Nuôi trồng thủy sản theo mô hình sinh thái

Chưa có đánh giá về bài viết

Cồn Trường – nằm ở vùng cửa sông ven biển thuộc xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa). Đây là khu vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước lợ với tổng diện tích 500 ha (chiếm 1/10 diện tích NTTS nước lợ toàn tỉnh), trong đó có 200 ha rừng ngập mặn, hơn 300 ha NTTS. Vùng NTTS Cồn Trường phù hợp với sự sinh tồn và phát triển của các loài thủy sản.

Tuy nhiên, những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu, Cồn Trường cũng bị ảnh hưởng lớn, nguồn lợi thủy sản tự nhiên giảm từ 60 – 70%, môi trường ô nhiễm… Bên cạnh đó, nạn khai thác bằng xung điện, lưới quá dày so với quy định khiến nhiều loài tôm, cá, nhất là các loài lạch (nhệch), cá bống, tôm he, cá vược, hàu, phi, cua xanh bị cạn kiệt. Gia đình anh Nguyễn Văn Đức là một trong 137 hộ dân NTTS ở Cồn Trường được tham gia dự án “Xây dựng mô hình khai thác,  NTTS thích ứng với BĐKH hướng tới phát triển bền vững ngành thủy sản”. Mô hình được triển khai trên diện tích mặt nước là 10 ha với hình thức nuôi tôm, kết hợp với trồng sú vẹt, nuôi xen ghép cua xanh, cá rô phi đơn tính; mật độ thả: tôm sú 5 con/m2, cua xanh 2 con/m2, cá rô phi đơn tính 1 con/m2. Sau 5 tháng nuôi, tỷ lệ sống của tôm, cua, cá đạt tới 65 – 70%, tôm sú thu hoạch với kích cỡ đồng đều và đạt 20 – 25 con/kg, cua xanh  350 – 450 g/con, cá rô phi  500 – 600 g/con.Với hình thức nuôi tổng hợp tôm, cua, cá với mật độ phù hợp như trên, anh Đức thu lời từ 50 – 60 triệu đồng/ha, năng xuất bình quân 1.300 kg/ha/vụ. Anh Đức cho biết các loài thủy sản nuôi ở những đầm quảng canh gần rừng ngập mặn hoặc trồng cây ngập mặn ở xung quanh bờ phát triển tốt hơn các đầm trống trải vì cây ngập mặn che bóng cho một phần đầm nên khi trời nắng nóng nhiệt độ nước không quá cao. Trong quá trình nuôi không xảy ra dịch bệnh; tôm, cá tăng trưởng nhanh, kích cỡ thương phẩm đạt giá trị cao. Hiệu quả từ mô hình này đã có sức lan tỏa nhanh ở cộng đồng nuôi tôm tại Cồn Trường nói riêng và các xã vùng triều ven biển nói chung phát triển nuôi tôm theo hình thức sinh thái kết hợp. Hướng phát triển này  đáp ứng được sự cân bằng về kinh tế và môi trường, tạo ra các sản phẩm hàng hóa bảo đảm  vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hoàng Thu Hằng (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!