T2, 06/07/2020 11:44

Phía Trung Quốc leo thang hành hung ngư dân Việt Nam: Ngang ngược và phi nhân tính!

Chưa có đánh giá về bài viết

Làng chài xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lại nổi sóng vì nhiều tàu cá liên tục bị Trung Quốc bắt, hành hung, trong đó 6 tàu thiệt hại nặng.

Từ trấn lột…

Chiều 17/6, tàu ông Nguyễn Văn Tẩn chạy về phía đảo Xà Cừ thuộc quần đảo Hoàng Sa, bắt đầu phiên lặn đêm. Khi tàu ông Tẩn còn cách đảo khoảng 18 hải lý thì 3 tàu Trung Quốc rượt đuổi. Thuyền trưởng Tẩn nheo mắt, biết gặp chuyện chẳng lành. Ông nhận thấy tàu tuần tra Trung Quốc đang tìm cách bắt giữ tàu cá của ông. Họ vây theo hình chữ T. Đây là thủ đoạn mà Trung Quốc đã sử dụng vào thời điểm hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cách đây 1 năm.

Tàu Trung Quốc 3103 kèm sát và thả 2 canô cao tốc chở lính Trung Quốc bám chặt tàu ngư dân Việt Nam đang chạy hết tốc lực. Tàu Trung Quốc 44044 thì chạy lắt léo vài vòng, sau đó băng thẳng ra nằm ngang, chặn trước mũi tàu ngư dân.

Lính Trung Quốc ào lên tàu. Cửa kính cabin bị đập vỡ. Dùi cui điện gí vào ông Tẩn. Tất cả ngư dân ta bị dồn lên mũi thuyền, ngồi cúi đầu, đặt tay sau gáy. Sau khi lục soát kỹ khắp tàu, họ đập phá, tháo thiết bị máy móc định vị, Icom của tàu ngư dân ta. Họ giành tay lái, điều khiển tàu ngư dân ta áp sát tàu cao tốc 44044 của Trung Quốc, sau đó xúc cá dưới hầm tàu ta đổ sang tàu họ.

Trấn lột xong, sĩ quan chỉ huy gí 3 tờ biên bản vào mặt ông Tẩn. Ông Tẩn liếc nhìn, thấy tờ biên bản ghi cả tiếng Trung Quốc và tiếng Việt Nam, có đoạn ghi “quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc”, “ngư dân Việt Nam xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”… Ông Tẩn trừng mắt, thét: “Đây là biển của chúng tao, biển của Việt Nam!”. Từng là bộ đội thời chống Mỹ, giờ giáp mặt đám lính này, có gì phải ngán! Nhìn khuôn mặt dữ tợn có ánh mắt đỏ ngầu của ông Tẩn, viên sĩ quan kia hiểu việc ép ký không được. Y chửi thề, đấm thẳng vào mặt ông Tẩn rồi bỏ đi. Những việc tương tự cũng diễn ra với tàu QNg 90205 TS của thuyền trưởng Nguyễn Văn Quang (cùng xã Bình Châu) ngày 14/6.

 

… đến tấn công bằng vòi rồng

Cũng trong tháng 6 này, phía Trung Quốc nhiều lần bắn vòi rồng vào tàu ngư dân ta, gây hỏng tàu, làm một số ngư dân ta bị thương.

