Phú Yên: Lãng phí công trình hàng trăm triệu đồng

Chưa có đánh giá về bài viết

Một nhà kho trị giá hơn 700 triệu đồng ở xã Xuân Hòa (TX Sông Cầu) bị bỏ hoang từ nhiều năm nay, trong khi đó người dân phải đi thuê kho ở nơi khác để phục vụ sản xuất, với chi phí vài triệu đồng/ngày.

Năm 2009, xã Xuân Hòa được UBND TX Sông Cầu giao làm chủ đầu tư xây dựng nhà kho và hệ thống sấy cá cơm cho làng nghề nước mắm và chế biến cá cơm thôn Hòa An. Tổng mức đầu tư công trình 722 triệu đồng, từ nguồn vốn phát triển giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn. Trong đó Nhà nước hỗ trợ 70%; người dân đóng góp 30%. Mục tiêu của dự án nhằm phục vụ quá trình sản xuất và bảo quản sản phẩm của làng nghề nước mắm và cá cơm thôn Hòa An. Đến tháng 7/2011, công trình hoàn thành và bàn giao cho xã Xuân Hòa quản lý, sử dụng. Nhà kho rộng khoảng 300m2, mái tole, nền xi măng với hệ thống sấy cá cơm tổng công suất khoảng 1.500KW. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, nhà kho và hệ thống sấy cá cơm cho làng nghề nước mắm và chế biến cá cơm thôn Hòa An vẫn đóng cửa, bỏ hoang.

 

Chế biến cá cơm xuất khẩu ở Xuân Hòa – Ảnh: N.Xuân

Theo UBND xã Xuân Hòa, khi xây dựng nhà kho và hệ thống sấy cá cơm, làng nghề nước mắm và chế biến cá cơm thôn Hòa An có 75 hộ dân làm nghề, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong xã và một số xã lân cận. Thế nhưng, từ năm 2010 đến nay, do cá cơm mất mùa, khiến nhiều hộ dân phải bỏ nghề, chuyển sang làm công việc khác kiếm sống. Hiện cả làng nghề chỉ còn khoảng 15 hộ dân làm nghề phơi sấy cá cơm và chế biến nước mắm. Trong đó chỉ có khoảng 3 hộ làm nghề thường xuyên, các hộ khác chỉ làm nghề khi có nguyên liệu cá cơm.

Bà Lê Thị Nhân ở cơ sở chế biến cá cơm Nguyễn Thành Dưỡng chia sẻ: Để có đủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, tôi phải tìm đến các nơi khác để mua cá cơm. Mỗi chuyến, tôi nhập đến vài chục tấn cá nên thường phải thuê kho lạnh bảo quản cá tươi. Chi phí thuê kho, điện, vận chuyển đến 3 triệu đồng/ngày, trong khi đó nhà kho do Nhà nước đầu tư cho làng nghề thì đang bỏ hoang, lãng phí.

Ông Phạm Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết: Sau khi công trình hoàn thành cho đến nay, năm nào ngư dân trong xã cũng mất mùa cá cơm, dẫn đến thiếu nguyên liệu để sản xuất nên không ai có nhu cầu sử dụng nhà kho, vì vậy đành bỏ hoang. “Trước khi xây dựng nhà kho, xã tổ chức họp để lấy ý kiến nhân dân. Phần lớn người dân đồng ý xây dựng nhà kho, trong đó có 5 hộ góp vốn xây dựng nhà kho. Tuy nhiên, do thiếu nguyên liệu cá cơm phục vụ sản xuất nên không ai chịu góp vốn nữa, vì vậy phần vốn của người dân làng nghề để xây dựng nhà kho với hơn 216 triệu đồng vẫn chưa huy động được, xã vẫn nợ đơn vị thi công”, ông Thành nói.

Ngô Xuân - Thủy Loan

Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!