T2, 06/07/2020 12:37

Quảng Bình: Ngư dân nhận tiền bồi thường tiếp tục vươn khơi

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau khi nhận tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, ngư dân Quảng Bình đã dành phần lớn số tiền để mua sắm thêm ngư cụ, máy móc, sửa chữa lại tàu, thuyền để tiếp tục vươn khơi với niềm tin về một vụ mùa bội thu, cá được ruốc dày.

Ngư dân xã Đức Trạch đóng chiếc thuyền mới   Ảnh: XT

Ngư dân xã Đức Trạch đóng chiếc thuyền mới Ảnh: XT

Nâng cấp tàu thuyền

Xã Quảng Hải là địa phương đầu tiên của thị xã Ba Đồn và tỉnh Quảng Bình thực hiện việc chi trả tiền bồi thường với hơn 3,3 tỷ đồng cho 49 đối tượng bị ảnh hưởng. Cầm số tiền trên tay, anh Đoàn Văn Đức, ở thôn Vấn Bắc (xã Quảng Hải) chia sẻ: “Tôi sẽ sử dụng phần ít số tiền này để trả nợ, phần lớn còn lại mua sắm thêm ngư lưới cụ để tiếp tục đi biển mưu sinh, chăm lo cuộc sống gia đình”.

Để ngư dân sớm ổn định cuộc sống, những ngày giữa tháng 11/2016, hơn 300 chủ tàu và lao động ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn đã nhận được tiền hỗ trợ. Còn ở âu thuyền Thanh Khê và dọc sông Lý Hòa, sau những khó khăn chồng chất từ sự cố nghiêm trọng về môi trường biển, ngư dân của huyện Bố Trạch đã ra khơi trở lại. Đến nay, 100% ngư dân ở xã Đức Trạch đã nhận được đầy đủ tiền bồi thường. Đang cùng nhóm thợ đóng mới lại chiếc thuyền nan, ngư dân Lê Văn Hiếu, ở thôn Bàu Bàng, xã Đức Trạch cho biết: “Gia đình đã nhận được hơn 100 triệu đồng tiền bồi thường, số tiền này đã phần nào giúp ổn định cuộc sống và tiếp tục bám biển. Với mức đền bù cho tàu cá và lao động trên tàu dưới 90 CV như vậy, chúng tôi thấy cũng ổn rồi. Đến nay 143 hộ dân trong thôn Bàu Bàng đã trở lại với nghề biển, cuộc sống bớt đi khó khăn…”.

Tính đến thời điểm này, ngư dân các làng biển ở huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Đồng Hới… đã cơ bản nhận đủ tiền bồi thường sau sự cố môi trường biển.

Khẩn trương chi trả bổi thường

Theo ghi nhận, thị xã Ba Đồn đã cơ bản hoàn thành việc chi trả bồi thường đợt 1 với số tiền trên 260 tỷ đồng và tiếp tục tiến hành chi trả đợt 2. Được biết, tổng số tàu, thuyền bị thiệt hại của thị xã gần 2.000 chiếc với hơn 9.000 lao động trực tiếp và hơn 4.000 lao động gián tiếp; 349 ha diện tích hồ nuôi tôm và 43.000 m3 lồng cá bị thiệt hại. Tổng số tiền bồi thường theo quy định là 434 tỷ 364 triệu đồng.

Còn tại thành phố Đồng Hới, công tác chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trên địa bàn theo quy định đã cơ bản hoàn thành. Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ, đến nay, Đồng Hới không chỉ chi trả kịp thời số tiền đền bù, thực hiện công bằng, đúng đối tượng mà còn tuyên truyền, vận động người dân sử dụng số tiền bồi thường hợp lý, đúng mục đích nhằm phát huy hiệu quả, ổn định cuộc sống lâu dài. Với 142.479 triệu đồng (712 tàu và 1.281 lao động); nuôi trồng thủy sản 34.588 triệu đồng (2 doanh nghiệp và 190 hộ gia đình); lao động bị mất thu nhập 88.356 triệu đồng (5.097 lao động); hàng hải sản bị tiêu hủy 4.881 triệu đồng (5 kho lạnh).

>> Đến ngày 2/3, toàn tỉnh Quảng Bình có 59/62 xã, phường có quyết định phê duyệt đối tượng, kinh phí thiệt hại, với tổng số tiền phê duyệt trên 1.983 tỷ đồng, đạt 85% so kê khai ban đầu. Các địa phương tiến hành chi trả gần 1.770 tỷ đồng, đạt 95% so tổng số tiền Trung ương cấp tạm ứng cho tỉnh.

Xuân Thi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!