T2, 06/07/2020 01:00

Phát triển thủy sản bền vững: Thách thức đến từ các tiêu chuẩn

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 17/1, tại Khách sạn Vinpearl Cần Thơ, Công ty SGS Việt Nam tổ chức Hội thảo “Các tiêu chuẩn trong ngành thủy sản – Những yêu cầu và thách thức mới”. Tham dự có hơn 200 đại biểu là các doanh nghiệp ngành thủy sản, các tổ chức hiệp hội và cơ quan quản lý Nhà nước.


Ông Cormac O’Sullivan cung cấp nhiều thông tin quan trọng về xu hướng, yếu cầu từ người tiêu dùng thủy sản trên thế giới

Xu hướng, yêu cầu tiêu dùng

Ông Cormac O’Sullivan, Chủ tịch Nuôi trồng thủy sản (NTTS) Toàn cầu, Tập đoàn SGS cho biết, thế giới tiêu thụ thủy sản tăng gấp đôi kể từ năm 1960 đến 2015. Năm 1990, chỉ mới có 20% thủy sản từ vùng nuôi được tiêu thụ, còn 80% là từ đánh bắt, nhưng đến năm 2014, tỷ lệ này là 50:50. Châu Âu nhập khảu 65% thủy sản phục vụ cho tiêu thụ, còn Mỹ nhập khẩu đến 91%. Tuy nhiên, theo đánh giá của các tổ chức phi chính phủ, có đến 1/3 lượng thủy sản thương mại được đánh bắt ở mức sinh học không bền vững, tức gấp 3 lần so năm 1974. Do đó, việc cung cấp thủy sản trên thế giới hiện tại và tương lai hầu như phục thuộc phần lớn và NTTS, nên theo dự đoán, nhu cầu tiêu thụ thủy đến năm 2030 vẫn cao hơn so nguồn cung.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào 4 nội dung chính, gồm, xu hướng tiêu dùng của các thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên thế giới và các yêu cầu mới từ thị trường; cập nhật từ BAP: các chương trình mới và cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản; các yêu cầu mới liên quan đến tiêu chuẩn ASC mà doanh nghiệp cần quan tâm; GlobalGAP phiên bản 5 giải pháp kiểm soát cho nguồn thủy sản.

Theo đại diện SGS, bên cạnh những bước phát triển vượt bậc về sản lượng và giá trị xuất khẩu, trong những năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề như hiện trạng ô nhiễm môi trường, khai thác nguồn thủy hải sản quá mức, trách nhiệm xã hội, an toàn thực phẩm… ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và uy tín của chất lượng thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Một thách thức quan trọng đối với ngành thủy sản hiện nay là vấn đề phát triển sản phẩm bền vững và có trách nhiệm đối với người tiêu dùng từ các khâu nuôi trồng, khai thác cho đến chế biến, phân phối nhằm đảm bảo cho sự hòa hợp giữa phát triển kinh doanh – xã hội và môi trường.

Thúc đẩy, kiểm soát cho việc áp dụng và duy trì những tiêu chuẩn nuôi trồng luôn là trăn trở của các nhà chức trách, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan chứng nhận. Từ nhiều năm nay, hàng loạt các tổ chức như GlobalGAP (Thực hành Nông nghiệp tốt toàn cầu, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản), GAA (Liên minh NTTS toàn cầu, tổ chức ban hành tiêu chuẩn BAP – Thực hành NTTS tốt nhất), ASC (Hội đồng Quản lý NTTS)… đã ban hành các tiêu chuẩn với mục đích kiểm soát và thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng và sản xuất theo xu hướng chung của toàn xã hội. Các tiêu chuẩn ra đời từ rất lâu, các vùng nuôi hiện cũng đã tiếp cận, thực hiện và duy trì các yêu cầu này từ rất sớm nhưng vẫn không thể nào tránh khỏi những bất cập trong quá trình triển khai và cải tiến hệ thống, để đáp ứng thị trường ngày càng khắt khe và đặt ra ngày càng nhiều những rào cản kỹ thuật đối với các doanh nghiệp.

Chọn tiêu chuẩn nào?