Sáng 20/6, ngư dân Bùi Tấn Công từ Hoàng Sa trở về đất liền xã Bình Châu. Khi về nhà, kình ngư 52 tuổi này mới biết con trai mình là ngư dân Bùi Tấn Đoàn đã bị Trung Quốc bắn vòi rồng làm gãy chân. Thời điểm xảy ra vụ việc kể trên, anh Đoàn cũng đang trên tàu Nguyễn Văn Quýt, đánh bắt cách đó 10 hải lý. Tuy nhiên, các thuyền trưởng liên lạc với nhau và áp dụng quy định để yên tâm bám biển, “không thông báo tin buồn, chỉ nói chuyện vui”. Ông Công được thông báo rằng anh Đoàn bị bắn vòi rồng, thương tích nhẹ ở tay, vẫn đi lại bình thường, nhưng sự thật thì khác. Lúc 7 giờ, ngày 7/6, ngư dân trên tàu QNg 95193 TS của Nguyễn Trung Kiên (xã Bình Châu) kéo 2 canô lên tàu, rời đảo Bom Bay tìm chỗ neo đậu, cho anh em nghỉ ngơi sau một đêm lặn biển. Bỗng từ xa xuất hiện một tàu Trung Quốc đang lao đến rất nhanh. Nó áp sát tàu ta, hụ còi ra hiệu phải dừng lại. Nguyễn Trung Kiên nghiến răng kéo ga cho tàu chạy. Tàu Trung Quốc đuổi 30 phút thì bắt đầu phun vòi rồng cường lực mạnh. Ngư dân ta lao ra boong tàu tát nước, trút nước từ 2 canô. Ông Nguyễn Tiếu xuống trực hầm máy và cho bơm nước hoạt động, nếu nước ngập sâu thì phải hô anh em tát nước cứu máy.

Kình ngư Bùi Tấn Công bên con trai bị gãy chân – Ảnh: Lê Văn Chương

Tàu Trung Quốc phun nước theo hình vòng cung. Ông Kiên cầm lái, chăm chú nhìn phía trước; được anh em hô hét “qua trái, qua phải…” để tránh cột nước trút xuống tàu. Tàu Trung Quốc đổi chiêu, áp sát và chĩa vòi rồng phun thẳng vào tàu ta. Ngồi trong ca-bin, ngư dân ta nghe âm thanh ầm ầm. Tàu ta như một đống hỗn độn vì vòi rồng phun từ phía sau đánh sập giàn cabin, vỡ cửa kính. Một ngư dân bị thương vào mặt. Vòi rồng tiếp tục chĩa lên mái tàu, thổi bay 7 thùng phi, 4 bình gas, bẻ gãy cột tín hiệu, cột cờ, kéo một mảng mái cabin đổ sập. Con tàu gỗ như mảng núi đất bị xói mòn, bong từng mảng, chỉ chờ sập. Cột nước tiếp tục xoáy từ trên cao xuống. Cabin nửa nổi nửa chìm. Tình thế quá nguy hiểm. Ngư dân ta lao ra boong tàu, khua tay ra hiệu: Tàu sắp đắm, hãy dừng lại. Nhưng vòi rồng vẫn tiếp tục di chuyển, phun thẳng vào những người đang thông báo tàu sắp đắm. Ông Huỳnh Bình nằm xuống ôm chặt nắp hầm tàu cá. Các ngư dân còn lại đu vào đống dây neo trên sàn tàu. Vòi rồng phụt vào hất bổng mấy ngư dân ta lên rồi rơi chụm vào nhau, sau đó lại tung lên, văng khắp sàn tàu. Ngư dân Cao Xuân Lý sức khỏe tốt nhất cũng không chịu nổi sức ép nước phun thẳng vào ngực, lưng. Anh ngã ra, ngất xỉu, tay vẫn nắm chặt chùm dây neo. Lưng áo anh bị xé toang một mảng. Ngư dân Bùi Tấn Đoàn thì bò lết vào trong cabin rồi mới biết mình gãy chân. Đến lúc đó tàu Trung Quốc mới dừng phun vòi rồng, tiếp tục bám theo tàu ta vài hải lý rồi bỏ đi.

Tàu tan nát, đồ đạc mất và hỏng nhiều, một số ngư dân bị thương; nhưng vẫn quyết tâm bám trụ, hoàn thành phiên biển. Hai người bị thương nhẹ ở lại tàu tiếp tục làm việc, 2 người bị thương nặng được gửi vào đất liền qua tàu QNg 90369 TS của ông Nguyễn Văn Cu, cùng quê.

