Phát triển thủy sản bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Toàn tỉnh có 11.288 ha mặt nước có tiềm năng nuôi trồng thủy sản. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, mang lại nguồn thu nhập cho người dân.

Cán bộ Trung tâm Thủy sản tỉnh kiểm tra chất lượng cá giống trước khi xuất bán.

Na Hang được coi là điểm sáng trong phát triển thủy sản của tỉnh với 4.583 ha mặt nước nuôi thả các loại thủy sản; tổng sản lượng khai thác thủy sản ước đạt trên 500 tấn/năm. Nuôi trồng thủy sản ở Na Hang và phát triển mạnh trong những năm gần đây. Tính đến nay, trên toàn huyện có gần 809 lồng cá của 170 hộ gia đình và 2 công ty làm nghề cá. Tại các xã Sơn Phú, Yên Hoa, Đà Vị, thị trấn Na Hang, người dân đã tận dụng nguồn nước hồ sinh thái Na Hang phát triển nghề nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Trương Tuấn Minh ở tổ 2, khu Thác Mơ, thị trấn Na Hang cho biết, gia đình anh nuôi cá lồng được 6 năm nay, với các loại cá lăng, cá quả, cá bỗng, cá chép… Hiện gia đình anh có 20 lồng, cung cấp ra thị trường 40 tấn cá/năm. Cá lăng đang bán với giá 80.000 đồng/kg, cá bỗng 250.000 đồng/kg, cá chép 70.000 đồng/năm, doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, anh còn lãi 700 triệu đồng.

Mô hình nuôi thủy sản tại xã Hoàng Khai (Yên Sơn).​

Công ty TNHH Thường Mai, thị trấn Na Hang là một trong những doanh nghiệp đi đầu về đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ sinh thái Na Hang. Năm 2015, từ 25 lồng nuôi cá ban đầu, đến nay công ty đã đầu tư phát triển 54 lồng cá với nhiều chủng loại cá đang được thị trường ưa chuộng như cá lăng nha, trắm đen, chép, lăng chấm, cá bỗng, cá anh vũ. Đây là những giống có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, nguồn nước của Na Hang và mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với một số giống cá khác đang được nuôi tại địa phương. Công ty phấn đấu năm 2019 cung cấp ra thị trường trên 300 tấn cá thương phẩm các loại.  

Theo ông Trần Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, để thủy sản của tỉnh phát triển bền vững, thời gian tới, chi cục tiếp tục tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi cá. Trong đó, chú trọng quy hoạch chi tiết đối với từng địa phương và phổ cập kỹ thuật chăn nuôi thủy sản cho người dân. Kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất phát triển thủy sản theo Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND, ngày 22-7-2014 của HĐND tỉnh để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp đầu tư mở rộng sản xuất; tập trung hướng dẫn cho 100% các hộ nuôi cá lồng về kiến thức nuôi cá theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cấp mã cho toàn bộ số lồng nuôi cá để phục vụ cho công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, hoàn thiện Dự án Phát triển giống cá đặc sản tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2019 – 2025, góp phần đẩy mạnh sản xuất thủy sản hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, hình thành chuỗi liên kết giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Theo Báo Tuyên Quang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!