Hơn 200 đại biểu tham dự Hội thảo Ảnh: Xuân Trường

Theo ông Cormac O’Sullivan, hiện có nhiều chứng nhận và nhiều yêu cầu khác nhau từ các nhà bán lẻ trên thế giới, nên người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu cần tham khảo và chọn lựa phù hợp cho từng thị trường. Vấn đề không phải là chúng ta phải thực hiện hết tất cả các tiêu chuẩn trên mà tùy theo điều kiện của mình và yêu cầu của nhà nhấp khẩu mà chọn tiêu chuẩn phù hợp. Hơn nữa, việc được cấp chứng nhận chỉ mới thể hiện chúng ta đã làm được những yêu cầu gì của người tiêu dùng, nên trong quá trình sản xuất vẫn cần phải bổ sung, hoàn thiện thêm các vấn đề khác để người mua đánh giá được rằng chúng ta luôn đáo ứng tốt các yêu cầu của họ.

Ông Trương Hoàng Lạc, chuyên gia đánh giá trưởng về GlobalGAP của SGS cho rằng, trong quá trình làm ra sản phẩm, rủi ro lớn nhất chủ yếu đến từ khâu nguyên liệu. Điều này nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến độ tin cậy của nhà nhập khẩu. Cũng cần phải hiểu rằng, khi người sản xuất không có giấy chứng nhận không có nghĩa là họ chưa đạt các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường, nhưng ngược lại, để thị trường thấy được người sản xuất đang sản xuất theo các tiêu chuẩn do họ đưa ra, rất cần có được chứng nhận. Thực tế cho thấy, không phải phần lớn doanh nghiệp đều không có trách nhiệm, nhưng đôi khi rủi ro vẫn xảy ra đối với họ, mà nguyên nhân chính là do ngay từ khâu nguyên liệu đã không được thực hiện theo đúng quy chuẩn. Vì vậy, việc áp dụng các quy chuẩn sẽ giúp kiểm soát tốt các rủi ro ngay từ đầu, từ đó hạn chế những rủi ro trong quá trình kiểm soát chất lượng sản phẩm của nhà máy.

Ông Nguyễn Thanh Linh, một tư vấn tự do đặt vấn đề về việc đánh giá BAP đối với các trang trại nhỏ và đánh giá theo nhóm sẽ được thực hiện như thế nà.? Vấn đề này được bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Điều phối viên tại Việt Nam của BAP chia sẻ, trong từng trường hợp cụ thể có thể gom các nông hộ sản xuất nhỏ thành một farm, rồi sau đó gom các farm thành một group, nhưng phải được sự chấp thuận của tổ chức chứng nhận BAP.

Các doanh nghiệp tham gia Hội thảo cũng quan tâm rất nhiều vấn đề xung quanh các tiêu chuẩn, như: Đánh giá nội bộ nhóm cần hồ sơ năng lực; việc sử dụng protein động vật làm thức ăn thủy sản có bị cấm trong các tiêu chuẩn; đánh giá nhóm có dành cho nhà máy chế biến thức ăn thủy sản; có thể rút ngắn thời gian chứng nhận ASC so với hiện nay hay không; tổ chức chúng nhận có hỗ trợ gì cho doanh nghiệp đạt chứng nhận khi có sự cố xảy ra tại thị trường nhập khẩu…

Hội thảo “Các tiêu chuẩn trong ngành thủy sản – Những yêu cầu và thách thức mới” do Tập đoàn SGS đã trở thành một diễn đàn cho các doanh nghiệp và các bên liên quan trong ngành thủy sản để cùng nhau nhìn lại những vấn đề đang đặt ra của ngành và tìm ra những giải pháp thiết thực cho việc đáp ứng các nhu cầu thị trường, hướng đến mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững.

>> Tập đoàn SGS là một tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực giám định, thử nghiệm, thẩm tra và chứng nhận, có trụ sở chính tại Thụy Sĩ. Được thành lập năm 1878, SGS được công nhận như biểu tượng toàn cầu cho chất lượng và sự chính trực. Với hơn 90.000 nhân viên, SGS hoạt động qua mạng lưới gồm trên 2.000 văn phòng và phòng thí nghiệm trên toàn thế giới.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!