 Ngồi bên đứa con bị gãy chân, lão kình ngư Bùi Tấn Công thốt lên giận dữ: “Tôi đi Hoàng Sa hơn 30 năm, từng làm thuyền trưởng 4 tàu, giờ 52 tuổi vẫn ra đó làm ăn. Phiên biển tháng vừa rồi, tàu Trung Quốc cũng lao theo tàu và bắn vòi rồng làm nghiêng cả tàu. Họ thấy ức hiếp ngư dân mình dễ quá, cứ ngày càng làm tới”.

 

Vô nhân đạo

Những cơn bão đầu mùa dễ gây họa cho nhiều tàu cá. Do không thể quay ngay vào đất liền, ngư dân ta thống nhất di chuyển về hướng đảo Đá Lồi, thuộc quần đảo Hoàng Sa, để tránh bão; đồng thời điện vào đất liền, nhờ các cơ quan chức năng đề nghị Bộ Ngoại giao ta can thiệp.

10 giờ 30, ngày 19/6, các tàu cá của Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Đức Hải tiến về phía đảo Đá Lồi. Qua điện đàm, liên tục nhận được câu hỏi từ những tàu đi sau: “Cửa Đá Lồi có bị chặn không?”. Đó là vì những mùa đi biển trước đây ngư dân thường chạy vào đảo tránh bão, nhưng có lần bị phía Trung Quốc đưa tàu chiến ra chắn ngang cửa lạch, không cho vào đảo, đuổi ra biển bão.

Tàu của ngư dân Nguyễn Đức Hải bị vòi rồng từ tàu Trung Quốc quét sập cabin – Ảnh: Lê Văn Chương

Lần này tàu Trung Quốc bươn ra khá xa, chẹt đường tránh bão của ngư dân ta. Khi thấy đoàn tàu ngư dân ta xuất hiện từ xa, tàu Trung Quốc 5101, 44044, 35101 lập tức vây bắt. Thời tiết xấu, tàu ta chao đảo khi chạy trên sóng. Tàu QNg 90486 TS của Nguyễn Đức Hải công suất lớn nên bị tàu Trung Quốc đuổi liên tục. Thuyền trưởng Lương Tấn Đồng cầm lái tàu này toát mồ hôi khi thấy tàu Trung Quốc cứ lao đến với tốc độ cao. Anh kéo ga cho máy 500 mã lực chạy hết tốc lực, tránh cú đâm trực diện đầu tiên. Tàu Trung Quốc bị trượt qua, quệt vào đuôi tàu ta. Gỗ sàn phía sau cabin tàu ta bật tung, rơi xuống biển. Thuyền trưởng Đồng tiếp tục cho tàu chạy. Tàu Trung Quốc lại xô tới, đâm vào cabin, tiếng vỡ kêu răng rắc. Tàu ta chao đảo, lúc nổi lúc chìm. Tàu Trung Quốc tiếp tục quay lại, đâm vào mũi tàu ta. Theo các ngư dân ta, phía Trung Quốc ngang ngược như vậy vì thấy ngư dân ta không có lực lượng bảo vệ. Tại hiện trường, tàu cá QNg 90205 TS của Nguyễn Văn Quang cũng bị rượt đuổi. Ông Quang quyết chạy tàu, vì mới đây vừa bị phía Trung Quốc bắt, thu hết tài sản, phải mượn đồ nghề của tàu Võ Lựu đi chuyến này, mong gỡ lại, không lẽ bây giờ bị thu tài sản lần nữa; nhưng rồi vẫn bị bắt,  phải gặp lại đám cướp ngày từ tàu Trung Quốc tràn sang…

>> 8h ngày 14/6/2015, tàu Qna 92647 TS với 10 thuyền viên đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa bị một tàu hàng chưa rõ số hiệu đâm vỡ mạn trái, nước tràn vào tàu, khiến 4 thuyền viên bị thương, ngất xỉu. Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng làm rõ việc này và đòi chủ tàu hàng đó bồi thường thiệt hại.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!