Ông Thới nuôi tôm chỉ lãi và hòa

Chưa có đánh giá về bài viết

Với 3 ha diện tích đất nuôi tôm, ông Ngô Văn Thới (ấp Tân Thành, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, Trà Vinh) đã có thu nhập ổn định, từ 400 triệu – trên 1 tỷ đồng/năm.

Nuôi bằng kinh nghiệm

Bắt đầu nuôi tôm từ năm 2005, hiện ông Thới đã có thu nhập ổn định. Riêng trong năm 2013, 2014, ông thu về số tiền trên 1 tỷ đồng từ việc đối tượng nuôi chính là tôm sú.

Ông cho biết, trong năm 2013, năm 2014, tôm được mùa, được giá, ông thu hoạch trung bình khoảng 7 – 8 tấn tôm/ha, với giá bán khoảng 240.000 đồng/kg, tổng thu nhập khoảng 2,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 1,5 tỷ. Trước đó, những năm 2010 – 2012, hàng năm ông đều thu lợi nhuận từ 300 triệu trở lên. Đặc biệt, qua hơn 10 năm nuôi tôm, có những năm do giá tôm xuống thấp hoặc dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt, gây mất mùa, ông cũng duy trì hòa vốn, không để xảy ra thua lỗ.

Với quan điểm “thả đâu chắc đó”, ông Thới nuôi tôm sú 1 vụ/năm,  ông thả nuôi với mật độ 15 – 20 con/m2. Sau thời điểm nuôi chính vụ, ông để ao “nghỉ ngơi”, cải tạo bằng kỹ thuật của riêng mình.

ông thới nuôi tôm chỉ lãi và hòa

Theo ông Thới, để vụ nuôi thành công, cần chú ý từ khâu xử lý ao nuôi, cải tạo ao đầm, chọn con giống và thả tôm theo đúng lịch thời vụ. Để vụ nuôi thành công, cần tuân thủ chặt chẽ các khâu theo đúng quy trình. Trong cải tạo ao, cần xả nước trong vụ nuôi cũ ra bên ngoài và để ao ít nhất 1 – 2 tháng. Trong quá trình nạo vét đáy ao, cần xả khô ao, cho vôi khử trùng đáy ao, duy trì mực nước khoảng 20 cm ngâm ao trong thời gian 1 tuần, sau đó cấp nước qua lưới lọc và gây màu cho ao thời gian 10 ngày trước khi xuống giống. Tôm giống được chọn để nuôi phải được kiểm tra dịch bệnh tại cơ quan có thẩm quyền. Thời gian thả tôm đúng với lịch thời vụ của địa phương đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo.

 

Đến sản xuất tôm giống

Ông Thới còn là chủ trại sản xuất tôm sú giống, đáp ứng nhu cầu nuôi của gia đình và một phần của người dân trong huyện. Trung bình mỗi năm, ông sản xuất 30 – 40 triệu tôm sú giống. Tôm bố mẹ được nhập khẩu chủ yếu từ Malaysia và Cà Mau với số lượng khoảng 100 cặp/năm. Điều đặc biệt và quan trọng trong quá trình ương giống là việc quản lý tôm bố mẹ, vệ sinh trại ương, xử lý nước, không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Tôm sú giống được xét nghiệm dịch bệnh tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II trước khi đưa vào nuôi đại trà.

Ông Thới cho biết: “Việc tự chủ trong sản xuất tôm giống giúp tôi yên tâm thả nuôi”. Tôm giống sản xuất ra phải đạt yêu cầu sạch bệnh, được xét nghiệm trước khi nuôi. Chi phí xét nghiệm được tính cho người nuôi nhưng so với mức giá chung, vẫn rẻ hơn và đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đặc biệt, tôm vận chuyển trong khu vực gần, hạn chế được những tổn thất.

 

Trăn trở nuôi tôm ứng phó với BĐKH

Trăn trở lớn nhất của ông Thới là việc nuôi tôm gắn với tình hình thời tiết nhiều thay đổi như hiện nay. Thêm vào đó, dịch bệnh trên tôm những năm gần đây diễn biến phức tạp do môi trường bị ô nhiễm nặng, cộng với tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán trong vụ nuôi này khiến ông và những người nuôi khác tại địa phương chưa dám xuống giống vụ 1 năm 2016. Về biện pháp lâu dài, ông Thới mong muốn có hệ thống thủy lợi được đầu tư chuẩn, để nuôi tôm hạn chế phụ thuộc thời tiết, và những mô hình nuôi mới có thể ứng phó phù hợp với xâm nhập mặn.

Cũng theo ông Thới, người nuôi tôm hiện nay còn “vô tư” xả nước thải khi tôm bị bệnh ra môi trường, khiến dịch bệnh lây lan mạnh, môi trường bị ô nhiễm nhiều, gây ảnh hưởng trực tiếp tới nuôi tôm và môi trường sống. Do đó, cần có biện pháp xử lý mạnh tay với những trường hợp này, để giữ gìn môi trường nói chung, cũng như việc nuôi tôm nói riêng.

>> Năm 2014, ông Ngô Văn Thới đã đạt danh hiệu “Chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam lần thứ 3”. Ông cũng tham gia các hoạt động ủng hộ tôm giống cho những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương…

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!