T2, 06/07/2020 12:58

Nuôi tôm giám sát môi trường suốt ngày đêm

Chưa có đánh giá về bài viết

Để đạt mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỷ USD mà vẫn bảo vệ được môi trường, đã có công nghệ giám sát ao nuôi suốt ngày đêm để xử lý kịp thời các biến động, vừa đảm bảo nuôi tôm hiệu quả cao vừa hạn chế ảnh hưởng xấu. Hội nghị Ứng dụng công nghệ 4.0 và công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam do Oxfam Việt Nam, ICAFIS, WWF Việt Nam tổ chức ngày 22/11 (ảnh), ở TP Cần Thơ cho thêm nhiều dẫn chứng sinh động.


Giám sát ao nuôi liên tục

Ao tôm gia đình ông Long Đức Nghĩa ở xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) đã lắp đặt thiết bị của AquaBox hai tháng nay. Ông phấn khởi, nhờ có thiết bị mà kiểm soát được nguồn nước ao từng giờ. Đây là ao hình tròn, lắp đặt thiết bị tự động giám sát môi trường tính theo khối lượng nước trong ao, 2.000 m3 với bề sâu ao 1,7 m, tức là ao rộng gần 1.200 m2. Thả giống mật độ 300 con/m2, tôm đang phát triển tốt. Thiết bị quan trắc chỉ là một cái hộp nhỏ do AquaBox cung cấp.

Tư vấn chính của AquaBox, TS Võ Quang Tuyến cho biết, thiết bị tự động quan trắc nhiều chỉ tiêu môi trường nước, liên tục suốt ngày đêm. Ông nhấn mạnh, giám sát tự động mới tránh được sai sót của con người và thực hiện liên tục suốt ngày đêm là điều con người không thể làm được. Cụ thể, ao nuôi ở tỉnh Bạc Liêu, cứ 30 phút lấy 6 chỉ số, tính ra một vụ nuôi tôm đã lấy chỉ số hơn 23.000 lần. Cũng theo ông Tuyến, thiết bị quan trắc của AquaBox đã lắp đặt ở ao tôm tại nhiều địa phương ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.

Còn trang trại nuôi tôm của HTX Hưng Phú (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) lắp đặt hệ thống e-Aqua, cũng tự động giám sát nhiều chỉ tiêu chất lượng nước nước liên tục để cảnh báo cho người nuôi tôm can thiệp kịp thời. Thiết bị của Trung tâm Phát triển Công nghiệp và Thiết bị Công nghiệp Sài Gòn; Giám đốc Nguyễn Minh Hà cho biết, nuôi tôm là nuôi nước và kiểm soát được chất lượng nước quyết định thành công vụ nuôi.

Theo bà Hà, hệ thống e-Aqua giám sát chỉ tiêu của nước ao nuôi là nồng độ ôxy hòa tan, nhiệt độ, pH và độ mặn, còn có cổng để tích hợp các cảm biến đo NH3, NO2, H2S; sẽ cảnh báo tự động khi chỉ tiêu đo vượt ngưỡng cho phép. Phần mềm giám sát e-Aqua hiển thị số, đơn giản, không đòi hỏi kỹ năng của người sử dụng. Đặc biệt, giám sát liên tục, suốt ngày đêm, bất kể trời nắng hay mưa. Bà Hà cho biết, hệ thống đã ứng dụng tại nhiều trang trại nuôi tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang và TP Hồ Chí Minh.

Cũng thiết bị đo nhiệt độ, hàm lượng ôxy hòa tan, độ pH và tự động ghi nhật ký gọi là Farmext, của doanh nghiệp Tepbac giúp chủ trang trại thường xuyên kiểm soát được ao nuôi. Dữ liệu tự động gửi về trung tâm lưu trữ, chuyển tới điện thoại di động hoặc máy tính của chủ trang trại để thường xuyên nhắc quy trình nuôi, cảnh báo dịch bệnh. “Với thiết bị này, con tôm nuôi đúng tiêu chuẩn và bảo vệ môi trường được chứng minh, một cách hoàn toàn minh bạch”, ông Trần Duy Phong đại diện Tepbac khẳng định.

Kết nối với khách hàng


Hệ thống e-Aqua của Công ty CP AquaBox hỗ trợ nuôi tôm sạch, hiệu quả cao

Với thiết bị giám sát ao nuôi suốt ngày đêm của AquaBox, TS Tuyến nói thêm: “Môi trường được quản lý rất tốt và quan trọng hơn, tất cả dữ liệu được tự động lưu lại phục vụ việc truy xuất nguồn gốc toàn diện, giúp khách hàng tiêu thụ tôm mọi nơi có thể tham gia quy trình sản xuất và kiểm tra chất lượng”. Theo ông Tuyến, từ nền tảng công nghệ này, một doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh đã có sản phẩm tôm sạch bệnh cung cấp cho thị trường Nhật. Mỗi mẻ tôm thu hoạch ở ao nuôi có dữ liệu truy xuất nguồn gốc lưu trên hệ thống mạng và từ đó còn được gắn thiết bị định vị, theo suốt hành trình vận chuyển, chế biến, xuất khẩu. Ông Tuyến tự tin, mọi khách hàng ở Nhật có thể tham gia kiểm soát sản phẩm từ ao nuôi đến nơi phân phối.

