Quảng Ngãi: Thu bạc tỷ từ tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù diễn biến thời tiết nắng nóng, nhưng người nuôi tôm tỉnh Quảng Ngãi vẫn được mùa tôm. So với năm trước, nuôi tôm đã có những khởi sắc, cho thu nhập hàng tỷ đồng.

Cần có biện pháp kiểm soát dịch bệnh tôm nuôi trên địa bàn tỉnh

Cần có biện pháp kiểm soát dịch bệnh tôm nuôi trên địa bàn tỉnh

Được mùa, được giá

Bước qua một mùa nuôi tôm trầm lắng, nợ nần của năm 2016 khi tại huyện Mộ Đức chỉ thả nuôi 42 ha/100 ha diện tích nuôi tôm, thì đến 10,3 ha tôm thẻ chân trắng bị bệnh, người nuôi bỏ hoang hồ; năm nay, người dân huyện Mộ Đức bắt đầu nuôi tôm trở lại, khởi sắc khi sản lượng nuôi tôm chỉ riêng tháng 6 đạt 100 tấn với diện tích thả nuôi 35,5 ha.

Tại huyện Mộ Đức, toàn huyện thả nuôi 37 ha. Người dân địa phương đã tìm các phương pháp nuôi tôm mới bằng chế phẩm sinh học, không sử dụng chất kháng sinh phòng bệnh, kiểm soát nguồn giống đầu vào tốt hơn. Dọc rừng dương các xã Đức Minh, Đức Thắng, Đức Phong, Đức Lợi, bên cạnh các hồ bỏ hoang đã có nhiều chủ hồ đầu tư nuôi trở lại. Ông Võ Kha hộ nuôi tôm tại xã Đức Minh cho biết: “Năm nay giá tôm nhích dần lên, tôi cải tại lại hồ nuôi sau nhiều năm bỏ hoang”. Nhiều người xung quanh hồ nuôi của ông Kha cũng tiến hành cải tạo nuôi tôm.

Tại huyện Đức Phổ, những vùng nuôi tôm ven sông Thoa (xã Phổ Quang), bắt đầu rộn ràng thu hoạch tôm, nhiều nhà thu bạc tỷ. Ông Đỗ Minh Hảo (thôn Du Quang, xã Phổ Quang) thả nuôi 25 vạn tôm giống, với diện tích 3.000 m2, thu về gần 5 tấn tôm. Ông cho biết: “Giá tôm ở mức cao hơn so mọi năm, đạt gần 155.000 đồng/kg, tùy chất lượng tôm mà giá khác nhau, vụ này tôi thu gần tỷ bạc, sau khi trừ chi phí lãi ròng 600 triệu”. Hiện, ông Hảo đang thả vụ tôm mới, tỷ lệ sống tôm hiện đạt 70%.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn (thôn Du Quang, xã Phổ Quang) thả nuôi khoảng 40 vạn tôm giống với diện tích 4.000 m2, thu về 6 tấn, bán ra gần 800 triệu. Ông cho biết: “Người dân nhờ nước ven sông, quanh năm rất ít ô nhiễm nên người nuôi tôm phấn khởi hơn”.

Cần thêm nguồn lực

Theo thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, tổng diện tích ao hồ thả nuôi thủy sản đạt 1.394,3 ha, trong đó, nuôi tôm thẻ chân trắng 398 ha, nuôi tôm trên cát 194,1 ha, nuôi tôm vùng triều 228,9 ha… Tổng sản lượng 6 tháng đầu năm đạt trên 2.800 tấn, trong đó, sản lượng nuôi tôm đạt 1.998,6 tấn, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng.

Người dân địa phương đang tiếp tục chuẩn bị thả giống mới, lịch thời vụ thả giống từ ngày 15/8, đến khi kết thúc thu hoạch 31/12. Theo khuyến cáo từ ngành chức năng, để đảm bảo sản lượng tôm, cần nghỉ giữa vụ, khoản thời gian ngắt vụ để tái tạo môi trường ao nuôi, đồng thời, tránh thời tiết nắng nóng, gây bất lợi cho tôm. Bên cạnh đó, nên đưa một số đối tượng nuôi như: ốc hương, cá, cua… thả nuôi tại ao tôm bỏ trống, nhằm tận dụng được cơ sở vật chất sẵn có, vừa góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, đưa đối tượng có giá trị kinh tế vào sản xuất trong điều kiện nghề nuôi tôm gặp khó khăn do vấn đề dịch bệnh.

Nuôi tôm tại Quảng Ngãi nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung vẫn gặp những khó khăn nhất định. Như cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng; tại hầu hết các vùng tôm trọng điểm của tỉnh, vẫn chưa có thiết bị giám sát dịch bệnh và quan trắc cảnh báo môi trường; mương cấp, thoát nước chung… nên nước thải, chất thải vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Do đó, bên cạnh sự hợp tác của người dân với ngành chuyên môn trong việc chấp hành lịch thời vụ, quy trình kỹ thuật, lựa chọn con giống thì, dịch bệnh trên tôm được hạn chế trong thời gian qua là nhờ môi trường được xử lý theo cơ chế… tự phục hồi.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt Kế hoạch giám sát dịch bệnh tôm nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020. Với tổng kinh phí thực hiện trên 12,7 tỷ đồng, kế hoạch sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cải tạo môi trường ao nuôi; giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi; tổ chức các lớp tập huấn cho người nuôi tôm 5 huyện, thành phố nuôi thủy sản trọng điểm là Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn và TP Quảng Ngãi, góp phần phòng chống có hiệu quả dịch bệnh trên tôm nuôi.

 

Nguyễn Trang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!