T2, 06/07/2020 10:09

Phòng bệnh cho cá nuôi mùa lũ

Chưa có đánh giá về bài viết

Lũ về không chỉ mang lại cho cá nuôi nguồn thức ăn dồi dào mà còn có thể mang theo cả mầm bệnh. Vì vậy, phòng ngừa tốt bệnh cho cá nuôi sẽ giúp mang lại hiệu quả cao hơn.

Phòng bệnh chung

Sau mỗi lần thay nước cần xử lý nước bằng vôi với liều lượng 3 – 5 kg/m3 để làm trong nước. Diệt mầm bệnh bằng hóa chất như Iốt hoặc đồng sulfat với liều lượng 0,5g/m3; formalin 25 ml/m3. Dùng Zeolite để lắng các chất lơ lửng và xử lý khí độc với liều lượng 20 kg/1.000m2.

Đối với nuôi cá trong vèo, lồng, đăng… có thể treo túi vôi, chlorine ở đầu nguồn nước để phòng và ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập. Trong quá trình chăm sóc cần bổ sung Vitamin C, khoáng chất, thậm chí là thuốc phòng bệnh để tăng sức đề kháng cho cá.

Cần phòng bệnh kịp thời cho cá nuôi mùa lũ – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Đối với những lồng bè nuôi cần phải gia cố chắc chắn, kiểm tra lồng bè thường xuyên nhằm hạn chế thất thoát cá nuôi. Lồng nuôi không quản lý được nguồn nước nhưng có thể giảm bớt được lượng phù sa, rác thải trôi vào bè bằng cách trồng bèo, cỏ thủy sinh ở đầu bè nuôi.

 

Trị một số loại bệnh

Bệnh do ký sinh trùng: Do ký sinh trùng thường ký sinh trên toàn bộ cơ thể cá nên người nuôi dễ phát hiện ra với những biểu hiện như: cá bơi lội bất thường, thích cọ mình vào bờ hoặc cây cỏ… trên thân xuất hiện các ký sinh trùng bám.

Khi cá bị mắc bệnh do trùng mỏ neo, trùng bánh xe có thể dùng cành và lá xoan bó thành từng bó ngâm trong ao hoặc đầu nguồn nước với lượng 100 – 200 kg/1.000m2 ao. Cách làm này vừa hiệu quả lại vừa kinh tế. Hoặc sử dụng formol với liều lượng 25 ml/m3 tắm cho cá liên tục 2 – 3 ngày (1 lần/ngày).

Đối với bệnh rận cá, dùng Iốt với liều lượng 2 g/m3, tắm cho cá liên tục từ 3 – 5 ngày, đồng thời dùng Oxytetracylin với liều lượng 5 g/kg thức ăn cho cá ăn liên tục trong vòng 1 tuần.

Bệnh do vi khuẩn: Cá bị nhiễm ký sinh trùng có thể làm cho vi khuẩn có cơ hội tấn công cá hoặc vi khuẩn tấn công trực tiếp cá nuôi gây ra các bệnh như xuất huyết, lở loét, mòn, cụt vây đuôi… Với những bệnh này có thể dùng một số loài kháng sinh như Erythromyxin hoặc Oxytetramyxin với lượng 5 g/100 kg cá/ngày, trộn vào thức ăn cho cá ăn từ 3 – 7 ngày liên tục.

>> Môi trường nuôi cá mùa lũ thay đổi liên tục, vì vậy người nuôi phải thường xuyên theo dõi các hoạt động của cá, khả năng sử dụng thức ăn, những dấu hiệu sớm của bệnh… để có biện pháp quản lý chăm sóc và phòng trị bệnh kịp thời.

Đoàn Quân

>> “Cẩm nang nuôi ba ba giống và ba ba thương phẩm”

Làm thế nào để tính toán mặt nước ao hồ để luân chuyển cho hợp lý theo lứa tuổi để ba ba phát triển tốt? Để mỗi tháng có 1.000 con ba ba thương phẩm xuất bán và 1.000 con thả nuôi tiếp thì phải làm thế nào?… Đó là hai trong nhiều vấn đề được giải đáp trong “Cẩm nang nuôi ba ba giống và ba ba thương phẩm” của Kỹ sư Tạ Thành Cấu. Cuốn sách hướng dẫn cho người nuôi những kỹ thuật từ cách chọn giống, nuôi ba ba sinh sản, nuôi thương phẩm, chế biến thức ăn, phòng trị bệnh… Đặc biệt, rất hữu ích đối với những người muốn nuôi thương phẩm hoặc xây dựng trại sản xuất ba ba giống.

Sách do Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh phát hành.

Tuấn Tú

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!