Nuôi tôm ở Bình Trúc

Chưa có đánh giá về bài viết

Phát triển tự phát nhưng nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Bình Trúc 1 (xã Bình Sa, Thăng Bình) thu được hiệu quả kinh tế cao nên huyện Thăng Bình đề xuất với tỉnh xây dựng vùng nuôi tôm công nghiệp tại đây.


Anh Phạm Thế Mỹ kiểm tra tôm nuôi tại thôn Bình Trúc 1. Ảnh: V.N

Lợi nhuận lớn

Từ cầu Bình Sa – Bình Hải, phóng tầm nhìn có thể bao quát được khu đất rộng hơn 10ha, chạy dọc theo sông Trường Giang đang là một trong những địa điểm nuôi tôm ở vùng triều thuận lợi nhất của huyện Thăng Bình nói riêng, Quảng Nam nói chung. Theo anh Phạm Thế Mỹ (thôn Bình Trúc 1), khu vực này được thiên nhiên ưu đãi nghề nuôi tôm nước lợ khi tách biệt với các hoạt động kinh tế – xã hội trên địa bàn lại có nguồn nước ngầm dồi dào, không bị ô nhiễm. “Tôi đầu tư nuôi tôm tổng cộng trên 1ha, gồm 3 ao nuôi tôm thương phẩm và 1 ao chứa lắng. Tôi đóng giếng, hút nguồn nước ngầm sạch tại chỗ cho vào ao chứa lắng rồi xử lý triệt để nguồn nước trước khi cho vào 3 ao để nuôi tôm.

Nuôi tôm có thể tiềm ẩn rủi ro nhưng nhờ môi trường nước ổn định nên tôm nuôi phát triển tốt đem lại thành công cho các vụ nuôi” – anh Mỹ nói. Trong năm 2017, anh Mỹ đầu tư 2 vụ nuôi tôm thì cả 2 vụ đều đạt. Đặc biệt ở vụ 2, tôm phát triển tốt, anh Mỹ thu hoạch được 6 tấn tôm cỡ 50 con/kg bán được 1,2 tỷ đồng, lãi 800 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Khu vực này không có rắn rết, chim cò lui tới nên không sợ mầm bệnh phát tán từ nơi khác đến. Tôi đầu tư kỹ càng, chăm sóc tôm 24/24 giờ nên hầu như khống chế được mọi tác nhân có thể gây bất lợi cho tôm nuôi” – anh Mỹ cho biết.

Từ khu vực nuôi tôm của anh Mỹ băng qua khu đất rộng chia đôi bên này và bên kia cầu Bình Sa – Bình Hải, chúng tôi đặt chân đến khu vực nuôi tôm khác, cũng thuộc thôn Bình Trúc 1. Đây là khu vực đất cát được người dân lót bạt nuôi tôm. Nguồn nước được các hộ dân bơm lên từ đất ngầm cho vào ao chứa lắng xử lý rồi đưa vào ao nuôi tôm thương phẩm. Ở 2 vụ nuôi trong năm 2017, các nông hộ Phạm Ngọc Huy, Phạm Quốc Việt, Nguyễn Đình Mai đều thu được hơn 1 tỷ đồng chỉ từ nuôi tôm trên 3 ao nuôi. “Tôi trải qua rất nhiều nghề để mưu sinh nhưng bấp bênh quá nên chọn lựa nuôi tôm trên cát ở thôn Bình Trúc 1 sau khi thấy các hộ nuôi tôm đều thành công. Từ chỗ vay mượn người thân, bạn bè và thế chấp ngôi nhà để có tiền đầu tư nuôi tôm, đến nay sau 3 năm triển khai, tôi đã hoàn trả xong nợ nần và dư được tiền tỷ” – ông Nguyễn Đình Mai nói. Còn ông Phạm Ngọc Huy thì cho biết, nguồn nước sạch, độ pH đảm bảo, độ kiềm thích hợp, nhiệt độ ít dao động là các điều kiện cần để duy trì nuôi tôm ổn định. Tôi đầu tư mua tôm giống có chất lượng, thức ăn tốt, chăm sóc 24/24 giờ, chủ động xử lý các vấn đề phát sinh nên nuôi tôm luôn đạt.

Nuôi tôm công nghiệp

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực nuôi tôm ở thôn Bình Trúc 1 còn manh mún vào thời điểm này do phát triển tự phát, người dân không đầu tư ao xử lý nước thải nên nguồn nước thải có thể thấm vào trong đất gây ô nhiễm nặng nước ngầm. Ông Châu Quang Anh – Chủ tịch UBND xã Bình Sa cho rằng, để hạn chế điều này cần phải kiện toàn lại quá trình nuôi tôm, trước mắt là đầu tư hạ tầng. Kỳ vọng này có đạt được hay không phụ thuộc vào chủ trương và cơ chế của tỉnh chứ ngân sách của huyện, xã không đủ còn người dân không chắc có thể nuôi tôm được bao lâu nên… ngại đầu tư lớn. “Địa phương đề xuất với tỉnh đầu tư dự án nuôi tôm công nghiệp tại thôn Bình Trúc 1 nhằm khai thác tốt hơn tài nguyên đất đai, phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân đồng thời bảo vệ tốt hơn môi trường sinh thái” – ông Anh nói.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, địa phương đã tiến hành khảo sát địa chất – địa hình, thủy lực – thủy văn tại khu vực nuôi tôm thôn Bình Trúc 1. Qua đó, đã thiết kế hệ thống ao nuôi, ao chứa lắng, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp, thoát nước phù hợp với thực tế và quy định, quy chuẩn của ngành. Trên cơ sở đó, đã lập các hạng mục hạ tầng, gồm điện, giao thông, nước cần đầu tư để kêu gọi Nhà nước hỗ trợ kinh phí cùng nguồn lực của huyện, xã và người dân tham gia thực hiện. “Dự án nuôi tôm công nghiệp tại thôn Bình Trúc đảm bảo phát triển bền vững, tránh tác động xấu về mặt môi trường. Nuôi tôm theo quy mô công nghiệp sẽ đảm bảo năng suất cao, hạn chế thẩm thấu mặn đến nguồn nước ngầm. Dự án cũng đã thiết lập hệ thống vành đai đê bao, kè để chống hiện tượng sạt lở đất ảnh hưởng đến khu vực nuôi tôm” – ông Đoàn Thanh Khiết – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình nói.

Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về xây dựng những vùng nuôi tôm tập trung ở các vùng triều ven sông, ngành thủy sản tỉnh đã khảo sát và nhận thấy tiềm năng to lớn về nuôi tôm ở khu vực Bình Trúc 1 và đã đưa vào quy hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt. Khi quy hoạch được UBND tỉnh thông qua thì khu vực nuôi tôm ở Bình Trúc 1 sẽ được đầu tư, kiện toàn lại hạ tầng để nuôi tôm công nghiệp theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ kết hợp với nguồn lực của huyện, xã và người dân, doanh nghiệp cùng đầu tư, hướng đến phát triển lâu dài, hiệu quả.

Việt Nguyễn

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!