Quá nhiều rào cản trong sản xuất thức ăn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Diện tích nuôi trồng thủy sản ngày một tăng dẫn đến nhu cầu thức ăn thủy sản ngày càng lớn. Việc phát triển sản xuất thức ăn là cần thiết, tuy nhiên, còn nhiều rào cản để lĩnh vực này tăng tốc.

Phụ thuộc nguyên liệu đầu vào

Bột cá và dầu cá là hai nguồn cung cấp chính chất đạm và chất béo cho thức ăn thủy sản, đặc biệt là thức ăn cho tôm biển và cá biển. Bột cá và dầu cá chiếm hàm lượng khoảng 70% trong thức ăn cá biển và 50% trong thức ăn cho tôm. Tuy nhiên, nguồn lợi bột cá là có hạn, giá bột cá tăng hàng năm do sản lượng bột cá giảm cũng như nhu cầu sử dụng trực tiếp một số loại cá nhỏ làm thức ăn cho con người tăng. Hơn thế, các nguyên liệu này đa số đều nhập từ nước ngoài, khiến chi phí và tính phụ thuộc càng nhiều. Điều này ảnh hưởng lớn đến giá thành, chất lượng và tính chủ động của nhà máy sản xuất thức ăn.

 

Khó tìm nguyên liệu thay thế

Việc giảm hoặc thay thế bột cá và dầu cá là yêu cầu cấp thiết cho ngành sản thức ăn thủy sản hiện nay. Các loại đạm thực vật (bột đậu tương, bột mì, gluten ngô…) được sử dụng để thay thế bột cá bởi tính sẵn có và hàm lượng đạm tương đối cao, điều này giúp chủ động trong sản xuất và giảm giá thành thức ăn. Tuy nhiên, thực vật thường chứa các chất kháng dinh dưỡng, ức chế quá trình hấp thu chất dinh dưỡng của vật nuôi. Thêm vào đó, việc mất cân bằng các amino acid hay các chất béo thiết yếu trong đạm thực vật cũng cản trở tăng trưởng của vật nuôi. Làm sao để giảm được tỷ lệ bột cá và sử dụng hiệu quả các loại đạm thực vật cũng là mục tiêu của các nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản hiện nay.

 

Biến động giá cả

Việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản ngày càng gặp khó khăn bởi các quy định gắt gao của thị trường. Để đáp ứng được các yêu cầu này người nuôi phải tăng các chi phí nguyên liệu thô và vận hành trang trại, trong khi giá sản phẩm không tăng hoặc thậm chí bị giảm, nên người nuôi phải tìm cách giảm các chi phí sản xuất để duy trì lợi nhuận. Việc giảm chi phí sản xuất đồng nghĩa với việc giảm chi phí cho thức ăn. Việc giảm giá thành nhưng không được giảm chất lượng thức ăn cũng là một trong những khó khăn của việc phát triển thức ăn thủy sản.

 

Vấn đề sử dụng thức ăn

Tại các nước đang phát triển như Việt Nam, NTTS quy mô nhỏ khá phổ biến. NTTS quy mô nhỏ với chi phí đầu tư thấp, nguồn vốn hạn chế nên việc tận dụng các nguyên liệu trong quá trình nuôi được ưu tiên, trong đó có thức ăn. Người nuôi sẽ tận dụng các nguồn có chi phí thấp như cá tạp hay phế phụ phẩm nông nghiệp. Mặc dù, các nguồn này có hệ số tiêu thụ thức ăn cao (FCR đối với cá tạp = 8 – 10, FCR đối với cỏ= 10 – 15), ô nhiễm môi trường, dịch bệnh tiềm ẩn, nhưng chi phí bỏ ra thấp, không cần kho lưu giữ, nên vẫn được nhiều hộ dân sử dụng. Việc sử dụng các loại thức ăn này ảnh hưởng đến sức tiêu thụ thức ăn công nghiệp.

 

Thiếu dữ liệu thông tin

Đã có nhiều nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi, nhưng các nghiên cứu này được tiến hành chủ yếu trong môi trường phòng thí nghiệm chứ không phải trong điều kiện nuôi thực tế như lồng nuôi, ao nuôi. Nuôi trong quy mô phòng thí nghiệm các yếu tố thức ăn và môi trường có thể duy trì ở mức độ tối ưu nhưng khi nuôi ngoài tự nhiên thì việc điều khiển các yếu tố này trở nên tương đối. Vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố môi trường, thức ăn tươi sống có sẵn tác động như thế nào đến nhu cầu dinh dưỡng thực tế của các loài nuôi. Điều này khiến cho việc phát triển thức ăn thủy sản gặp khó khăn trong việc xây dựng công thức tối ưu cho loài nuôi trong điều kiện nuôi thực tế, chưa có thức ăn chuyên biệt cho từng loài dẫn đến FCR còn cao.

 

Vấn đề pháp lý

Những yêu cầu về bảo vệ môi trường nuôi và an toàn vệ sinh thực phẩm cho vật nuôi ngày càng được yêu cầu khắt khe hơn. Điều này cũng liên quan đến thức ăn sử dụng trong NTTS. Thức ăn thủy sản phải đảm bảo có những ảnh hưởng tích cực đến môi trường: hệ số tiêu thụ thức ăn thấp, thời gian hòa tan trong nước chậm, không chứa các yếu tố gây hại cho môi trường. Ngoài ra, thức ăn không được chứa các chất cấm theo danh mục hay hàm lượng vượt tiêu chuẩn, các chất này sẽ tích lũy trong cơ thể cá sau thu hoạch không đáp ứng được yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Các yêu cầu này sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm xuất khẩu gây ra những bất cập cho sản xuất thức ăn.

Ngoài các vấn đề được đề cập như trên thì một số các bất lợi khác như công nghệ dây chuyền sản xuất lạc hậu, nhận thức của người nuôi chưa cao, các quy định khác nhau ở các thị trường… cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển sản xuất thức ăn thủy sản.

ThS Trần Thị Mai Hương - Viện Nghiên cứu NTTS I

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!