Quảng Nam: Hướng đi mới nuôi cá chình trong bể xi măng

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây là mô hình còn khá mới mẻ tại Quảng Nam và đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tuy nhiên, với những thành công ban đầu từ mô hình của anh Trần Văn Tin, thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành phần nào mở ra triển vọng mới cho ngành thủy sản địa phương.

Là ngư dân vùng biển, anh Trần Văn Tin, sau nhiều năm lênh đênh sóng gió đã quyết định đầu tư nuôi trồng thủy sản. Mất một thời gian tìm hiểu, tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, anh Tin tích góp, vay mượn đầu tư nuôi cá chình trong bể xi măng và trở thành mô hình đầu tiên tại Quảng Nam. Được biết cá chình chủ yếu lấy giống từ tự nhiên, chưa sinh sản nhân tạo thành công ở nước ta, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã ươm nuôi thành công từ những ấu trùng, con giống nhỏ ngoài tự nhiên.

Cá trình dễ nuôi, có thể đạt trọng lượng 1,5 – 2 kg/con

Trên cơ sở tận dụng bể nuôi ba ba trước đó, anh Tin sửa sang với tổng diện tích 200 m2 chia làm 3 bể thả nuôi 20 kg giống cá chình, trọng lượng 0,5 g/con. Bể nuôi được rào bằng lưới phía trên bể, tạo không khí thoáng mát cho cá, dưới mỗi bể có hệ thống sàn ngủ, được anh đặt bằng các ống nhựa kê cao.

Cá chình là loại dễ nuôi, ít bệnh, loại giống 20 con/kg có thể đạt trọng lượng 1,5 – 2 kg/con sau một năm nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, đối tượng này đòi hỏi phải được chăm sóc theo một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Cá cần đảm bảo về nguồn nước, độ pH khoảng 7,6. Cá có thể thích ứng rộng với độ mặn, do vậy, nuôi ở vùng biển rất có lợi. Cách khoảng 5 ngày, anh Tin lại thay nước cho cá, đảm bảo độ trong của nước ở mức 40%. Việc cho cá ăn cũng có nhiều đặc biệt, cá thường ngủ ban ngày, ăn ban đêm. Thời gian khoảng 7 giờ tối, anh cho ăn một lần, đến nữa đêm lại cho ăn thêm lần nữa đảm bảo dưỡng chất cho cá. “Mỗi lần thay nước, cá chình thường bỏ ăn vài bữa nên khi nuôi cá phải tránh động nước, tránh người lạ vào xuống bể nuôi. Nuôi sau 6 tháng, cá cần được tách đàn, chia đều các ao nuôi, đảm bảo 5 con cá/m2, anh Tin chia sẻ.

Đối với thức ăn cho cá, anh Tin lấy thức ăn công nghiệp của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, ngoài ra, ở vùng biển, anh tận dụng nguồn thức ăn từ cá tạp cho cá ăn thêm. Mặc dù, là ít bệnh nhưng cá chình thỉnh thoảng vẫn mắc bệnh đường ruột do vậy anh Tin thường mua thêm thuốc kháng sinh phòng bệnh trộn vào thức ăn cho cá.

Mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng chỉ mới được anh Tin nuôi nhưng cá đạt chất lượng tốt, trọng lượng 1 kg sau 1 năm nuôi, nếu chăm sóc kỹ và nuôi theo hướng công nghiệp, khoảng 7 tháng có thể xuất bán. Cá chình có giá tương đối cao và ổn định về thị trường, người nuôi đỡ lo lắng về bấp bênh giá cả. Hiện, cá chình có giá 400.000 – 500.000 đồng/kg, nếu bán tại các nhà hàng mức giá cao nhất có thể đến 1 triệu đồng/kg.

Nguyễn Trang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!