Nuôi tôm hùm như “đánh bạc”

Chưa có đánh giá về bài viết

Dù nuôi tôm hùm có giá trị kinh tế cao nhưng việc nuôi này vẫn gặp rất nhiều rủi ro, liên quan đến hàng loạt yếu tố. Do đó, để hạn chế thiệt hại, người nuôi mong muốn sớm có những giải pháp hỗ trợ.

Tôm hùm bị thiệt hại sau bão   Ảnh: Zing

Tôm hùm bị thiệt hại sau bão Ảnh: Zing

“Dã tràng xe cát”

Những người nuôi tôm hùm Phú Yên vừa qua vẫn bàng hoàng khi nhắc tới trận lũ lịch sử, chỉ trong thời gian ngắn, cơn lũ đã cuốn trôi công sức của người dân. Theo thống kê, trong cơn bão số 12, ngành nông nghiệp tỉnh này thiệt hại lên đến 2.463 tỷ đồng, trong đó, người nuôi tôm hùm tổn thất rất lớn. Hơn 89.400 m3 lồng tôm với gần 1,2 triệu con tôm hùm bị mất trắng, thiệt hại gần 380 tỷ đồng. Cụ thể, theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên, thiệt hại trên còn chưa tính tới những mất mát tại Đầm Môn, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Số thiệt hại ở Đầm Môn rất lớn nhưng Khánh Hòa và Phú Yên vẫn chưa tính được.

Trước đó, gần cuối năm 2016, những người nuôi tôm hùm ở đầm Cù Mông không thể quên đợt tôm hùm chết hàng loạt do sốc nước lũ. Hơn 300 hộ gia đình trắng tay. Nỗi ám ảnh tôm chết lan rộng khắp nhiều vùng nuôi tôm, khiến người nuôi luôn phập phồng dõi theo thời tiết.

Theo tính toán của những người nuôi tôm, rủi ro trong nuôi tôm hùm là rất lớn, một con tôm hùm bông nặng 1 kg có giá bán xấp xỉ 2 triệu đồng. Chỉ cần một lồng tôm hùm khoảng 50 con, bị sốc nước lũ thì ngay lập tức, người nuôi mất trắng cả 100 triệu đồng. Dù muốn giữ lồng tôm hùm nhưng cái khó là không thể di dời lồng tôm hùm đi nơi khác, do mặt đầm đã chật kín.

TS. Nguyễn Hữu Ninh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cho biết, việc tôm hùm tổn thất trong những lần gần đây một phần do thiên tai nhưng còn do kỹ thuật nuôi. Do nuôi quá dày, các lồng nuôi sát nhau, trong khi vật liệu làm lồng không bảo đảm nên khi va chạm gây rách lồng làm tôm chết hoặc thoát ra ngoài.

Ngoài ra, người nuôi còn gặp phải nhiều khó khăn như tôm hùm giống tự nhiên trong tỉnh cạn kiệt, họ phải mua tôm giống trôi nổi từ các nước Philippines và Singapore phần lớn chưa qua kiểm dịch; giá cả tôm hùm thịt lên xuống thất thường, không có thị trường ổn định.

Khắc phục khó khăn

Tại tỉnh Phú Yên, hơn 33.000 lồng nuôi tôm hùm tập trung tại vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông và Vũng Rô, dù đây là những nơi kín gió, được xem là an toàn trước thiên tai. Nhưng nếu mưa nhiều, lũ dồn về đầm vịnh thì hiện tượng ngọt hóa nước đầm vịnh là khó tránh khỏi. Và khi đó tôm bị sốc nước lũ. Giải pháp duy nhất là hạ thấp lồng nuôi tôm hùm mỗi khi nước lũ đổ về các vùng nuôi. Nhưng việc thực hiện không khả quan khi thiên tai, người nuôi không thể can thiệp kịp. Hơn nữa, tầng đáy vùng nuôi tôm hùm thời gian gần đây liên tục cảnh báo về mức độ ô nhiễm, hạ thấp lồng nuôi liệu có an toàn?

Trước những rủi ro ngày càng nhiều, TS. Nguyễn Hữu Ninh đề xuất, Viện III sẽ hỗ trợ tỉnh Phú Yên thiết kế, lắp đặt lồng nuôi cho phù hợp cũng như quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh ở những vùng nuôi tập trung. Ngoài ra, yếu tố môi trường sẽ thay đổi lớn nên dịch bệnh với tôm rất dễ phát sinh. Cần xử lý môi trường nuôi trước khi người dân thả giống tôm hùm để nuôi mới.

Trao đổi với chúng tôi, theo một số lãnh đạo trong ngành thủy sản, cần quy hoạch lại và thay đổi cách nuôi tôm hùm. Trước hết, ngoài thay đổi vật liệu làm lồng cũng cần thay đổi thức ăn cho tôm. Thay đổi vật liệu làm lồng nuôi bằng chất dẻo, có độ đàn hồi lớn để thích ứng với biến đổi khí hậu và cần thay đổi dần thức ăn cho tôm từ tươi sống sang thức ăn công nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, việc phát triển nghề nuôi tôm hùm phải phù hợp với bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, từ nay đến năm 2020, tỉnh chủ trương duy trì ổn định sản lượng trên cơ sở tổ chức lại các vùng nuôi tôm hùm truyền thống trong diện tích 14.000 ha đầm, vịnh với 18.100 lồng nuôi mỗi năm, giảm khoảng sáu nghìn lồng so với hiện nay; đầu tư mạnh về khoa học để xây dựng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ phục vụ sản xuất giống nhân tạo, thức ăn tươi gia công và thức ăn công nghiệp; tập huấn cho người nuôi công nghệ nuôi thương phẩm và chế biến sản phẩm tôm hùm.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Về lâu dài, cần quy hoạch và giao mặt nước cho người nuôi tôm hùm. Khi đã giao và cho thuê mặt nước để nuôi tôm hùm thì phải hướng dẫn về mặt kỹ thuật và phải có chế tài. Cần thiết phải có khoảng trống trên mặt nước để làm vệ sinh. Luật Thủy sản vừa được Quốc hội thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc để phát triển nghề nuôi tôm hùm.

Tiến Thành

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!