Nuôi trồng thủy sản bền vững: Tất yếu quan trắc môi trường

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi trồng thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của nước ta, đặt ra yêu cầu bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Theo đó, môi trường nuôi trồng thủy sản phải được kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu và việc quan trắc môi trường là không thể thiếu.

Kiểm tra môi trường nước ao nuôi   Ảnh: Trần Út

Kiểm tra môi trường nước ao nuôi Ảnh: Trần Út

Quan trắc vùng nuôi tôm

Tỉnh Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp lớn nhất ĐBSCL, khoảng 40.000 ha trong tổng diện tích nuôi tôm nước lợ hơn 54.000 ha. Chi cục Thủy sản định kỳ lấy mẫu nước để phân tích chất lượng và cảnh báo tại các vùng nuôi. Trong năm 2016, phân tích các chỉ tiêu thủy lý hóa 5.264 mẫu, từ đó khuyến cáo người nuôi tôm xử lý môi trường phù hợp để bảo vệ tôm nuôi.

Đứng thứ hai ĐBSCL về diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp là tỉnh Bạc Liêu, khoảng 20.000 ha. Đồng thời, tỉnh cũng có diện tích nuôi tôm nước lợ đứng thứ hai ĐBSCL với hơn 130.000 ha, chiếm 50% tổng diện tích tự nhiên 257.094 ha. Trong năm 2016, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện quan trắc môi trường tôm – lúa ở huyện Hồng Dân và tôm thâm canh, bán thâm canh ở huyện Hòa Bình. Kết quả được phản hồi đến người nuôi, ứng phó thiên tai hạn mặn khá tốt. 

Kinh tế biển lớn nhất ĐBSCL, chiếm 73,3% GDP của tỉnh vào năm 2015, Kiên Giang vẫn có hơn 100.000 ha nuôi tôm nước lợ, chiếm 50% diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Kiên Giang đã đầu tư hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, dịch bệnh tại hai vùng trọng điểm nuôi tôm nước lợ là Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng.

Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2015 – 2016, đã có 31/63 tỉnh và thành phố phê duyệt kế hoạch quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản. Ở ĐBSCL tiến hành tại 11 tỉnh: tôm nước lợ giám sát 53 điểm trên kênh và hơn 40 ao đại diện, miền Trung có 11 điểm tại nguồn nước cấp cho nuôi tôm, miền Bắc 6 điểm nước cấp cho vùng nuôi tôm.

Giám sát biển miền Trung

Khi xảy ra sự cố biển tại 4 tỉnh miền Trung, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã có mặt ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào ngày 7/4/2016, lúc vừa xuất hiện cá nuôi lồng chết hàng loạt. Đến ngày 11/4/2016, Viện có báo cáo kết quả phân tích mẫu cá nuôi lồng chết hàng loạt tại thị xã Kỳ Anh, đây là tài liệu khoa học đầu tiên góp phần xác định nguyên nhân thủy hải sản chết bất thường ở ven biển miền Trung. Viện còn chủ động định kỳ thực hiện các đợt quan trắc tăng cường đối với các vùng nuôi ven biển tại 4 tỉnh. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Tổng cục Thủy sản hướng dẫn kịp thời với các địa phương, duy trì và ổn định hoạt động nuôi trồng.

Trong năm 2016, Viện tiếp tục quan trắc và giám sát chủ động tại một số vùng nuôi tôm tập trung ở Nam Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu, Nghệ An), Hộ Độ (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Kết quả, phát hiện sớm vi khuẩn gây bệnh AHPND trên tôm và trong nguồn nước nuôi tôm tại Nghệ An và Hà Tĩnh, kịp thời khuyến cáo biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh. 

Chủ động cho năm mới

Tổng cục Thủy sản cho biết, thực trạng quản lý môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản mới bắt đầu nên cũng còn nhiều bất cập. Cơ chế quản lý chưa rõ ràng; cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí đều thiếu. Ở nhiều địa phương, công tác giám sát vùng nuôi đặc biệt là quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh chưa có hoặc chưa hiệu quả; cán bộ quan trắc môi trường kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn. Từ đó, việc thiết lập điểm quan trắc không toàn diện, thông tin đưa đến người nuôi chưa kịp thời. Theo Tổng cục, năm nay chủ động thực hiện công tác quan trắc hơn nữa và tiếp tục phối hợp với các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, II, III để triển khai.

Các viện nghiên cứu đã có kế hoạch phối hợp cùng chi cục thủy sản địa phương thực hiện việc quan trắc định kỳ môi trường nước, giám sát dịch bệnh vùng nuôi tôm tập trung. Với 4 tỉnh miền Trung, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I tiếp tục tăng cường quan trắc, giám sát môi trường nước vùng nuôi trồng thủy sản ven biển. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Tổng cục Thủy sản có hướng dẫn kỹ thuật nhằm duy trì ổn định nghề nuôi tôm nước lợ.

Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho rằng, chất lượng môi trường nước và bệnh thủy sản đã trở thành vấn đề bức bách. Để việc quan trắc môi trường đáp ứng yêu cầu, cần chú trọng phương pháp thống kê, xử lý, lưu trữ số liệu và kết nối chia sẻ giữa các cơ quan chức năng, các địa phương để giúp người nuôi tôm nhanh nhất. Sở NN&PTNT Sóc Trăng kiến nghị Bộ NNN&PTNT sớm ban hành thông tư đánh số mã số vùng nuôi, thông tư quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ tỉnh xử lý số liệu và dự báo môi trường vùng nuôi. 

>>Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể cho rằng: Việc xây dựng hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm tập trung là rất cần thiết, với đường cấp nước và thoát nước riêng, tuy nhiên nếu chỉ lấy nước biển ven bờ thì chưa tránh được nguồn nước ô nhiễm. Bởi vậy, cần đặt ống có đường kính 1,5 – 2 m, lấy nước biển sạch xa bờ đưa vào hồ chứa để cung cấp cho các ao nuôi tôm. Trên hệ thống này, đặt các trạm quan trắc sẽ quản lý rất tốt môi trường nước.

Thanh Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!