Quảng Ninh: Hiệu quả nuôi ngao giá ở Vân Đồn

Chưa có đánh giá về bài viết

Ba năm trở lại đây, nghề nuôi ngao giá phát triển mạnh trên địa bàn huyện Vân Đồn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi đối tượng nuôi không hiệu quả, giải quyết công ăn việc làm, lao động, giảm nghèo tại địa phương.


Nuôi ngao giá phát triển mạnh trên địa bàn huyện Vân Đồn  Ảnh: ST 

Đặc điểm sinh học

Ngao giá có tên khoa học là Tapes dorsatus, còn được gọi là ngao hai cùi, sò lụa trắng, sò lụa bắp, sò lụa hai vòi… Ngao giá phân bố tại vùng biển Ấn Độ – Tây Thái Bình Dương, tại Việt Nam thì có mặt hầu hết ở các vùng biển từ Bắc đến Nam, từ tuyến hạ triều đến biển nông, đáy cát. Tại Quảng Ninh, từ năm 2010 đã đưa giống ngao này vào nuôi thử nghiệm với nhiều hình thức khác nhau: nuôi riêng, nuôi lẫn với tu hài; nuôi thả bãi, lồng treo.

Thức ăn chủ yếu của ngao giá là tảo khuê, các mảnh vụn và chất vẩn cặn hữu cơ; là loài phân đực, cái riêng biệt. 

Đây là giống ngao sinh trưởng nhanh, trọng lượng lớn, có khả năng kháng bệnh tốt nên dễ nuôi, có thể thả nuôi với mật độ 130 – 150 con/lồng, sau 12 – 13 tháng cho thu hoạch, trọng lượng bình quân đạt 70 – 80 g/con, có lồng nuôi đạt hơn 100 g/con.              

Kết quả nuôi tại Vân Đồn

Vân Đồn có diện tích mặt nước biển rộng khoảng 1.600 km2, có nhiều tùng vụng kín gió, núi đá, tạo ra các vùng bãi triều, mặt nước, rừng ngập mặn, thuận lợi cho nuôi trồng các loài thủy hải sản, trong đó có ngao giá.

Theo người dân địa phương, ngao giá bắt đầu được người dân đưa vào nuôi trồng từ năm 2016 khi nuôi tu hài chững lại do dịch bệnh. Phòng NN&PTNT huyện cho biết, năm 2016, toàn huyện có trên 250 hộ nuôi, đến đầu năm 2019 đã có trên 1.000 hộ tham gia nuôi. Hình thức nuôi chủ yếu bằng lồng thả bãi, dưới vùng hạ triều sâu 1 – 6 m. Tuy nhiên do diện tích các bãi vùng hạ triều không đủ so với nhu cầu nuôi nên các hộ dân đang đầu tư mở rộng, nuôi theo hình thức lồng treo trên các nhà bè.

Đại diện Phòng NN&PTNT huyện cũng cho biết, sản lượng ngao giá trung bình trên địa bàn huyện đạt 20 tấn/ngày, có thời điểm đạt 40 tấn/ngày. Hiện hộ nuôi ít nhất có 2.000 lồng, tương đương số tiền đầu tư khoảng 100 triệu đồng; hộ nhiều nhất có khoảng 100.000 lồng, tương đương số tiền đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Sau 12 tháng nuôi, năng suất trung bình đạt 1,5 – 2,5 kg/lồng, với giá bán buôn thương phẩm 60.000 – 90.000 đồng/kg tùy thời điểm, kích cỡ ngao, hộ nuôi thấp nhất thu trên 300 triệu đồng/năm, cao nhất trên 10 tỷ đồng/năm chưa trừ chi phí.

Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Thắng Lợi) bắt đầu nuôi từ năm 2016. Năm đầu tiên nuôi đã thu hồi vốn, đến nay gia đình ông có khoảng 40.000 lồng, giải quyết việc làm thời vụ cho 12 lao động, với mức lương trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, người nuôi ngao giá tại Vân Đồn vẫn còn một số lo lắng, như hiện nay nhu cầu nuôi của người dân rất lớn, trong khi nguồn giống trong nước không đáp ứng đủ, họ phải nhập thêm từ nước ngoài, nguồn giống không được kiểm soát, có nguy cơ lây nhiễm, gây dịch bệnh cao. Bên cạnh đó là đầu ra chưa ổn định, luôn bị tư thương ép giá và phụ thuộc nhiều vào phía Trung Quốc. Đề nghị các ngành chức năng cần tiến hành lựa chọn nhà đầu tư thích hợp để xây dựng trung tâm sản xuất giống trên địa bàn huyện; giám sát chất lượng giống, quản lý chặt chẽ vùng nuôi theo quy hoạch; đưa vào giám sát sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc và xuất khẩu; đồng thời tổ chức xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến thủy sản, nâng cao giá trị sản phẩm.

Trần Vân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!