T2, 06/07/2020 01:19

Quảng Ngãi: Giải đáp thắc mắc về nguyên nhân cá chết

Chưa có đánh giá về bài viết

Chiều ngày 16-10, UBND huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã tổ chức họp người nuôi cá tại xã Bình Đông để giải đáp các thắc mắc người nuôi về tình trạng cá chết hàng loạt thời gian qua.


Các hộ nuôi cá tham gia ý kiến

Không đồng tình kết quả xét nghiệm

Tại cuộc họp, UBND huyện Bình Sơn đã công bố kết quả xét nghiệm mẫu cá và mẫu nước. Theo đó, mẫu cá xét nghiệm không có virus gây hoại tử thần kinh, mẫu cá nằm trong ngưỡng an toàn, hợp quy chuẩn môi trường. Vị trí lấy mẫu nước ở cả tầng mặt và tầng đáy cách khu vực bè nuôi 400 m về hướng bắc, tại khu vực đang hút cát gần bờ, cách bè nuôi 600 m về hướng tây bắc, khu vực hút cát cách khu vực bè nuôi 500 m về hướng tây. Kết quả, khu vực bè nuôi không bị biến thiên, tất cả nằm trong quy chuẩn, hoạt động hút cát chỉ gây xáo trộn cục bộ, không ảnh hưởng đến khu vực bè nuôi.

Tuy nhiên, kết quả công bố khiến nhiều người nuôi cá cho rằng không thỏa đáng. Ông Nguyễn Thanh Tuấn (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) cho biết, nhiều năm trước khi lặn xuống biển chỉ toàn cát, nuôi cá lồng bè rất phát triển. Tuy nhiên, khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, lặn xuống biển chỉ có bùn. “Bùn nhiều dẫn đến cá thiếu ôxy, cá bị hộc máu hoặc máu dồn nên não gây chết cá”, ông Tuấn nói. Nhiều người nuôi kinh nghiệm đã dắt lồng bè xuống trước khi trời mưa đến 4 ngày nhưng cá vẫn chết. Cá bớp dù là nước mặn thấp thì nó vẫn sống được, chỉ khi nước ngọt hoàn toàn mới chết.

Một số ý kiến cho rằng, cá chết chủ yếu ban đêm, lúc này thủy triều lên, ban ngày nước xuống nên cá không chết. Ông Nguyễn Thanh Sang (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) cho rằng, lượng mưa đầu nguồn không nhiều nên cá không thể chết đột ngột. Nước thì luôn chảy, việc lấy mẫu nước ở các thời điểm khác nhau dẫn đến kết quả không giống nhau. Hơn nữa, mẫu nước được lấy ban ngày, thời điểm thủy triều xuống.

UBND huyện Bình Sơn thông báo các thông tin về kết quả xét nghiệm và giải đáp thắc mắc người nuôi cá. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Việc nuôi cá lồng bè của người dân xã Bình Đông và xã Bình Thạnh có từ nhiều năm nay. Từ năm 2004 đến nay đối với xã Bình Đông và từ năm 2013 đến nay đối với xã Bình Thạnh, một số ngư dân đã chuyển đổi khai thác, đánh bắt hải sản sang nuôi trồng thủy sản, nuôi cá lồng bè. Việc nuôi cá lồng bè mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tăng thu nhập các hộ dân. Đến cuối năm 2017, có 72 hộ nuôi với tổng 718 lồng bè.

Đến năm 2018, xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt khiến người nuôi lo lắng, bởi sau thời kỳ nuôi cá phát triển mạnh, nhiều người đầu tư tiền bạc thậm chí vay nợ để nuôi cá bớp. Nhiều người kinh nghiệm nuôi cá bớp cho biết, các năm trước dù dịch bệnh, ô nhiễm thì lượng cá chết rất ít, người nuôi có lãi. Tuy nhiên chưa có năm nào cá chết bất thường như lần này. Nên các lý giải về kết quả xét nghiệm khiến người nuôi không đồng tình.

Tháo gỡ khó khăn


Cá nuôi lồng bè khu vực cảng Dung Quất chết hàng loạt. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, năm 2017, UBND huyện đã có chỉ đạo chấm dứt nuôi cá lồng bè tự phát, ngoài quy hoạch. Tuy nhiên vì kinh phí hỗ trợ tháo dỡ quá lớn, hơn 7,2 tỷ đồng, huyện không đủ ngân sách nên người dân vẫn tiếp tục nuôi.

Sau xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt ở khu vực cảng Dung Quất, người nuôi bán tháo với giá rẻ chỉ 60.000 đồng/kg, đến hiện tại vẫn còn nhiều hộ chưa bán được cá. Anh Lê Quang Dũng, xã Bình Đông, cho biết: “Người dân vay mượn để nuôi cá hiện giờ chỉ mong cứu vớt được chút vốn. Các hộ dân ở xã Bình Đông bán tháo giá rẻ, còn ở xã Bình Thạnh thì nhiều hộ nuôi không bán được cá nên phải để kho đông, mà để kho đông rất tốn điện, công sức… Theo tôi được biết thì tại xã Bình Thạnh vẫn còn ít nhất 10 tấn cá tồn kho đông, cần giải quyết giúp bà con”.

 Ông Nguyễn Quang Trung cho biết: “Trước mắt, việc quan trọng là giải quyết cá tồn đọng, UBND các xã cần thống kê cá cấp đông, tổng hợp báo cáo về huyện và đơn giá bán ra thống nhất. Huyện sẽ liên hệ các cơ quan, doanh nghiệp tìm đầu mối tiêu thụ giúp bà con”.

Nguyễn Trang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!