T2, 06/07/2020 12:47

Quảng Ngãi: Để “tàu 67” phát huy hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

Là một trong những địa phương thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, đến nay, đã có 40 “tàu 67” của Quảng Ngãi đi vào hoạt động và bước đầu mang lại hiệu quả cho ngư dân. Tuy nhiên, để phát huy tối đa giá trị, cần sự vào cuộc của chính quyền và người dân.


Tàu vỏ thép tại cảng Sa Kỳ Ảnh: Nguyễn Trang

Còn trở ngại

Neo đậu tại cảng Sa Kỳ, tàu cá QNg 91131 TS của ông Nguyễn Thanh Hồng (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) đóng tại Nhà máy đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa), hạ thủy ngày 8/8/2016, tổng vốn đầu tư 16,4 tỷ đồng, thiết kế tàu dài 27,5 m, rộng 7,2 m, cao 3,52 m, máy chính Caterpilla, công suất 803 CV, nghề khai thác lưới chụp. Ông Hồng cho biết: “Những tháng đầu tiên vừa chạy vừa thử nghiệm để hoàn thiện nên các chuyến biển đều lỗ vốn, đến khoảng 5 chuyến gần đây mới thu về 100 tấn. Theo kinh nghiệm, tàu vỏ thép hoạt động bình thường nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả thực”.

Tương tự, tàu cá QNg 91999 TS của ông Phạm Trí Thức (xã Tịnh Kỳ) đóng tại Nhà máy đóng tàu Biển Đông, tổng vốn đầu tư 17,80 tỷ đồng, thiết kế dài 27,9 m, rộng 7,1 m, cao 3,1 m, hành nghề rê, máy chính Yanmar, công suất 829 CV, hạ thủy tháng 1/2017. Nhưng theo chia sẻ của chủ tàu, hiệu quả khai thác chưa như mong muốn.

Nguyên nhân theo các ngư dân, thứ nhất về thuyền viên, thuyền trưởng. Hiện tại các thuyền viên đi biển đều chưa qua lớp đào tạo để hành nghề đi biển trên tàu vỏ thép, với trang thiết bị hiện đại; trong khi, lối đánh bắt của ngư dân vẫn truyền thống nên chưa vận dụng hết hiệu quả của tàu và đa phần là ngư dân tự mày mò học tập. Do đó, địa phương cần chú trọng đào tạo thuyền viên; cùng đó, cần đưa chương trình đào tạo đến từng địa phương để triển khai dạy học, các trường đại học đào tạo kỹ sư, dạy nghề có thể tạo điều kiện để học viên được thực tập trên tàu vỏ thép, đồng hành cùng ngư dân bám biển.

Để tàu vỏ thép thực sự phát huy hiệu quả, ngoài quá trình giám sát thiết kế từ chủ tàu, vận hành và cải tiến phương tiện thì tàu vỏ thép cần phải có sự hỗ trợ ổn định giá thị trường, vận động các đơn vị tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ nguồn vốn. Bởi, theo nhiều ngư dân, giá cá đi tàu vỏ thép nếu vẫn bán với giá thường thì ngư dân lỗ vốn, trong khi, tình trạng “được cá, rớt giá” vẫn diễn ra; Do đó, cần có nhà đông lạnh để khi cá đánh bắt được nhiều, rớt giá thì thu mua giúp ngư dân, đồng thời chất lượng hải sản cũng tốt hơn so với để ngư dân tự bảo quản.

Tại buổi thăm và kiểm tra tình hình đóng tàu vỏ thép tại địa phương mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cùng ngư dân chỉ ra rằng, tàu vỏ thép thực sự mang lại hiệu quả, nhưng làm thế nào để phát huy tối đa giá trị đó là vấn đề khó khăn cho ngư dân và chính quyền. Cùng đó, hầu hết tàu vỏ thép thường không bị xua đuổi như các tàu vỏ gỗ khi đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Do vậy, nếu làm đơn độc vài chiếc thì rất khó, nhà nước cần làm trung gian liên kết các tàu với nhau, hợp thành tổ, đội khai thác trên biển.

Khắc phục tàu cá hư hỏng

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 40 tàu cá đã đóng xong và tham gia sản xuất trên biển, trong đó, 9 tàu vỏ thép và 31 tàu vỏ gỗ. Qua kiểm tra, đối với 9 tàu vỏ thép đều hoạt động bình thường, không có hiện tượng rỉ sét nhiều (chỉ có rỉ sét một số vị trí), quá trình hoạt động, phát sinh hư hỏng thông thường và các tàu đã khắc phục sửa chữa. Riêng tàu cá của ông Nguyễn Xiêm (huyện Lý Sơn), đóng tại Nhà máy đóng tàu Nam Triệu, khi khởi động có khói đen, chủ tàu đã thông báo cho Nhà máy đóng tàu và yêu cầu kiểm tra. Tàu cá ông Nguyễn Thanh Hồng bị hư hộp số máy, ông Hồng cũng đang chờ được thay thế, sửa chữa.

Hiện nay, nhiều ngư dân địa phương cũng quan tâm đến chính sách hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định 67 không được triển khai từ ngày 1/1/2017 gây khó khăn cho chủ tàu về kinh phí đóng bảo hiểm. Bởi không đóng bảo hiểm thân tàu thì Ngân hàng không cho tàu ra khơi, nên một số ngư dân đã tự bỏ tiền ra đóng bảo hiểm. Một trở ngại khác đó là thời gian đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm tàu cá kéo dài cũng khiến hành trình của ngư dân vất vả hơn. Các chủ tàu đề nghị phân công cho đăng kiểm địa phương quản lý kỹ thuật đối với tàu cá của địa phương, kể cả các tàu có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 m trở lên, để tạo thuận lợi, kịp thời và tiết kiệm chi phí cho chủ tàu.

>> Hiện, Quảng Ngãi có 6 tàu đang thi công, gồm 2 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ composite và 3 tàu vỏ gỗ đã và đang được cơ quan đăng kiểm thực hiện giám sát.

Nguyễn Trang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!