Phòng, trị bệnh trên cá giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Trên thân cá trắm giống có nhiều nhớt màu trắng đục, cá bơi lội không định hướng, chìm xuống ao rồi chết. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục? (Phạm Viết Thành, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La)

Trả lời:

Theo mô tả, có thể cá trắm giống đã bị bệnh trùng bánh xe. Bệnh do ký sinh trùng họ Trichodina gây ra. Trùng ký sinh chủ yếu ở da, mang, khoang mũi cá. Bệnh gây tác hại lớn cho các cơ sở ương nuôi giống, tỷ lệ hao hụt có thể lên tới 80%. Bệnh thường xuất hiện trong những ao, bể ương nuôi với mật độ dày, môi trường bẩn. Để phòng bệnh, cần giữ môi trường nước luôn sạch. Mật độ ương nuôi cá không quá dày (Mật độ nuôi dày nguy cơ mắc bệnh trùng bánh xe tăng 4 – 12 lần). 

Trị bệnh: Dùng nước muối 2 – 3% tắm cho cá 10 – 15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,5 – 0,7 ppm (0,5 – 0,7 g/m3 nước); dùng CuSO4 0,5 ppm rắc đều xuống ao. Xử lý mầm bệnh trong nước bằng Vicato, liều lượng 1 kg/1.500 – 2.000 m3 hoặc BKC 80 nồng độ 500 – 800 ml/m3 lúc trời nắng, xử lý 2 ngày/lần, thực hiện 3 lần liên tục. Bổ sung thêm Vitamin C và Beta-Glucan để tăng cường sức đề kháng, giúp cá nhanh hồi phục.

 

Hỏi: Biện pháp điều trị bệnh nấm thủy mi ở cá chép giống?(Nguyễn Văn Hải, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương)

Trả lời:

Bệnh do một số loài nấm thuộc các giống Achlya, Saprolegnia, Leptolegnia… gây ra. Nấm ký sinh làm cho da cá xuất hiện các vùng trắng xám, sau vài ngày tại đó mọc lên các sợi nấm mảnh và phát triển thành từng búi nấm trắng như bông và có thể quan sát bằng mắt thường. Bệnh phát triển mạnh trong các ao nuôi bị ô nhiễm do mùn bã hưu cơ, ao nuôi ít được thay nước và trong các bể ấp có nhiều trứng bị hỏng. Nấm thường phát triển đầu tiên ở các trứng bị hỏng, sau lây lan nhanh sang các trứng khỏe và gây chết hàng loạt. 

Để điều trị bệnh, dùng Xanh Methylen với lượng 2 – 3 lít/1.000 m3 nước ao nuôi liên tục trong 3 ngày, 2 ngày/lần. Dùng Iodine liều lượng 1 lít/5.000 m3 hoặc Vicato với lượng 1 kg/1.500 – 2.000 m3 nước. Cùng đó, bổ sung Vitamin C để cá tăng sức đề kháng, giúp cá bệnh nhanh hồi phục. Trong quá trình nuôi, cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Cải tạo ao, phơi đáy ao kỹ để diệt mầm bệnh. Trước khi thả nên tắm cá giống bằng muối ăn với nồng độ 2 – 3 ppm trong 5 – 10 phút hoặc KMnO4 nồng độ 10 ml/m3 trong 1 – 2 phút. Thực hiện tốt quá trình chăm sóc và quản lý, thường xuyên quan sát hoạt động của cá, nếu có gì bất thường cần kiểm tra và đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!