Phòng, trị bệnh VNN trên cá song

Chưa có đánh giá về bài viết

VNN là bệnh do virus betanodavirus gây hoại tử thần kinh trên cá song, có tỷ lệ chết cao 70 – 100%. Bệnh thường phát triển mạnh ở cá hương, cá giống và giai đoạn đầu khi thả nuôi lồng.

Dấu hiệu bệnh lý

VNN (Viral nervous necrosis hay còn gọi là bệnh hoại tử thần kinh) là bệnh cấp tính hoặc thứ cấp tính. Ở trại sản xuất giống, bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn ấu trùng từ 10 ngày tuổi cho đến giai đoạn giống, dưới 20 ngày tuổi bệnh xuất hiện trên ấu trùng không có dấu hiệu rõ ràng. Cá hương sau 20 – 45 ngày tuổi, khi bị nhiễm bệnh có biểu hiện như yếu, chậm chạp và tập trung bơi gần mặt nước. Cá giống từ 45 ngày đến 4 tháng tuổi khi bị bệnh, bơi không định hướng (bơi quay tròn hoặc xoáy trôn ốc), đầu chúc xuống dưới, mắt lồi và bị xuất huyết khi bệnh nặng. Cá kém ăn hoặc bỏ ăn, thân đen xám, đặc biệt đuôi và các vây chuyển màu đen, mắt đục bụng căng phồng, có thể chết hàng loạt sau 3 – 5 ngày khi có dấu hiệu nhiễm bệnh. Quan sát trên mô cho thấy ở não và mắt cá xuất hiện nhiều không bào màu trắng và xám, đường kính 5 – 10 µm. Có sự xung huyết trong não mà có thể nhìn thấy được.

Cá song bị nhiễm bệnh VNN

Đối với cá nuôi thương phẩm khi bị nhiễm bệnh có biểu hiện bơi lội hỗn loạn không định hướng, hàm dưới có vết hoại tử do chà xát vào lưới. Da có màu đen và thường bơi chậm chạp, triệu chứng tăng dần khi quần đàn đã nhiễm bệnh. Trong lồng cá lớn (>150 g/con) do có sức đề kháng cao nên tỷ lệ mắc bệnh VNN ít hơn và nếu bị mắc thì tỷ lệ chết cũng không cao. Cá thường chuyển màu đen (tối), bơi chậm chạp và có thể có hoặc không có vết bệnh ở đầu. Giải phẫu cá quan sát thấy bóng hơi trương phồng, gan thận, lá lách bình thường nhưng ruột không có thức ăn.

Các phương pháp được xác định nhiễm bệnh VNN khi có các đặc điểm dịch tễ học, triệu chứng lâm sàng và kết quả dương tính thu được từ 1 trong 2 kết quả phân tích là phản ứng Real – time PCR, phát hiện virus dương tính và mẫu cắt mô có bệnh tích của virus VNN.

 

Mùa vụ phát bệnh

Theo chuyên gia bệnh học thủy sản Bùi Quang Tề, hiện đã phát hiện được ít nhất là 30 loài cá biển và đặc biệt thường gặp ở cá nuôi lồng như các loại cá song (cá song điểm gai – Epinephelus malabaricus; cá song mỡ – Epinephelus tauvina; cá song tảo bẹ – Epinephelus moara…) ở các nước như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia tỷ lệ nhiễm bệnh cao. Tỷ lệ chết 70 – 100% ở cá hương 2,5 – 4 cm; khi cá lớn (15 cm) tỷ lệ chết giảm còn 20%. Ở Việt Nam, các loài cá song (Epinephelus spp) nuôi lồng trên Vịnh Hạ Long thường gặp bệnh hoại tử thần kinh và cá hay bị bệnh ở thời điểm từ tháng 5 đến tháng 10; đặc biệt là vào thời điểm mưa nhiều, nhiệt độ hạ (bệnh phát triển mạnh ở nhiệt độ 25 – 300C).

 

Bệnh VNN làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cá nuôi – Ảnh: Thanh Ngân

Biện pháp phòng trị

Đối với bệnh VNN hiện chưa có phương pháp chữa bệnh hữu hiệu mà chỉ áp dụng biện pháp phòng là chính. Theo đó, áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp, không để cho cá bị stress do các yếu tố môi trường trong quá trình nuôi. Địa điểm đặt lồng nuôi phải có dòng chảy nhẹ và có độ sâu từ 6 m trở lên. Cần thiết kế và lắp đặt lồng nuôi đúng kỹ thuật: Có thể thiết kế lồng vuông kích thước (3x3x3) m hoặc (5x5x4) m, lưới làm bằng sợi cước hoặc sợi polyetylen, đáy lồng cách đáy biển ít nhất 4 m. Khoảng cách giữa các bè nuôi ít nhất là 20 – 50 m, diện tích lồng nuôi không quá 0,05% tổng diện tích mặt nước của vùng nuôi.

Giống cá nên mua ở những trại giống có chất lượng đảm bảo. Khi mua cần chọn cá khỏe mạnh, không bị xây xát và nên mua giống tự nhiên hoặc giống sản xuất tại địa phương là tốt nhất. Sử dụng định kỳ thuốc tiên đắc (thuốc tỏi), thảo dược Becanor TD2 (thuốc do Trung tâm Quan trắc, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I sản xuất) trước mùa dịch bệnh và tiêm vắcxin Piscivac trivalent cho cá giống  trước khi thả. Nên thả cá cỡ giống lớn (12 – 15 cm) và mật độ vừa phải (8 – 12 con/m3 nước) để cá giảm stress và tăng sức đề kháng cho cá. Thời gian thả thường bắt đầu từ tháng 4 trở đi.

Cùng đó, thức ăn cho cá phải đảm bảo tươi, hoặc nấu chín thức ăn trước khi cho cá ăn. Cá tạp phải được rửa sạch bằng nước ngọt trước khi cho ăn, đồng thời theo dõi tình trạng sức khỏe và hoạt động của cá hàng ngày. Định kỳ vệ sinh lồng và lưới hàng tháng loại bỏ rong rêu bám quanh lồng. Khi có dấu hiệu bệnh lý xảy ra cần giảm 50% lượng thức ăn hàng ngày, di chuyển cách ly ô lồng cá bệnh ra khỏi khu vực nuôi, hàng ngày, phải với hết cá chết trong lồng đem chôn hoặc  đem đun 15 – 20 phút. Đồng thời, sử dụng thuốc tỏi, Beta glucan và Vitamin C với liều lượng gấp 1,5 – 2 lần bình thường, trộn vào thức ăn cho cá.

Ngoài ra, lồng nuôi cá cần thả ghép thêm cá dìa với mật độ 2 con/m3 nước để dọn sạch lồng nuôi giảm ô nhiễm nước, hạn chế dịch bệnh. Vào thời gian cá hay bị bệnh (tháng 5 – 10) nên bổ sung thêm Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá với liều lượng 20 – 30 mg/kg cá/ngày, định kỳ mỗi tháng cho ăn một đợt 7 – 10 ngày. Do thời gian nuôi cá song kéo dài 2 – 3 năm nên cứ sau 1 năm nuôi cần chuyển bè nuôi đến địa điểm mới để hạn chế sự ô nhiễm.

>> Virus Betanodavirus gây bệnh VNN có hình cầu, đường kính 26 – 32 nm (nanomet), không có màng bao, cấu trúc di truyền là ARN chuỗi đơn (+ARN). Khi xâm nhập vào cơ thể cá chúng sẽ ký sinh trong tế bào chất của tế bào thần kinh trong não và trong võng mạc mắt.

Quang Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!