T2, 06/07/2020 01:48

Phú Yên: Thị trường không ổn định, người nuôi tôm hùm gặp khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Những tháng đầu năm nay, tôm hùm thương phẩm rớt giá khiến nhiều người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu gặp khó khăn.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do thị trường tiêu thụ tôm hùm thương phẩm bấp bênh, không ổn định. Để tránh tình trạng này tái diễn, TX Sông Cầu đang sắp xếp lại và giao, cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản cho người dân nhằm quản lý chặt chẽ vùng nuôi, số lượng nuôi để xuất khẩu tôm hùm theo đường chính ngạch và phát triển nghề nuôi tôm hùm theo hướng bền vững.

 

Giá bấp bênh

Theo ông Lâm Văn Vương ở phường Xuân Yên (TX Sông Cầu), từ tháng 3 đến cuối tháng 8/2019, nhiều người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu gặp khó khăn vì giá tôm thương phẩm hạ xuống rất thấp. Giá tôm hùm xanh loại 1 khi xuất bán còn khoảng 500.000 – 550.000 đồng/kg (năm 2018 khoảng 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg), còn tôm hùm bông chỉ còn 1 – 1,2 triệu đồng/kg (năm 2018 khoảng 1,4 – 1,6 triệu đồng/kg).

Không những giá tôm xuống thấp mà các tư thương chỉ mua những con tôm loại 1. Nhiều hộ nuôi xuất bán khoảng 1.000 con tôm nhưng khi đưa vào đến bờ thì các đầu nậu chỉ lựa mua khoảng 300 – 400 con, còn lại người nuôi phải chuyển ra lồng, bè để thả nuôi lại. Từ trước đến nay, chưa bao giờ người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu gặp phải tình cảnh như thế này. Do vận chuyển thời gian dài, nhiều con tôm bị sốc nên khi thả nuôi lại đã bị chết…

Ông Đoàn Văn Bảy ở phường Xuân Phú (TX Sông Cầu), cho biết: Gia đình tôi nuôi 17 lồng với khoảng 5.000 con tôm hùm xanh, đến nay đã quá tuổi thu hoạch trên 3 tháng. Khoảng cuối tháng 5/2019, chúng tôi dự định xuất bán số tôm nuôi nói trên nhưng thấy tình trạng tư thương ép giá, ép phẩm cấp nên gia đình tôi quyết định tiếp tục nuôi để chờ giá.

Thu mua tôm hùm ở TX Sông Cầu – Ảnh: Anh Ngọc

Mặc dù mỗi ngày chi phí thức ăn cho tôm khoảng vài triệu đồng, nhưng nếu xuất bán ở thời điểm tôm hùm hạ giá nói trên thì sẽ bị lỗ nặng. Rất may là từ đầu tháng 9/2019 đến nay, giá tôm hùm thương phẩm đã tăng trở lại. Vừa rồi gia đình tôi xuất bán khoảng 600 con tôm hùm xanh với giá 695.000 đồng/kg, so với năm trước không bằng nhưng giá tôm này có thể chấp nhận được, người nuôi có lãi chút ít…

Theo ông Trịnh Đức Thạnh, một người chuyên thu mua tôm hùm ở TX Sông Cầu, tôm hùm thương phẩm của Việt Nam chủ yếu xuất bằng đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, tôm hùm ở nhiều nước khác cũng nhắm vào thị trường Trung Quốc, cung vượt cầu khiến tôm rớt giá.

“Từ đầu tháng 9/2019 đến nay, tôm hùm được thị trường này “ăn” trở lại nhờ Tết Trung thu. Hiện chúng tôi thu mua mỗi ngày từ 5 – 7 tấn tôm hùm ở TX Sông Cầu để xuất sang thị trường Trung Quốc”, ông Thạnh cho biết.

 

Định hướng phát triển theo hướng bền vững

Thời gian qua, do giá tôm hùm xuống thấp nên nhiều hộ nuôi ở phường Xuân Yên không xuất bán tôm mà giữ lại nuôi để chờ giá. Để phát triển ổn định con tôm hùm, giải pháp duy nhất là quản lý được vùng nuôi, số lượng nuôi và hướng đến xuất khẩu theo đường chính ngạch.

“Ở phường Xuân Yên hiện có khoảng 420 hộ nuôi khoảng 7.600 lồng thủy sản bằng hình thức nuôi lồng, bè. Tổng diện tích được quy hoạch cho phường Xuân Yên khoảng 160ha mặt nước, nhưng thực trạng thời gian qua có nhiều hộ dân nuôi tự phát, nuôi ngoài quy hoạch. Để chấn chỉnh việc này, địa phương đang xây dựng và thành lập 6 tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản với mục đích giao mặt nước cho người dân quản lý, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững hơn”, ông Lê Hữu Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Yên, nói.

Theo UBND TX Sông Cầu, hiện trên địa bàn thị xã có khoảng 83.000 lồng nuôi thủy sản mặt nước biển (tăng gấp 2,5 lần so với quy hoạch). Do phát triển tự phát, không theo quy hoạch và thả nuôi với mật độ khá cao (gấp 3 lần so với quy định) nên dẫn đến tình trạng các vùng nuôi quá tải, môi trường vùng nuôi thường xuyên bị ô nhiễm. Mặt khác, do thị trường tiêu thụ tôm hùm thương phẩm không ổn định, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên giá cả bấp bênh, nghề nuôi tôm hùm chưa mang tính bền vững.

Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: UBND TX Sông Cầu đang phối hợp với Sở NN-PTNT lập quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển vịnh Xuân Đài (đang giao mặt nước cho dân) và triển khai lập quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển đầm Cù Mông.

Để hoàn thành tốt công tác sắp xếp lồng bè, giao, cho thuê mặt nước ở vịnh Xuân Đài, UBND TX Sông Cầu đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các địa phương khẩn trương thành lập các tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản, vận động người nuôi thủy sản lồng bè chấp hành việc bố trí, sắp xếp ở vùng nuôi đã được quy hoạch. UBND TX Sông Cầu sẽ kiên quyết giải tỏa, cưỡng chế di dời đối với các hộ nuôi thủy sản vi phạm đặt lồng bè nuôi trái phép ở các khu vực ngoài quy hoạch.

>> Lộ trình sắp xếp, giao mặt nước nuôi trồng thủy sản ở TX Sông Cầu là năm 2018 giảm khoảng 1/3 số lượng lồng hiện có, đến năm 2019 giảm thêm 1/3 số lượng lồng, phấn đấu đến năm 2020 tổ chức giao mặt nước nuôi trồng thủy sản đúng đối tượng, đúng quy định trong phạm vi quy hoạch 1.000ha mặt nước.
Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu 

Anh Ngọc

Theo Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!