Phú vang, Thừa Thiên – Huế: Khi Đề án 52 đi vào đời sống

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhiều năm liền, công tác dân số tại huyện Phú Vang đã thu được nhiều kết quả khá, chỉ tiêu KHHGĐ tại 16 xã, thị trấn được triển khai Đề án đều vượt kế hoạch.

Ngư dân hưởng lợi

Năm 2013, tỷ lệ sử dụng biện pháp triệt sản với 55/49 trường hợp, đạt 112,24%, bao cao su đạt 105,70%, thuốc tiêm 87,88%, thuốc uống đạt 99,87%, thuốc cấy đạt 94,44%. Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh cũng được triển khai tại 100% xã, thị trấn của huyện với 120 đợt, thu hút 1.756 lượt người; huyện cũng tổ chức 40 buổi nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng về lợi ích của sàng lọc trước sinh, sơ sinh với 1.586 người tham dự.

Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các xã đã phối hợp với Trung tâm DS – KHHGĐ duy trì hoạt động của 14 câu lạc bộ (CLB) phụ nữ không sinh con thứ 3. CLB đã tổ chức 14 buổi hội thảo chia sẻ  kiến thức kỹ năng tuyên truyền về hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh cho các hội viên, duy trì 42 buổi sinh hoạt; 28 buổi nói chuyện chuyên đề với sự tham gia của 2.620 lượt người. Năm 2013, tỷ số giới tính khi sinh dao động ở mức 107 nam/100 nữ. 

Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Phú Vang Nguyễn Văn Vũ nhấn mạnh, Đề án được triển khai đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong thực hiện KHHGĐ; phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn…

 

Hạn chế sinh con thứ ba

Với sự tham gia chỉ đạo và phối hợp của Sở Y tế, Hội Phụ nữ, MTTQ, Hội Người cao tuổi, Đề án đã triển khai mạnh tại các xã Phú Đa, Vinh Thanh, Phú Hải, Phú An, Vinh Hà, Vinh Xuân, Phú Xuân… Đặc biệt, mô hình “Cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên” được triển khai từ năm 2011 và đến nay tiếp tục đẩy mạnh, lồng ghép với việc đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước của từng cụm dân cư. Năm 2013, đã có 68 cụm dân cư đăng ký, nâng số lượng các cụm dân cư lên 78 cụm (chiếm 58,78 % số cụm dân cư toàn huyện); trong đó, có 4 đơn vị đã đăng ký đạt 100% (xã Vinh Xuân; Phú Mỹ; Phú Diên; Vinh Thanh). Có 20/20 xã, thị trấn triển khai hội nghị lồng ghép đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước làng văn hóa, 130 thôn đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước làng văn hóa (chiếm 97,74%), góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại nhiều địa bàn có tỷ lệ sinh cao.

Hằng năm, Trung tâm cùng Hội Phụ nữ huyện tổ chức các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới trong chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho cán bộ, hội viên phụ nữ vùng đầm phá, ven biển; duy trì CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên, phối hợp với Hội Nông dân huyện, xã tổ chức các diễn đàn “Nam nông dân với công tác DS – KHHGĐ”.

Chia sẻ về quá trình vận động, một cán bộ Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Phú Vang cho biết, một số đơn vị đặc thù có đông đồng bào công giáo như: xã Vinh An, xã Phú An… việc tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia thực hiện các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ vẫn còn nhiều hạn chế. Nhưng năm 2013, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại 16 đơn vị thực hiện Đề án thấp hơn 0,07% so với mặt bằng chung toàn huyện. Qua nhiều năm thực hiện, nhận thức của ngư dân ngày càng nâng cao, việc thực hiện KHHGĐ đã tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

 

Phối hợp đồng bộ

Trung tâm DS – KHHGĐ huyện xác định rõ nhiệm vụ tiếp tục duy trì mức giảm sinh, đặc biệt là giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, từng bước ổn định quy mô góp phần nâng cao chất lượng dân số; Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 52; Tăng cường truyền thông gắn liền với việc cung cấp đầy đủ dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, chú trọng tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; Đẩy mạnh vận động theo tiêu chí “Mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 – 2 con”. Trong đó, chỉ tiêu giảm sinh 0,3‰, tỷ suất sinh 15,5‰, tỷ lệ tăng dân số 1,1%, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 1,5%, tỷ lệ sàng lọc trước sinh 15%, tỷ lệ sàng lọc sau sinh 15%. Cùng đó, các chỉ tiêu KHHGĐ với 8.300 trường hợp được thực hiện, trong đó dụng cụ tử cung là 1.800, đình sản 30, bao cao su 3.200, thuốc tránh thai 3.270 (uống tránh thai 2.700, tiêm tránh thai 500, cấy tránh thai 70).

Trung tâm xác định rõ cần tiếp tục phối hợp với các ban ngành liên quan rà soát tập trung chỉ đạo các đơn vị yếu kém có mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao bằng những hoạt động cụ thể. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình, đề án về DS – KHHGĐ trong giai đoạn mới. Trung tâm cũng phối hợp với các địa phương hưởng lợi từ Đề án cùng các cộng tác viên dân số thường xuyên xuống cơ sở để tư vấn, tổ chức khám, cấp thuốc điều trị cho các đối tượng kịp thời. Ưu tiên chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai và trẻ mới sinh; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; dị tật và thiểu năng trí tuệ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bình thường của bào thai.

>> Phú Vang là một huyện đồng bằng ven biển, đầm phá, mật độ dân cư đông. Dân số trung bình huyện đến cuối 2013 là 186.784 người; trong đó, phụ nữ có chồng 25.059 người, chiếm 13,41% dân số.

Kim Phượng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!