Thiết bị giám sát môi trường ao nuôi hiện đã phát triển lên một máy giám sát được nhiều ao. Như một máy e-Aqua của Trung tâm Phát triển Công nghiệp và Thiết bị Công nghiệp Sài Gòn đã giám sát chỉ tiêu chất lượng nước tới 8 ao nuôi. Cụ thể, giám sát 8 ao nhỏ (hơn 1.500 m2) hoặc 4 ao lớn (hơn 2.000 m2), điều này giúp hạ giá thành đầu tư xuống nhiều lần. Thông tin giám sát được lưu trữ và phân tích từng vụ nuôi, thiết bị còn có khả năng cảnh báo khi bị cúp điện để chủ trang trại kịp thời xử lý. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Minh Hà nhấn mạnh: “Biết tình trạng chất lượng nước liên tục từ xa, được cảnh báo nên có thể can thiệp và xử lý khi khẩn cấp, biết trước được những gì sẽ xảy ra. Lưu trữ số liệu, dữ liệu, thông tin về thông số chất lượng nước để có thể phân tích, rút kinh nghiệm cải tiến cho các vụ nuôi sau, tăng khả năng quản lý và mở rộng sản xuất”.

Công nghệ nuôi tôm chính xác hiện đã ứng dụng từ trại sản xuất tôm giống để kết nối với khách hàng. Ông Trần Đình Ân, Giám đốc Kinh doanh bộ phận Giống thủy sản của Vinhthinh Biostadt giới thiệu: “Thiết bị của chúng tôi cho phép xác định được lượng ấu trùng khi trứng tôm nở ra, tốc độ tăng trưởng, sự thay đổi kích cỡ và tỷ lệ sống khi ương. Người nuôi biết chính xác lượng tôm giống mua trước khi thả để cho ăn vừa đủ, không dư thừa, tiết kiệm thức ăn và hạn chế gây ô nhiễm ao nuôi”. Đây là thiết bị XpertSea, kết hợp hình ảnh kỹ thuật số với phần mềm trực tuyến để cung cấp những thông tin chi tiết về quá trình sản xuất tôm giống cho chủ trang trại và còn kết nối với khách hàng, các Chi cục Thủy sản địa phương. Thiết bị này phát triển tại Canada từ năm 2012, bởi một nhóm chuyên gia công nghệ thông tin trẻ tuổi, đến nay đã có mặt ở 28 quốc gia.Ông Ân giải thích thêm, thiết bị XpertSea không chỉ có khả năng đếm ấu trùng mà còn đếm tảo và Artemia, để cung cấp lượng vừa đủ cho ấu trùng phát triển nhanh thành tôm giống. Giải pháp cũng lưu trữ và phân tích dữ liệu từ quá trình sản xuất để chia sẻ với khách hàng ở mọi nơi. Còn ở Việt Nam, đã áp dựng tại trại tôm giống của nhiều doanh nghiệp như Tôm giống số 1 và Việt – Úc ở tỉnh Bạc Liêu, Vinhthinh Biostadt và Thăng Long ở tỉnh Ninh Thuận…

Nâng cao hiệu quả, giảm ô nhiễm

Hệ thống e-Aqua của Trung tâm Phát triển Công nghiệp và Thiết bị Công nghiệp Sài Gòn lắp đặt tại ao nuôi tôm ở HTX Hưng Phú (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) cho hiệu quả thấy rõ. Ở đây, hệ thống e-Aqua được lắp đặt cho 2 ao; qua một vụ (so với ao đối chứng) sản lượng tôm tăng thêm 603 kg và tiền điện giảm 4 triệu đồng; tính ra tiền lời tăng thêm 44 triệu đồng, đủ đầu tư máy e-Aqua.

Ông Nguyễn Phương Duy, đại diện WWF Việt Nam cho biết, lượng điện chạy giàn quạt sục khí chiếm 95% lượng điện tiêu thụ của trại nuôi tôm và chiếm 9 – 15% chi phí nuôi tôm thâm canh. Nghiên cứu của ông qua thực hiện ao nuôi tôm thẻ chân trắng rộng 5.000 m2 ở Bạc Liêu, khi đo hàm lượng ôxy hòa tan để sục khí hợp lý đã tiết kiệm được lượng điện 33,2% so ao đối chứng. Khi theo dõi biến động và kiểm soát được hàm lượng ôxy hòa tan trong các ao nuôi tôm thâm canh, còn tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, tăng tỷ lệ tôm sống, giảm công lao động nên tính tổng thể, tiết kiệm được 35,9% chi phí.

“Vẫn còn tiềm năng tăng thêm hiệu quả khi giám sát chất lượng nguồn nước ao nuôi tôm. Bên cạnh, giám sát hàm lượng ôxy hòa tan còn các chỉ tiêu như NH3, H2S, mật độ tảo, mật độ vi sinh vật trong ao nuôi khi cải thiện đều giảm rủi ro dịch bệnh, tăng tỷ lệ sống tôm nuôi”, ông Duy nhấn mạnh.

Rõ ràng, khi môi trường ao nuôi được giám sát xử lý kịp thời, các nhu cầu của con tôm được đo đếm một cách chính xác và đáp ứng vừa đủ, hiệu quả nuôi tôm nâng cao, tác động đến môi trường cũng giảm đến mức thấp nhất.

>> Bà Nguyễn Minh Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp và Thiết bị Công nghiệp Sài Gòn cho biết: Nuôi tôm là nuôi nước, chất lượng nước quyết định thành công vụ nuôi. Chất lượng nước có các chỉ tiêu biến đổi nhanh, thường xuyên là nồng độ ôxy hòa tan, nhiệt độ, độ pH đòi hỏi phải đo liên tục để xử lý kịp thời. Trong đó, nồng độ ôxy hòa tan là quan trọng nhất và biện pháp xử lý phổ biến hiện nay là dùng dàn quạt sục khí trong ao nuôi để cung cấp ôxy cho tôm.

Thanh Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!