T2, 06/07/2020 12:49

Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững – công bằng

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm trước, ngày 24/5/2016, Tổ chức Oxfam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS) cùng các đối tác chính thức khởi động Dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững – công bằng tại Việt Nam” (SusV), do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.

Đại diện SusV tiếp khách hàng từ nước Anh tại Triển lãm Thủy sản Toàn cầu ở Brussels, Bỉ     Ảnh: Đỗ Hà/Oxfam

Đại diện SusV tiếp khách hàng từ nước Anh tại Triển lãm Thủy sản Toàn cầu ở Brussels, Bỉ   Ảnh: Đỗ Hà/Oxfam

Dự án triển khai đến tháng 2/2020 tại 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, nay đã thúc đẩy ký kết gần 60 hợp đồng liên kết chuỗi để kiểm soát chất lượng, giảm giá thành đầu vào 15 – 20%, tăng giá bán 3 – 5%.

Sôi động và thiết thực

Tỉnh Cà Mau, địa phương có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất nước, sau kết quả gần 40 hợp đồng liên kết chuỗi được ký kết, đang thực hiện các chương trình dự án nuôi theo chứng nhận quốc tế Naturland, BAP, ASC. Ngày 29/6, nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu tôm Cà Mau, Ban quản lý SusV tổ chức đối thoại giữa nhiều hộ nông dân ở các hợp tác xã nuôi tôm/tổ hợp tác (HTX/THT) với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cùng đại diện cơ quan quản lý ở địa phương. Sau đối thoại, Công ty Quốc Việt đã ký với HTX nuôi tôm Đoàn Kết và HTX nuôi tôm Tân Long thỏa thuận hợp tác thực hiện chứng nhận ASC, BAP để đem lại lợi ích thiết thực cho gần 500 hộ dân nuôi tôm.

Tại tỉnh Sóc Trăng, địa phương có diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm cánh lớn nhất nước, hơn một năm qua, SusV đã thúc đẩy được 27 mối liên kết đầu vào và đầu ra cho gần 20 HTX/THT. Mới đây, để nâng cao trình độ kỹ thuật, từ ngày 26 – 28/6, Ban quản lý SusV phối hợp cùng tỉnh Sóc Trăng tổ chức 3 khóa tập huấn “TOT về cải tiến kỹ thuật và công nghệ trong nuôi tôm” cho vùng Dự án. Dự tập huấn có 115 thành viên là cán bộ nòng cốt trong HTX/THT và cơ quan quản lý ngành sản xuất tôm của 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Vốn cho các nông hộ và HTX/THT nuôi tôm chưa bao giờ dễ dàng, luôn là nỗi lo canh cánh và do đó cũng được SusV quan tâm. Ngày 22 và 23/6, tại Cần Thơ, Ban quản lý SusV tổ chức khóa tập huấn “Huy động và quản lý nguồn vốn cho HTX/THT nuôi tôm tại ĐBSCL”; nhằm hỗ trợ năng lực cho HTX/THT về các chính sách, tài chính và huy động nguồn vốn có kết quả, đúng quỹ đạo, giúp phát triển ngành tôm. Tham dự có hơn 70 người là thành viên ban quản lý, quản lý tài chính của HTX/THT và các cơ quan quản lý chuyên ngành tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Ban quản lý SusV còn phối hợp với Viện Chiến lược ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Cà Mau tổ chức tập huấn các bước triển khai vay vốn theo chuỗi giá trị tôm, cho hơn 30 nông dân ở các HTX/THT. Đại diện Agribank và Vietinbank cùng các doanh nghiệp chế biến thủy sản, thuốc, vật tư đầu vào đã thảo luận đưa ra những giải pháp về vốn khi thực hiện chuỗi liên kết. Một số đề xuất được nêu lên: Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đứng ra bảo lãnh thức ăn, vật tư đầu vào và ký cam kết với ngân hàng sẽ thanh toán sau khi mua tôm của nông dân trong chuỗi.

Với những thành công sau một năm thực hiện, Ban quản lý SusV đã quyết định tham gia Triển lãm Thủy sản Toàn cầu tại Brussels, tổ chức từ ngày 25 – 27/4/2017. Hoạt động này có giá trị thật sự tích cực với các nhà sản xuất quy mô còn nhỏ của nước ta, mở thêm cơ hội tiếp cận thị trường, xây dựng lòng tin của người tiêu dùng vào chuỗi giá trị minh bạch con tôm Việt Nam, góp phần xây dựng chương trình “vươn xa cùng tôm Việt”. Triển lãm có hơn 1.700 công ty trưng bày đến từ hơn 75 quốc gia. Ban quản lý SusV tổ chức một gian hàng và một hội thảo “Từ trại nuôi đến bàn ăn” thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng và người tiêu dùng ở nhiều nước.

