Nuôi siêu thâm canh: Nhân tố mới trong ngành tôm Cà Mau

Chưa có đánh giá về bài viết

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 343 ha nuôi theo hình thức công nghệ cao. Năng suất bình quân 22 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt hơn 30 tấn/ha/vụ. Nuôi tôm siêu thâm canh, tôm công nghiệp công nghệ cao được xem là hướng đi mới của ngành tôm địa phương.

Nuôi tôm công nghệ cao khi đủ điều kiện   Ảnh: Phú Hữu

Nuôi tôm công nghệ cao khi đủ điều kiện Ảnh: Phú Hữu

Quy trình ưu việt

Nổi bật là mô hình nuôi theo quy trình Biofloc, được HTX nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng, huyện Cái Nước triển khai thành công nhiều vụ qua. Minh chứng là qua hơn một năm đi vào hoạt động, từ 15 xã viên ban đầu đến nay số xã viên tăng lên gấp đôi và tăng cả về số lượng và chất lượng. Quy trình này được xem là ưu việt, bởi nuôi được nhiều vụ trong năm, dịch bệnh được kiểm soát và nhất là hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Cùng đó, mô hình khắc phục hạn chế tình trạng tôm thẻ chân trắng thường xuyên đào bới đáy ao, dẫn đến sau một thời gian thả nuôi nguồn nước trong ao đầm bị đục, khiến môi trường bị biến động, tiềm ẩn rủi ro.

Nguyễn Văn Dương, xã viên HTX áp dụng thí điểm phát minh của anh Huỳnh Diện (Chủ nhiệm HTX) khi dùng lưới mành thay thế cho bạt chuyên dùng để trải xuống ao tôm công nghiệp. Anh Dương cho biết, với diện tích ao nuôi tôm thẻ chân trắng 1.600 m2, tiền trải lưới mành tính ra giảm 1/3 chi phí so sử dụng bạt chuyên dùng. Cùng đó, anh áp dụng hình thức thả tôm nuôi theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, anh thả nuôi trong diện tích 200 m2, sau gần 1 tháng anh chuyển tôm nuôi xuống ao trải lưới mành, mật độ thả nuôi lên đến 150 con/m2, cao hơn gấp 3 lần so ao đất. Kết quả, gần 3 tháng chăm sóc, tỷ lệ tôm nuôi đạt đầu con khá cao, trọng lượng trung bình 40 con/kg và cho thu hoạch hơn 4 tấn, trừ chi phí có lãi trên 200 triệu đồng.

Hay mô hình nuôi tôm của Công ty N.G Việt Nam tại ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển hiện đang triển khai trên diện tích khoảng 7 ha tôm siêu thâm canh và khoảng 70 ha tôm công nghệ cao. Giám đốc dự án, ông Hoàng Văn Hoan cho biết, Công ty bắt đầu triển khai dự án vào tháng 5/2015, nuôi tôm từ năm 2016 với quy mô 14 ao nuôi và 7 ao vèo. Một năm qua, 4 vụ nuôi cho năng suất 6 tấn/vụ đối với ao nuôi 1.600 m2. Quy trình nuôi được thiết kế thành hai giai đoạn: Nuôi vèo trong thời gian 30 ngày đầu và nuôi tăng trưởng trong thời gian 60 – 65 ngày. Mô hình này không đòi hỏi phải có quỹ đất lớn, song năng suất và hiệu quả kinh tế mang lại rất cao; đồng thời, cho biết ở giai đoạn 2 của dự án, Công ty sẽ dành riêng 6 ha để xử lý nước nhằm bảo đảm môi trường vùng nuôi một cách trong lành cho sự phát triển bền vững, lâu dài.

Nâng cao hiệu quả

Vừa qua, tỉnh Cà Mau chọn ra 9 xã để thực hiện thí điểm các biện pháp phát triển nuôi tôm cho các tháng cuối năm 2017 và thời gian tiếp theo. Các xã gồm: Tạ An Khương (huyện Đầm Dơi); Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình); Hòa Mỹ (huyện Cái Nước); Phong Điền (huyện Trần Văn Thời); Nguyễn Phích (huyện U Minh); Hiệp Tùng (huyện Năm Căn); Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển); Phú Tân (huyện Phú Tân) và Hòa Tân (TP Cà Mau).

Các xã này sẽ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nuôi tôm, như: Triển khai các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án; tập trung chỉ đạo sản xuất gắn kết với bảo vệ môi trường; hỗ trợ nhân dân tiếp cận vốn phát triển nuôi tôm; cung ứng điện phục vụ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh; tăng cường quản lý chất lượng con giống; tăng cường quản lý chất lượng vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản; tăng cường bảo vệ môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ chế biến, xuất khẩu thủy sản; nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả; nâng cao hiệu quả chỉ đạo sản xuất.

Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Lê Thanh Triều khẳng định, với những hiệu ứng tích cực ban đầu mà mô hình này mang lại, tới đây ngành nông nghiệp sẽ theo dõi sát tình hình từ cơ sở, nắm bắt thông tin từ người dân để triển khai mô hình được hiệu quả.

Ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương sẽ làm “chủ xị” chịu trách nhiệm trên địa bàn của mình, “ xắn tay áo”, quyết liệt triển khai, thí điểm và nhân rộng mô hình.

>> Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải: Chỉ tập trung triển khai nuôi tôm siêu thâm canh ở những nơi thật sự có điều kiện như: diện tích đảm bảo, vị trí nuôi thuận lợi, vững về chuyên môn và kỹ thuật, đặc biệt là có nguồn lực tài chính. Ngành chức năng, chính quyền địa phương nên khuyến cáo người dân khi chưa đủ điều kiện nuôi.

Phú Hữu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!