Phát triển thủy sản ở Văn Khúc: Cần hướng đi bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Là vùng chiêm trũng, từ lâu nuôi thủy sản trở thành nghề chính của người dân xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê. Nuôi thủy sản đã gắn bó nhiều năm với người dân địa phương nhờ tận dụng được diện tích mặt nước tự nhiên và diện tích chuyển đổi theo mô hình một vụ lúa, một vụ cá.

Phát triển thủy sản là hướng đi giúp thay đổi cơ cấu kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định trên địa bàn xã Văn Khúc.

Phát triển thủy sản là hướng đi giúp thay đổi cơ cấu kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định trên địa bàn xã Văn Khúc.

Hiện nay, diện tích nuôi thủy sản của xã là 156ha, trong đó nuôi cá truyền thống gần 135ha, nuôi tôm càng xanh trên 20ha. Năm 2016, tổng sản lượng thủy sản của xã là 415 tấn, năng suất cá 2,7 tấn/ha, sản lượng 362 tấn. Năng suất tôm càng xanh 0,37 tấn/ha, sản lượng 8 tấn, thủy sản đánh bắt tự nhiên là 45 tấn. Hiện toàn xã có khoảng 600 hộ nuôi thủy sản.

Người dân Văn Khúc trước đây chỉ tận dụng diện tích ao, hồ tự nhiên để nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh với các loại cá truyền thống như trôi, trắm, mè. Những năm gần đây, xã quy hoạch vùng đất trũng, chỉ sản xuất được một vụ lúa, kém hiệu quả sang nuôi thủy sản theo hướng một vụ lúa một vụ cá.

Trên diện tích ao, hồ phát triển các mô hình nuôi cá giống, nuôi tôm càng xanh, góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ hiệu quả đó, nơi nào có nguồn sinh thủy bà con lại tận dụng nuôi cá, nuôi tôm, nuôi cá xen với lúa. Điều phấn khởi là những diện tích trước đây bỏ hoang hóa hoặc kém hiệu quả, nay đã được người dân cải tạo, phát triển thành ao nuôi và giúp làm giàu trên mặt nước.

Hộ ông Đặng Văn Được, khu 4 là một trong những điển hình nuôi thủy sản ở xã. Ông Ðược cho biết: Trước đây, làm nhiều nghề nhưng đều không thành công, tôi quyết định chuyển sang nuôi cá. Lúc đầu nuôi các loại cá truyền thống như mè, trôi, chép… Những loại cá truyền thống dễ nuôi nhưng giá trị kinh tế thấp,  sau đó tôi cải tạo ao, học thêm kỹ thuật và chuyển sang nuôi cá trắm đen, diêu hồng, nuôi tôm càng xanh. Ước tính, mỗi năm gia đình thu khoảng trên dưới 200 triệu đồng từ nuôi thủy sản.

Mô hình kết hợp một vụ lúa, một vụ cá phù hợp với điều kiện của xã, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên đất lúa nhưng không làm mất diện tích đất trồng lúa và giúp tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. Người dân trong xã đầu tư đắp bờ, khoanh vùng, biến những cánh đồng ngập nước, một vụ lúa không ăn chắc trở thành những cánh đồng thủy sản cho thu bạc triệu. Phương thức nuôi thủy sản cũng đã dần được định hình theo hướng thâm canh, đầu tư nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh. Nhiều hộ đã chú trọng nâng cao năng suất, giá trị thủy sản bằng việc áp dụng kỹ thuật nghiêm ngặt từ công đoạn chuẩn bị ao nuôi, con giống, thức ăn cho đến cách thay đổi nguồn nước trong ao.

Tuy nuôi thủy sản đã góp phần cải thiện đời sống người dân nhưng thực tế cho thấy giá trị sản xuất của nuôi thủy sản trên địa bàn xã còn khiêm tốn, mỗi năm doanh thu từ nuôi thủy sản ước đạt khoảng 10 tỷ đồng. Người dân trong xã đã khai thác mặt nước ao, hồ nuôi thả cá góp phần giải quyết việc làm, thu nhập song năng suất còn thấp, cần được tiếp tục đầu tư, đổi mới. Phần lớn nuôi thủy sản trên địa bàn xã còn nhỏ lẻ, phân tán, tập quán nuôi của người dân còn tận dụng. Do khó khăn về vốn nên nhiều hộ chưa mạnh dạn đầu tư thâm canh, chuyên canh, dẫn đến năng suất, sản lượng chưa cao.

Cơ sở hạ tầng trong nuôi thủy sản còn thiếu đồng bộ, trình độ thâm canh còn hạn chế, chưa chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Hầu hết các ao nuôi chưa có kênh mương cấp, thoát nước dành riêng cho nuôi thủy sản, dẫn đến việc cải tạo, vệ sinh ao gặp nhiều khó khăn. Trong sản xuất chưa có sự gắn kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm, chưa có doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nên giá cả không ổn định.

Không có đầu ra ổn định nên nông dân không dám đầu tư nhiều, nhất là với những loại đặc sản, có giá trị kinh tế cao như tôm càng xanh. Ông Hà Minh Tuấn – Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong định hướng phát triển nuôi thủy sản, xã tiếp tục củng cố các mô hình nuôi thủy sản, tạo điều kiện để người dân mở rộng vùng nuôi, lựa chọn các giống phù hợp, tìm giống thủy sản mới có giá trị kinh tế cao nhằm đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất. Khuyến khích các hộ nuôi liên kết, tạo vùng sản xuất tập trung để phát triển nuôi thủy sản bền vững.

Để việc nuôi thủy sản phát triển theo đúng hướng, chúng tôi tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát triển sản xuất theo quy hoạch, tạo điều kiện cho bà con vay vốn đầu tư xây dựng vùng nuôi đồng bộ. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để bà con yên tâm đầu tư, phát triển những giống có giá trị kinh tế cao.

Nguyễn Huế

Báo Phú Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!