Nuôi cua đồng thương phẩm ở Bố Trạch

Chưa có đánh giá về bài viết

Mô hình do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình triển khai thời gian qua ở huyện Bố Trạch cho thấy hiệu quả kinh tế và khả năng nhân rộng. Cua đồng được nuôi ở các vùng ruộng trũng, vùng ruộng lúa kém hiệu quả, xen nuôi ở các ao hồ nuôi cá theo mùa vụ.

Nuôi cua đồng mang lại hiệu quả kinh tế và khả năng nhân rộng

Mô hình được triển khai tại các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh và Bố Trạch. Các mô hình được hộ thực hiện đánh giá là có hiệu quả, phù hợp với điều kiện các vùng ruộng trũng và những vùng ruộng lúa kém hiệu quả.

Trung tâm đã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi cua đồng thương phẩm cho hộ nuôi và người dân trong xã để nắm bắt được những kiến thức cơ bản về quy trình nuôi cua đồng thương phẩm. Điển hình hộ tham gia mô hình là ông Trần Văn Trạch với diện tích 4.000 m2, ông Trạch thả hai đợt cua giống, mật độ 30 con/m2. Hai tháng đầu sau thời gian thả giống do thời tiết mưa lạnh liên tục nên cua tăng trưởng chậm, trọng lượng trung bình đạt 120 – 150 con/kg. Bắt đầu tháng thứ ba trở đi thời tiết thuận lợi hơn, qua kiểm tra thấy tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, cua phát triển đều, đến nay trọng lượng bình quân đạt 70 con/kg, tỷ lệ sống dự kiến đạt 60% và chưa thấy có dấu hiệu bị bệnh.

Đối với địa bàn tỉnh Quảng Bình, việc nuôi cua đồng có nhiều thuận lợi do cua đồng là loài ăn tạp, ngưỡng chịu đựng các yếu tố môi trường tương đối tốt. Nguồn cua giống đầu năm (vào thời điểm làm đất gieo lúa vụ Đông Xuân) nhiều, dễ thu mua. Thị trường tiêu thụ cua đồng thương phẩm rộng, sản phẩm bán được cả trong và ngoài tỉnh. Do thời gian nuôi ngắn nên có thể nuôi vượt lũ tại vùng trũng, nuôi trong ruộng lúa sản xuất một vụ, tận dụng được nguồn thức ăn là phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương.

Qua kết quả cho thấy, mô hình nuôi cua đồng thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên và chăm sóc của người dân. Tuy nhiên, cua đồng là đối tượng mới đưa vào nuôi nên người dân còn thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc, quản lý. Giống cua phải thu gom ngoài tự nhiên do chưa có con giống sản xuất nhân tạo nên thiếu chủ động. Kỹ thuật thu gom cua tự nhiên chưa đảm bảo nên tỷ lệ hao hụt sau khi thả cao đã ảnh hưởng đến kết quả lúc thu hoạch.

Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã khuyến cáo tới các hộ nuôi cần chú ý những điểm sau: Ao hồ, bờ ao phải được che chắn kỹ càng; chủ động nguồn cấp thoát nước; nguồn giống phải đảm bảo chất lượng, không bị gãy càng; phải thường xuyên thay nước…

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!