Phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Tại Việt Nam, nuôi tôm là nghề truyền thống có từ lâu đời nhưng chủ yếu là nuôi nước lợ với hình thức quảng canh cổ truyền. Mãi đến năm 1985, các hệ thống nuôi bán thâm canh và thâm canh mới bắt đầu xuất hiện và phát triển. Trước áp lực gia tăng dân số và nhu cầu lương thực ngày càng tăng, việc nuôi tôm theo hướng truyền thống không thể đáp ứng được sản lượng cho nhu cầu của con người.

Nuôi tôm công nghệ Biofloc

Biofloc là công nghệ phổ biến trong nuôi tôm thẻ chân trắng trên thế giới. Kỹ thuật Biofloc cơ bản được phát triển bởi TS Yoram Avnimelech ở Israel và được áp dụng ở quy mô thương mại đầu tiên bởi Công ty belize Aquaculture ở Belize. Tiếp đó, công nghệ này được ứng dụng thành công trong trang trại nuôi tôm ở Indonesia và Australia, rồi lan dần sang các nước khác.

Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ Biofloc đầu tiên trong nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng được ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I thực hiện từ năm 2011 – 2013, đã cho kết quả rất thành công. Năm 2014, nhiều công ty sản xuất giống và nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu đã ứng dụng công nghệ này vào sản xuất giống vào nuôi thương phẩm và cho những kết quả rất khả quan. Điển hình, Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh đã áp dụng công nghệ này với 2 giai đoạn: giai đoạn ương với mật độ 1.000 – 2.000 con/m2 trong 20 – 25 ngày, sau đó, tôm được chuyển sang nuôi ngoài trời với mật độ 200 – 300 con/m2. Sau 3 tháng nuôi tôm đạt kích cỡ 35 – 50 con/kg, năng suất trung bình 150 – 200 tấn/ha/năm. FCR thấp 0,85 – 1.

phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp

Nuôi tôm công nghệ cao có chất lượng vượt trội – Ảnh: PTC

 

Nuôi tôm trong nhà kín

Từ năm 2005, nuôi tôm vụ đông trong nhà bạt đã được phát triển ở đảo Hải Nam, Trung Quốc. Đến năm 2011, mô hình này bắt đầu phát triển ở một số tỉnh phía Bắc, Việt Nam. Sau một thời gian triển khai đã khẳng định được hiệu quả, giảm thiểu những tác hại của môi trường như biến động nhiệt độ, mưa, bão… đến tôm nuôi; vì vậy, mặc dù nuôi trái vụ nhưng vẫn mang lại năng suất cao.

Công ty TNHH MTV Hải Nguyên, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu là nơi đầu tiên áp dụng mô hình này và cho hiệu quả sản xuất rất cao. Với quy mô hiện đại và khép kín nên nuôi được với mật độ cao, trung bình 200 – 290 con/m2, tôm sau 100 – 105 ngày đạt 30 – 33 con/kg, có thể thu hoạch, năng suất đạt khoảng 80 tấn/ha. Đến nay, có nhiều công ty đã tiến hành đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kín, điển hình như Tập đoàn Việt – Úc.

 

Nuôi tôm vi sinh

Năm 2012, trong khi dịch bệnh đốm trắng và gan tụy hoành hành thì mô hình nuôi tôm vi sinh đã phát huy và khẳng định được những ưu điểm phòng bệnh rất tốt. Đây là phương pháp hữu hiệu trong việc phòng và trị bệnh trên tôm, hướng đến một ngành nuôi tôm bền vững, thân thiện với môi trường, mang đến sản phẩm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Áp dụng phương pháp này, nhiều mô hình nuôi tôm đã thành công ngay trong vùng dịch ở một số tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau. Điển hình có anh Phạm Thái Hòa, ấp Bửu 1, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, trong khi các hộ nuôi trong vùng đều bị thiệt hại do dịch bệnh xảy ra, nhưng mô hình của anh vẫn thành công trong nhiều năm liền. Với 2 ao nuôi, diện tích 4.400 m2, thu được 8 – 8,5 tấn/năm, trừ chi phí anh lãi được 700 – 800 triệu đồng/năm.

 

Ương tôm trong hệ thống Raceway

Kỹ thuật ương nuôi siêu thâm canh (Raceway) được nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều năm qua tại các quốc gia Nam Mỹ (đặc biệt là Mexico và Ecuador). Kỹ thuật này đã giúp tăng năng suất 20 – 30%, rút ngắn thời gian nuôi và hạ thấp chi phí sản xuất. Đây được xem như giải pháp để giải quyết các thách thức của nghề nuôi tôm hiện nay như bệnh hoại tử gan tụy (EMS), bệnh chậm lớn do vi bào tử trùng(EHP), cùng đó nâng cao hiệu quả đầu tư khi nuôi tôm… Raceway nhằm tạo con giống kích thước lớn trước khi thả vào ao nuôi, gia tăng sức đề kháng, giúp tăng tỷ lệ sống, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng để rút ngắn thời gian nuôi và giảm thiểu tối đa bùng phát dịch bệnh nguy hiểm nhất là bệnh EMS trong tháng nuôi đầu tiên.

Hiện, Công ty Vinhthinh Biostadt & Zeigler – Mỹ đã làm chủ và sẵn sàng cung cấp thông tin và tư vấn chuyển giao kỹ thuật Raceway cho tất cả những người nuôi quan tâm đến công nghệ này.

Nhật Minh (tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!