được nhiều loại thức ăn. Đặc biệt là cá giống có giá thành rẻ hơn để cung cấp cho các trang trại trong và ngoài tỉnh.

Song song với phát triển cá hồi, công ty Yang Hanh còn thực hiện đề tài xây dựng “Quy trình nuôi thương phẩm và sản xuất giống cá tầm Sterlet” được tỉnh phê duyệt và hỗ trợ vốn. Đây là loại cá đặc sản, thơm ngon. Giá cá nguyên con xuất bán tại ao hiện nay từ 280.000 – 300.000 đồng/kg. Mỗi cá thể cái nặng từ 6 – 7 kg có thể cho 1,0 – 1,5 kg trứng. Trứng cá tầm hiện là món ăn cao cấp thuộc hạng “cao lương mỹ vị” có giá bán rất cao từ 2.000 – 8.000 euro/kg và tiềm năng XK sang thị trường Mỹ và EU.

Việc công ty Yang Hanh nuôi thành công cá nước lạnh cho thấy đây là những đối tượng thích nghi và phát triển tốt tại tỉnh Đắk Lắk nói chung và khu vực Yang Hanh nói riêng, mở ra triển vọng mới cho phát triển kinh tế thủy sản trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Lê Thế Đồng

Theo Thương Mại Thuỷ Sản

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!