Nuôi tôm biến đổi theo khí hậu

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ tình hình thực tế cho thấy, câu chuyện biến đổi khí hậu giờ đây không còn dừng ở sự cảnh báo, với người nuôi tôm, đó là câu chuyện thời sự.

Khắc nghiệt

Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến cuối tháng 2/2016, diện tích nuôi tôm nước lợ khu vực ĐBSCL khoảng 368.000 ha; diện tích nuôi tôm sú 358.000 ha (bằng 86%), tôm thẻ chân trắng 9.794 ha (bằng 72% so cùng kỳ năm 2015). Hầu hết các địa phương đều thả nuôi ít hơn so cùng kỳ 2015 và chỉ đạt 50% kế hoạch. Nghịch lý là nhu cầu tôm nguyên liệu đang tăng, giá cả tiêu thụ tốt nhưng người dân không dám thả tôm. Nguyên nhân không phải do không có đầu ra như mọi năm mà do thời tiết quá khắc nghiệt. Các địa phương đều cho biết hạn hán diễn ra diện rộng, nước mặn xâm nhập.

Tình hình diễn ra đáng lo ngại vì dự báo đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 mới có mưa ở vùng ĐBSCL và việc ao đầm để hoang hóa không có sự chăm sóc sẽ ảnh hưởng nhiều đến vụ mới.

Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng ở miền Nam mà hầu hết các vùng ven biển đều gặp khó khăn trong mùa vụ mới. Khu vực miền Trung cũng ghi nhận hiện tượng nhiệt độ tăng nhiều năm gần đây. Nhiệt độ trung bình trong các tháng nửa đầu năm 2016 tiếp tục có xu hướng cao hơn mức trung bình nhiều năm 0,5 – 10C ở miền Bắc, 1 – 1,50C ở miền Trung và miền Nam. Rét đậm, rét hại ở miền Bắc không kéo dài và nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn ở Tây Bắc, Trung bộ và Nam bộ. Trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng mưa ở Bắc bộ có khả năng cao hơn khoảng 10 – 20% so mức bình quân các năm, còn ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ thiếu hụt 30 – 50%.   

nuôi tôm biến đổi theo khí hậu

Công tác “hậu cần” ngành tôm cần được tổ chức tốt hơn – Ảnh: Diệu Lữ

Đầu tư công tác dự báo

Hội nghị giao ban mới đây tại TP Hồ Chí Minh, các địa phương đều cho rằng, để đối phó với biến đổi khí hậu, rất cần đầu tư mạnh vào công tác dự báo. Bởi chỉ có dự báo kịp thời thì các cơ quan ban ngành mới có đủ căn cứ cơ sở khoa học để triển khai công tác khuyến nông, chỉ đạo bà con xuống giống kịp thời.

Ước tính chi phí thích ứng BĐKH chiếm khoảng 2,4% tổng chi phí/năm (giai đoạn 2010 – 2050). Song, con số chi cho công tác dự báo sẽ là bao nhiêu? Đây là vấn đề được nhiều người trong ngành tôm quan tâm. Thời gian vừa qua, nhiều nguồn vốn đầu tư vào thủy lợi và chuyển đổi mô hình đang được triển khai, song công tác dự báo được đánh giá là còn chậm.

Tháng 1/2013, trong một công bố của Tổ chức DARA International, ngành thủy sản Việt Nam có thể bị thiệt hại khoảng 25 tỷ USD vào năm 2030 vì biến đổi khí hậu và nếu đúng như vậy sẽ là một con số quá lớn. Trong khi, các nghiên cứu đều khẳng định thiệt hại sẽ được giảm nhẹ thông qua các biện pháp dự báo hiệu quả, kịp thời.

 

Nhất định theo quy hoạch

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trên diện rộng và việc giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đòi hỏi có những quy hoạch mới phù hợp với tình hình. Nhiều ý kiến về các giải pháp về nguồn nước ngọt tại ĐBSCL đã được đề cập trong các hội thảo, nghiên cứu, diễn đàn, như xây dựng hệ thống thủy lợi riêng cho thủy sản, xây dựng hồ chứa nước, xây dựng các trạm tiêu thoát nước thải… nhưng cho đến nay, công trình được xây dựng chưa nhiều.

Để thực hiện được chủ trương chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, các địa phương cũng cho rằng công tác “hậu cần” của ngành tôm phải được tổ chức tốt hơn. Đơn cử như việc trang bị máy bơm để kịp thời tháo nước, dự trữ thuốc, hóa chất để nhanh chóng ổn định môi trường ao nuôi. Chuẩn bị nguồn tôm giống chất lượng. Hướng dẫn, tập huấn cho nông dân các biện pháp kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho tôm, xử lý tôm nuôi bị nhiễm bệnh và chết, sản xuất tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao.

Trong tình hình diễn biến khí hậu ngày càng phức tạp, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi cần thu thập kịp thời thông tin về khí hậu, thực hiện nuôi thả theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, tránh việc nuôi thả tự phát. Phần lớn diện tích nuôi thả bị thiệt hại đầu năm 2016 đều do người dân tự nuôi thả, không theo sự khuyến cáo của các cơ quan khuyến nông. Việc tuân thủ lịch thời vụ, sử dụng giống tốt, chất lượng cao và sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật đang đặt ra như vấn đề sống còn.

Sở NN&PTNT Khánh Hòa khuyến cáo người dân cần đoàn kết để đối phó với biến đổi khí hậu. Các địa phương cần phải thành lập các tổ liên kết, có chính sách và khuyến khích người dân dồn ao. Chỉ có liên kết thành một nhóm để có ao chứa lắng, xử lý nước cấp và thải nước theo đúng quy trình mới đem lại hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Chúng ta phải có giải pháp để phát triển bền vững về chất lượng và sản lượng. Trước mắt, hạn – mặn dự báo kéo dài đến tháng 6 nên phải đẩy mạnh quan trắc, theo dõi diễn biến từng ngày và thông báo kịp thời để người dân phòng tránh. Ngành chuyên môn có biện pháp điều tiết nước, điều chỉnh diện tích thả nuôi, thời vụ… nhằm thích ứng với tình hình. 

>> Để nghề nuôi tôm phát triển hiệu quả và bền vững trong điều kiện hiện nay phụ thuộc rất lớn và công tác dự báo. Nghiên cứu khoa học cho thấy, nếu dự báo không tốt, tỷ lệ nuôi tôm thành công thấp thì vào năm 2020 các hộ nuôi tôm có thể giảm 130 triệu đồng/ha và giảm 950 triệu đồng/ha vào năm 2050.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!