Phát triển vùng đất bãi bồi theo hướng nuôi trồng thủy sản và phục vụ du lịch sinh thái

Chưa có đánh giá về bài viết

Vùng đất ngập nước ngoài giá trị về hệ sinh thái đa dạng trên cạn, dưới nước; nơi bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen động thực vật (cả dạng quý hiếm nằm trong sách đỏ)… còn là nơi có phong cảnh non nước hữu tình với sự nguyên sinh, nguyên sơ làm say đắm du khách và các nhà khoa học ở trong và ngoài nước.

Thu hoạch ngao tại vùng cồn Nổi.

Vùng đất bãi bồi, ngập nước ven biển Kim Sơn có thảm thực vật gồm những loại cây chính là sú, vẹt, cói, sậy; ngoài ra còn có ngạn, ô rô, cóc kèn, dơi…Nguồn lợi thủy sản có: Tảo khuê, tảo gấp, tôm bột, cá bột, lưỡng trúc, chân chèo, ngao, vọp, sò huyết. Riêng tôm cá có: Tôm rảo, tôm rui, tôm càng, cua rèm, cá bông trắng, cá trích cơm, cá bớp. Các loài động vật khác có: Ngỗng trời, vịt trời, cò trắng, vịt, le le, mòng két… 

Những năm trước đây, vùng đất bãi bồi được coi là vùng đất mở và thực hiện theo phương châm “Lúa lấn cói, cói lấn sú vẹt, sú vẹt lấn biển” bằng việc quai đê lấn biển và đã hình thành các tuyến đê: Bình Minh I, Bình Minh II, Bình Minh III. 

Vài năm trở lại đây, phong trào nuôi tôm sú phát triển mạnh và vùng bãi bồi được xác định là vùng nuôi trồng thủy sản mũi nhọn của tỉnh Ninh Bình mà trọng tâm là nuôi tôm sú và cua rèm. Nhà nhà, người người đua nhau đào ao, đắp đầm nuôi tôm sú. Không thể phủ nhận giá trị và hiệu quả của phong trào nuôi tôm sú, hay cua rèm đem lại với việc tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn và nhiều nhà giàu lên từ việc nuôi trồng thủy sản…Nhưng sự phát triển ồ ạt của phong trào này cũng đã tạo ra những nghịch lý, bất cập cho vùng bãi bồi: Môi trường nước nuôi thả bị ô nhiễm dẫn đến có những hộ gia đình nuôi tôm sú bị thua thiệt; hệ sinh thái bị phá vỡ, tính đa dạng sinh học bị hao mòn, cảnh quan bị xáo trộn. 

Được biết, vùng ven biển Kim Sơn đã có hướng đi bằng “hai chân”: Phát triển nuôi trồng thủy sản (tôm sú, cua rèm) và hoạt động du lịch. Để có được như vậy, phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ở trong khu vực đê Bình Minh II với việc áp dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật nuôi tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng con nuôi. 

Đi kèm với đó là xây dựng hệ thống kênh mương cấp nước, tiêu thoát nước hợp lý; hệ thống giao thông, hạ tầng cơ sở thuận tiện và cộng đồng cùng chung tay giữ gìn và bảo vệ môi trường nuôi thả…Vùng du lịch sinh thái nằm ngoài đê Bình Minh II, khu vực cồn Nổi. ở đây vừa phát triển nuôi trồng thủy sản: Tôm, cua, ngao, vọp…vừa hoạt động du lịch sinh thái.

Một trong những vấn đề cần quan tâm là việc quai đê lấn biển, đào đắp ao đầm nuôi thả thủy sản sẽ làm cho nước biển không ra vào được, thủy triều không lưu thông được: sú, vẹt, sậy…bị chết, ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong vùng. Vì vậy cần có quy hoạch, kế hoạch cho toàn vùng; đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ khu rừng cũ vốn có và trồng mới rừng ngập mặn (sú, vẹt) ở khu vực ngoài đê mới quai.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kim Sơn cho biết: Đã có rất nhiều chương trình, dự án trồng rừng ngập mặn được triển khai thực hiện như: Dự án“Trồng rừng ngập mặn – giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình thực hiện; dự án “Trồng rừng ngập mặn ứng phó biến đổi khí hậu và chống xói lở bờ biển” do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện; dự án “661 trồng mới 5 triệu ha rừng” do Ban quản lý rừng phòng hộ Kim Sơn, Bộ CHQS tỉnh thực hiện.

Gần đây nhất là dự án trồng rừng thay thế từ kinh phí của Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh Ninh Bình… Tính đến hết năm 2017 đã có hơn 500ha rừng được trồng mới đang sinh trưởng và phát triển tốt.Nhờ có rừng mà môi trường ở khu vực này đã thay đổi, tạo nên sự đa dạng sinh học trên vùng nước ngập mặn, làm chuyển biến môi trường sinh thái ở các khu vực lân cận.

Ngoài việc hạn chế ảnh hưởng thiên tai, thảm họa, rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn còn góp phần bảo vệ môi trường vùng ven biển; tăng khả năng lắng đọng phù sa, tăng số lượng thủy sản như tôm, cua, cá… Bên cạnh đó, còn góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 600 lượt hộ gia đình tham gia dự án trồng rừng. Diện tích rừng ngập mặn có tác dụng bồi cao nền đất, hình thành nên một “bức tường xanh” vững chắc bảo vệ đê biển. Nhờ đó qua các mùa mưa bão, khi có triều cường, các đoạn đê biển có rừng ngập mặn che chắn không bị sạt lở; chân đê còn được bồi tụ thêm đất giúp cho đê ngày càng vững chắc, giảm đáng kể chi phí tu bổ đê điều hàng năm, bảo vệ tốt cuộc sống của người dân vùng thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai.

Những cánh rừng ngập mặn trải dài ở vùng bãi bồi, cửa sông là nơi hội tụ của hơn 500 loài động, thực vật thủy sinh, hơn 50 loài cây ngập mặn, 200 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới. Như vây, trồng rừng là giải pháp tốt nhất để bảo vệ đê mới quai trước những cơn sóng dữ của biển cả; tạo cảnh quan môi trường; bảo tồn và phát triển hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học… một trong những điều mà du lịch sinh thái hướng đến. 

Hiện tại, một con đường dài vài km từ đê Bình Minh III ra Trạm kiểm soát biên phòng Cồn Nổi đã hình thành và thông xe kỹ thuật. Đây là điều kiện thuận lợi không chỉ cho nhân dân trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ngoài đê Bình Minh III; mà còn là cơ sở để mời gọi các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở khu vực này.

Trường Sinh – Anh Tuấn

Theo Báo Ninh Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!