Philippines tăng nhập khẩu cá ngừ

Chưa có đánh giá về bài viết

Philippines là nước XK cá ngừ đóng hộp lớn thứ 3 châu Á sau Thái Lan và Trung Quốc.

Khác với ngành chế biến cá ngừ Thái Lan phải phụ thuộc nhiều vào cá ngừ nguyên liệu NK, Philippines có ngành khai thác cá ngừ nội địa rất lớn, có khả năng cung cấp gần như toàn bộ nguyên liệu cho ngành chế biến đồ hộp. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, do nguồn lợi cá ngừ ngày càng giảm và lệnh cấm được áp dụng tại các vùng biển nên sản lượng khai thác của nước này giảm, khiến Philippines phải tăng cường NK cá ngừ từ các nước. Hiện nước này đang là thị trường NK cá ngừ lớn thứ 11 trên thế giới.

Từ năm 2013 – 2017, khối lượng NK cá ngừ của Philippines đã tăng từ 66 nghìn tấn lên 151 nghìn tấn, tăng 129%. Và xu hướng tăng NK cá ngừ nguyên liệu của nước này vẫn còn tiếp tục trong năm nay. Khối lượng NK cá ngừ của Philippines trong nửa đầu năm 2018 đạt hơn 89 nghìn tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017.

Philippines NK chủ yếu là cá ngừ đông lạnh, chiếm tới 99% tổng khối lượng NK cá ngừ của nước này. Trong đó, cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng đông lạnh nguyên con là hai sản phẩm NK chính của Philippines chiếm tỷ trọng lần lượt là 51% và 45% tổng khối lượng NK cá ngừ của nước này trong nửa đầu năm 2018. Hiện NK cá ngừ vằn của Philippines đang giảm 13% so với cùng kỳ, trong khi NK cá ngừ vây vàng tăng 53%.

Trong nửa đầu năm 2018, có 25 nước đang XK cá ngừ sang thị trường Philippines. Papua New Guinea, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tuvalu và Việt Nam là 7 nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho Philippines, chiếm 92% tổng khối lượng NK của nước này.

So với năm 2017 NK cá ngừ của Philippines từ các nước có tiềm lực lớn về khai thác như Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc giảm. Trong khi đó, NK của các nước quốc đảo ở châu Đại Dương tăng. Bên cạnh đó, NK từ các nước lân cận trong khu vực như Nhật Bản và Việt Nam cũng tăng.

Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 7 cho thị trường Philippines, chiếm 4% thị phần. Còn Philippines hiện đang là thị trường NK thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam trong khối ASEAN. Không giống như Thái Lan, từ năm 1999 các sản phẩm thủy sản của Việt Nam mới tiếp cận được thị trường này. Và kể từ đó, XK thủy sản của Việt Nam sang Philippine tăng liên tục. Giá trị XK thủy sản của Việt Nam sang Philippines trong 19 năm qua đã tăng từ 63 nghìn USD lên 132 triệu USD.

Từ ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập. Ngành thủy sản Việt Nam sẽ có nhiều bước tiến mới, các DN CBXK thủy sản có thể tận dụng và tranh thủ các cơ hội để tăng XK sang các nước trong khối này như Philippines. AEC sẽ tạo ra thị trường chung, không còn rào cản hàng hóa, dịch vụ, vốn… Hàng hoá ở các nước thành viên ASEAN sẽ có mức thuế ưu đãi như nhau, khi đó sức cạnh tranh sẽ tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Trong bối cảnh các thị trường NK chính như Mỹ, EU chững lại, các DN XK có thể cân nhắc việc mở rộng thị trường XK sang thị trường Philippines, tránh phụ thuộc vào một số thị trường chính.

Nguyễn Hà

Vasep

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!