Bốn mục tiêu tương lai

 Đối thoại chuỗi sản xuất tôm tại Cà Mau ngày 29/6

Đối thoại chuỗi sản xuất tôm tại Cà Mau ngày 29/6

Kế hoạch gần nhất, ngày 28/8, tại tỉnh Bạc Liêu, Ban quản lý SusV phối hợp với Sở NN&PTNT Bạc Liêu tổ chức “Diễn đàn tôm Việt Nam: Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm thành công vùng ĐBSCL”. Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS cho biết, dự kiến có 400 – 500 đại biểu là người nuôi tôm đạt hiệu quả cao, các công ty cung ứng đầu vào, đầu ra. Bên cạnh, có đại diện Tổng cục Thủy sản, Hội nghề cá Việt Nam, các Sở NN&PTNT và Chi cục Thủy sản cũng như Trung tâm Khuyến nông ở ĐBSCL, WWF tại Việt Nam. Diễn đàn chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm thực tế từ người nuôi sản xuất hiệu quả đồng thời thảo luận về chính sách hỗ trợ phát triển ngành sản xuất tôm bền vững, công nghệ sản xuất hiệu quả trong nuôi tôm.

Ban quản lý SusV cho biết: “Dự án hướng tới cách tiếp cận đa bên (bao gồm công chúng, khối kinh tế tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các đoàn thể xã hội dân sự liên quan) cho sự phát triển của chuỗi giá trị tôm thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn bền vững, tăng hiệu quả sản xuất cũng như mở rộng quy mô tiếp cận hiệu quả nguồn tài chính”. Những nội dung được tập trung là sử dụng hiệu quả tài nguyên trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, quản lý chất thải, quản lý vòng đời, chuỗi cung ứng sạch. Đặc biệt, chú trọng giảm tác động tiêu cực đến nguồn đa dạng sinh học và nước.

Cũng như mọi dự án của Oxfam, SusV chú trọng tới đảm bảo sinh kế bền vững và cải thiện điều kiện kinh tế của hộ sản xuất/chế biến tôm vừa và nhỏ, thông qua tuân thủ các tiêu chuẩn có trách nhiệm để cải thiện điều kiện lao động. Kết quả của dự án sẽ lan tỏa sang ngành nghề khác.

Mục tiêu tổng thể của SusV: Đóng góp vào sự phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững ở Việt Nam thông qua việc cải thiện các tác động xã hội và môi trường của sản xuất và chế biến tôm. Có 4 mục tiêu cụ thể. Thứ nhất là giảm tác động xã hội và môi trường của nuôi trồng, chế biến tôm. Thứ hai, người sản xuất và chế biến tôm quy mô nhỏ có thể tiếp cận hiệu quả nguồn tài chính và cải thiện hiệu quả sản xuất. Thứ ba, người sản xuất tôm quy mô nhỏ được trao quyền để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong đàm phán với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị. Cuối cùng, chính sách tín dụng của Chính phủ hướng tới người sản xuất tôm và thủy sản sẽ quảng bá chương trình thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và được thiết kế một cách hiệu quả để hỗ trợ sự phát triển của chuỗi giá trị tôm.

Bốn mục tiêu cụ thể của Dự án liên kết với nhau chặt chẽ và hướng tới một kết quả bền vững với ưu tiên lợi ích cho người sản xuất, chế biến tôm quy mô nhỏ, cộng đồng xung quanh và người tiêu dùng. Dự án hy vọng dẫn đến việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, các chuỗi cung ứng và thực hành sản xuất có trách nhiệm, cải thiện điều kiện xã hội – môi trường và giảm phát thải.

>> Tôm là một nguồn sinh kế quan trọng cho hơn một triệu người ở Việt Nam, trong đó có hơn 80% nông trại tôm là hộ sản xuất quy mô nhỏ. Dự án tập trung chủ yếu vào 3 tỉnh ĐBSCL (Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu), các tỉnh đóng góp đến 93% diện tích nuôi tôm và 84,4% sản lượng tôm của Việt Nam. Sự phát triển nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh này đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành tôm Việt Nam cũng như có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển chính sách ở cấp quốc gia.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!