Nuôi trồng thủy sản 2019: Tư duy mới, cách làm mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Với lợi thế năm 2018, bước sang 2019 ngành NTTS cần hành động với tư duy mới, cách làm mới, trong đó trọng tâm là rà soát, thiết lập lại thị trường con giống, thức ăn, vật tư; phải bám sát thực tiễn thị trường, giải pháp phải chi tiết, đồng bộ, nhiều kịch bản, nhiều phương án tiến hành. Đó là phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị tổng kết ngành NTTS năm 2018.


Vượt khó

Theo thống kê của Vụ Nuôi trồng Thủy sản, năm 2018 tổng diện tích NTTS đạt 1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 450 nghìn ha, nuôi mặn lợ 850 nghìn ha; Sản lượng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 6,7% so năm 2017.

Sản xuất giống một số đối tượng thủy sản chủ lực cơ bản đã đáp ứng nhu cầu giống cho nuôi thương phẩm: Cả nước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, gồm 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 602 cơ sở sản xuất giống TTCT. Năm 2018, số lượng TTCT bố mẹ nhập khẩu 212.068 con, tăng 10,9% so năm 2017; sản lượng tôm giống sản xuất 120 tỷ con, tăng 10,4% (tôm sú 37,5 tỷ con, TTCT 82,5 tỷ con). Đến nay, 230 cơ sở sản xuất giống cá tra, hơn 4.000 hộ ương dưỡng cá giống, sản xuất được khoảng 25 tỷ cá tra bột; 30.000 con cá tra bố mẹ chọn giống được thay thế, do đó chất lượng giống cá tra đã từng bước được cải thiện. Đề án chuỗi liên kết cá tra 3 cấp tại các tỉnh ĐBSCL bước đầu mang lại hiệu quả. Giống các đối tượng thủy sản nuôi khác như nhuyễn thể, cá biển, cá nước lạnh, tôm càng xanh và một số đối tượng thủy đặc sản khác được quan tâm phát triển, cơ bản đã đáp ứng như cầu nuôi.

Công tác phòng chống dịch bệnh NTTS được chú trọng với phương châm phòng là chính, ngay từ khâu nuôi trên cơ sở hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường được vận hành từ trung ương đến các địa phương, nhất là vùng trọng điểm nuôi tôm nước lợ. Dịch bệnh trên tôm nuôi năm 2018 chỉ ở mức nhiễm hơn 5% diện tích thả nuôi, giảm mạnh so nhiều năm gần đây thường duy trì ở mức độ nhiễm bệnh 12 – 15% diện tích nuôi. Ngành NTTS tiếp tục triển khai “Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025” và Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030. Ngoài ra, các địa phương, doanh nghiệp đã xây dựng các đề án, chương trình liên kết: Tập đoàn Thủy sản Minh Phú xây dựng mô hình quản lý nuôi tôm theo chuỗi; Tỉnh Bạc liêu xây dựng Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; Tỉnh Cà Mau xây dựng đề án nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

2018 là năm đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc trong nuôi cá tra: Diện tích nuôi đạt 5.400 ha, tăng 3,25% so năm 2017, sản lượng nuôi 1,42 triệu tấn, tăng 13,6%, kim ngạch xuất khẩu 2,26 tỷ USD, tăng 26,5%. Ngay từ đầu năm 2018, ngành cá tra được chấn chỉnh hoạt động và kiểm soát chất lượng, duy trì sản lượng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Sự tham gia của các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nghiên cứu nâng cao chất lượng, sản xuất cá tra giống có chất lượng và tổ chức lại sản xuất, kết nối liên kết chuỗi 3 cấp trong sản xuất, ương dưỡng cá tra nhằm từng bước cung cấp cá tra giống có chất lượng cho nuôi thương phẩm thông qua Đề án liên kết sản xuất giống cá tra cá 3 cấp vùng ĐBSCL; định hướng phát triển dòng sản phẩm mới cá tra fillet chất lượng cao, hướng tới phân khúc thị trường khó tính, góp phần khẳng định chất lượng, uy tín và từng bước xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình NTTS trong năm qua cũng còn những hạn chế như: Chậm xây dựng một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chất lượng giống cá tra vẫn còn thấp và chưa được cải thiện rõ nét, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh lâu dài của sản phẩm; tôm giống vẫn còn lệ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu; việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm, kháng sinh nguyên liệu trong NTTS có chuyển biến nhưng chưa rõ và triệt để…

Định hướng phát triển năm 2019

Theo dự báo, thời tiết năm 2019 sẽ tiếp tục diễn biến khó lường trước tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học công nghệ cho phép kiểm soát hoạt động NTTS chủ động tốt hơn, đặc biệt là các cơ sở áp dụng công nghệ cao. Với thành công trong ứng phó với Đạo luật Trạng trại của Mỹ (Farmbill 2014) và tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, dự báo khả năng xuất khẩu tôm, cá tra sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, công tác kiểm soát điều kiện sản xuất, chất lượng và ATTP đối với sản phẩm thủy sản cần đặc biệt coi trọng để hạn chế lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng, đánh mất uy tín. Luật Thủy sản 2017 và các quy định về quản lý thông thoáng hơn sẽ tạo tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp phát huy năng lực, phát triển sản xuất, kinh doanh NTTS.

Năm 2019, ngành NTTS phấn đấu đạt các chỉ tiêu kế hoạch: Tốc độ tăng giá trị sản xuất NTTS đạt 5,19%; diện tích 1,3 triệu ha; sản lượng nuôi trồng 4,38 triệu tấn, tăng 5,6% so năm 2018. Để đạt được các mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: Tập trung triển khai các đề án quan trọng như Đề án khung sản phẩm chủ lực quốc gia cá da trơn, đề án sản phẩm chủ lực tôm nước lợ, chiến lược phát triển nuôi biển, kế hoạch hành động quốc gia phát triển bền vững ngành tôm, đề án tổng thể tôm nước lợ. Quản lý chặt chẽ về chất lượng vật tư thủy sản, nhất là thức ăn thủy sản và tránh lạm dụng kháng sinh trong NTTS. Tổng kết các mô hình, phương thức nuôi tốt để nhân rộng, bao gồm cả nuôi siêu thâm canh/thâm canh, nuôi quảng canh cải tiến, nuôi sinh thái, hữu cơ ở từng vùng có điều kiện phù hợp. Chú trọng phương thức nuôi trồng tiên tiến hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường phục vụ NTTS, ứng dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa trong quan trắc môi trường…

Nguyễn Bá Sơn - Vụ Nuôi trồng Thủy sản

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!