T2, 06/07/2020 01:14

Quảng Nam: Để phát triển nghề cá bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp tăng cường các biện pháp hỗ trợ ngư dân, tổ chức lại sản xuất để nâng cao hiệu quả khai thác của nghề cá.


Ngư dân cần tổ chức lại sản xuất để thu được giá trị kinh tế cao từ nghề cá. Ảnh: V.N

Sản xuất gặp khó

Nhiều chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh đang than ngắn thở dài vì thiếu lao động đi biển. Ông Nguyễn Văn A (thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) là chủ tàu vỏ composite QNa-93188 có công suất 829CV, hành nghề lưới rê hỗn hợp. Ông nói: “Tôi hứa sẽ ứng trước cho nhiều bạn biển với mức 10 triệu đồng/chuyến biển nhưng họ vẫn không tiếp tục cùng tôi vươn khơi khai thác hải sản. Họ cho rằng tàu cá của tôi khai thác không hiệu quả nên đi tìm chủ tàu khác”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, do chọn nghề không hợp lý, sản xuất không hiệu quả nên nhiều chủ tàu trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể tìm đủ “bạn” đi biển. Nhiều “tàu 67” đang phải nằm bờ vì không đủ lao động, rất khó trả nợ ngân hàng đúng hạn, trong khi chưa thể xoay xở để chuyển nghề, kiêm nghề vì không đủ khả năng huy động vốn.

Nghề cá ở TP.Hội An cũng thiếu lao động đi biển. Nhiều tàu đã phủ bạt kín bưng dù đang chính vụ. Ông Lê Công Sỹ – Chủ tịch UBND phường Cửa Đại (TP.Hội An) cho biết, nhiều ngư dân đã bỏ nghề biển để lên bờ tham gia làm du lịch, dịch vụ, thương mại.

Quảng Nam hiện có 4.399 phương tiện khai thác hải sản, tuy nhiên chỉ mới có 532 tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa. Theo Sở NN&PTNT, trong những năm qua, với nhiều nỗ lực, Quảng Nam đã từng bước giảm tỷ lệ tàu cá công suất nhỏ, khuyến khích ngư dân tăng số lượng tàu công suất lớn, vươn khơi khai thác hải sản xa bờ. Tuy nhiên đến nay, lượng tàu cá công suất nhỏ, khai thác ven bờ còn quá nhiều lại sử dụng trang thiết bị, công nghệ khai thác lạc hậu khiến cho cường độ khai thác nguồn lợi ven bờ vượt ngưỡng cho phép. Cạn kiệt nguồn lợi hải sản là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, các nghề khai thác khơi thường cho sản lượng cao nhưng rủi ro lớn, chi phí chuyến biển cao, giá cả sản phẩm không ổn định nên hiệu quả kinh tế cũng không đạt như kỳ vọng. Do vậy, để đảm bảo phát triển bền vững nghề khai thác hải sản, cần phải có chiến lược, giải pháp cụ thể, sát sườn hơn trong thời gian đến.

Tổ chức lại sản xuất

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương có nghề cá thực hiện giảm dần số lượng phương tiện khai thác hải sản xuống còn 4.000 chiếc vào năm 2020. Trong số đó, đội tàu đánh bắt hải sản và thực hiện dịch vụ hậu cần nghề cá khuyến khích tăng lên, kỳ vọng đạt 900 chiếc. Theo đó, chuyển đổi cơ cấu nghề cá ven bờ theo hướng cho phép ngư dân tham gia sản xuất với các nghề có chọn lọc, không bức hại môi trường, tàn phá nguồn lợi hải sản. Đối với các nghề giã cào, pha xúc, tuyệt đối không cho phát sinh thêm. Bộ phận ngư dân này sẽ được tạo điều kiện để chuyển nghề, lên bờ lao động hoặc tiếp cận vốn vay ưu đãi để cải hoán, nâng cấp thành tàu cá có công suất lớn, vươn khơi khai thác hải sản xa bờ. Ngành thủy sản phân cấp cho các huyện, thị xã, thành phố quản lý các phương tiện khai thác hải sản có công suất dưới 20CV cho thuận tiện hơn, đồng thời không tăng thêm phương tiện nghề cá có công suất dưới 90CV. “UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho Sở NN&PTNT tập trung nguồn lực triển khai tốt công tác hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất, giúp ngư dân khai thác hiệu quả và an toàn. Công tác điều tra, nắm thông tin về tình hình khai thác, diễn biến ngư trường nguồn lợi, diễn biến thời tiết trên biển phải được thực hiện linh hoạt, thường xuyên hơn, qua đó giúp ngư dân nâng cao năng lực đánh bắt hải sản trong thời gian đến” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, sẽ giúp ngư dân trên địa bàn tỉnh nhân rộng các nghề sản xuất xa bờ hiệu quả trong thời gian qua như câu mực khơi, chụp mực, lưới vây. Ngư dân sẽ được đào tạo nghề, hướng dẫn, khuyến khích thực hiện mô hình đội tàu khai thác hải sản gắn với dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm, sơ chế sản phẩm trên tàu để tăng thời gian bám biển, giảm chi phí vận chuyển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác. Ngành nông nghiệp đã giao trách nhiệm cho Chi cục Thủy sản thực hiện giám sát, quản lý 90% tàu cá hoạt động trên các vùng biển, kiểm soát 100% hành trình hoạt động trên biển đối với tàu khai thác hải sản ở vùng biển xa. Đối với các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc ngư dân phải lắp đặt máy liên lạc HF tầm xa có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS để thường xuyên kết nối liên lạc 2 chiều giữa trạm bờ với tàu cá trên biển. Đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, bắt buộc phải lắp đặt thiết bị Movimar để ngành kết nối thông tin 24/24 giờ, qua đó cung cấp dữ liệu về Bộ NN&PTNT theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, chấn chỉnh hoạt động của nghề cá phù hợp với các khuyến cáo của EC về “thẻ vàng” thủy sản.

Việt Nguyễn

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!