T2, 06/07/2020 01:08

Phát triển hệ thống quan sát tàu cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ năm 2012, với sự đồng ý của Chính phủ, Dự án Hệ thống quan sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh Movimar đã được Bộ NN&PTNT triển khai. Đây là hệ thống thiết bị giám sát hành trình tàu cá bằng công nghệ kết nối vệ tinh, với nhiều ứng dụng, trong đó quan trọng nhất là xác định vị trí, hành trình tàu cá hoạt động trên biển.


Đi tắt đón đầu

Việc Việt Nam sớm trang bị thiết bị Movimar cho tàu cá có thể xem là đi tắt đón đầu, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” của EU cho thủy sản Việt Nam.

Với các tính năng của mình, hệ thống Movimar hiện nay là hệ thống duy nhất của ngành thủy sản đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của EU trong giám sát hành trình tàu cá nhằm chống khai thác IUU. Nhờ đó, cơ quan quản lý có thể chủ động kiểm tra và giám sát được đối với từng tàu cá có lắp thiết bị; đồng thời, quản lý và cập nhật được nhật trình khai thác của các tàu thông qua nhật ký khai thác điện tử được tích hợp vào bộ thiết bị Movimar. Qua đó, cho phép truy xuất được một cách chi tiết, rõ ràng nhất về nguồn gốc các loài thủy sản được đánh bắt. Ngoài tính năng trên, hệ thống cũng có thể thu thập các dữ liệu về khí tượng, đưa ra các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo các sự cố thiên tai về mưa bão trên biển để ngư dân chủ động phòng tránh. Cùng đó, thu thập các dữ liệu về hải dương học hàng ngày (như nhiệt độ nước biển, độ muối, độ cao mực nước biển, các phù du, hình ảnh dòng hải lưu…). Đây là những cơ sở dữ liệu hết sức quan trọng để đưa ra các cảnh báo, dự báo về ngư trường, giám sát tình hình môi trường biển… Trong sự cố môi trường biển miền Trung năm 2016, Movimar là hệ thống có vai trò rất quan trọng trong việc thu thập và cung cấp các dữ liệu hải dương học, đưa ra các đánh giá, mô phỏng về lan truyền ô nhiễm cũng như thay đổi diễn biến điều kiện môi trường tại 4 tỉnh miền Trung…

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, hiện 3.000 thiết bị Movimar được lắp đặt cho 3.000 tàu khai thác xa bờ > 90 CV. Ngoài hệ thống Movimar còn 2 hệ thống giám sát hành trình tàu các khác là hệ thống VX-1700 đã lắp đặt trên 10.664 tàu đánh bắt xa bờ; 25.000 tàu đánh bắt ven bờ lắp đặt máy liên lạc sóng HF (chủ yếu là máy ICOM) và 7.000 tàu đánh bắt gần bờ lắp đặt máy thu trực canh (chỉ thu nhận). Theo đó, các tổ, đội khai thác và số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ trên cả nước cơ bản được trang bị hệ thống giám sát hành trình đánh bắt. Đây là điều kiện và là cơ sở hết sức quan trọng, là căn cứ thuyết phục giúp EU có những đánh giá tích cực đối với hoạt động triển khai chống khai thác IUU của Việt Nam.

Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết, để ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp, Bình Định đã chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu thông qua hệ thống Movimar, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân khi có bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra trên biển, giúp ngư dân cập nhật kịp thời và nhanh chóng hướng đi của bão cũng như tìm cách tránh trú bão an toàn.

Còn nhiều băn khoăn

Bên cạnh những công dụng hữu ích trong việc giúp cơ quan quản lý theo dõi và quản lý chặt hoạt động của các tàu, thuyển; thì hệ thống Movimar cũng còn vướng một số hạn chế nhất định. Nổi bật nhất là ý thức trong việc quản lý, sử dụng thiết bị này của ngư dân. Theo đó, nhiều chủ tàu cá cho rằng khi bật thiết bị Movimar, sẽ bị lộ ngư trường khai thác nên họ không muốn sử dụng, thậm chí có lắp đặt nhưng bật thiết bị. Trên thực tế, mặc dù Movimar là thiết bị mang lại rất nhiều ý nghĩa trong công tác quản lý, điều hành cho cơ quan chức năng, tuy nhiên, lợi ích trực tiếp mang lại cho ngư dân hiện nay lại chưa nhiều…

Dự án Movimar đã kết thúc giai đoạn I, 2018 là năm chuyển giao sang giai đoạn tiếp theo; tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay chính là vấn đề kinh phí triển khai. Nếu như trong giai đoạn từ năm 2017 trở về trước, tổng nguồn kinh phí để duy trì cho 3.000 thiết bị đầu cuối cùng hệ thống trạm giám sát bờ của hệ thống này lên tới trên 100 tỷ đồng (trung bình gần 40 tỷ đồng/năm) và hoàn toàn được lấy từ nguồn kinh phí nhà nước. Tuy nhiên hiện nay, trong bối cảnh yêu cầu lắp đặt hệ thống giám sát tàu cá ngày càng phải tăng lên, kinh phí duy trì hoạt động sẽ rất khó khăn.

Để hệ thống Movimar phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu Tổng cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các địa phương và Công ty CLS (đơn vị cung cấp thiết bị) tiến hành rà soát, thu hồi và bảo dưỡng trang thiết bị Movimar đã được lắp đặt trên các tàu cá và CLS tiếp tục nâng cấp các tính năng của thiết bị cho tất cả các tàu cá đang sử dụng thiết bị này trên cả nước. Giao Cục Kiểm ngư tiếp tục rà soát các thiết bị và bổ sung các chế tài phù hợp để thực hiện có hiệu quả công tác giám sát tàu cá. Các địa phương tập trung tuyên truyền cho ngư dân về lợi ích lắp đặt. Đề nghị Tổng cục Thủy sản kiến nghị tiếp tục tham mưu xây dựng cơ chế trong chia sẻ ngân sách giữa Trung ương và địa phương để thực hiện hệ thống thông tin giai đoạn II một cách có hiệu quả.

Được biết, mới đây, Bộ NN&PTNT đã quyết định phân bổ 200 thiết bị đầu cuối kết nối vệ tinh Movimar cho tỉnh Ninh Thuận; Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch lắp đặt, phê duyệt, điều chỉnh lại danh sách tàu cá lắp thiết bị của tỉnh quản lý.

>> Theo Tổng cục Thủy sản, cả nước đã có 3.000 tàu cá được lắp đặt thiết bị Movimar đầu cuối trên phạm vi 28 tỉnh ven biển, là công nghệ hiện đại nhất thế giới về giám sát tàu cá và hải dương. Trong khu vực Đông Nam Á, hiện chỉ có 2 quốc gia là Việt Nam và Indonesia đang sở hữu công nghệ Movimar.

Thiên Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!