Quảng Ninh: Mong muốn có quy hoạch tạm thời vùng nuôi nhuyễn thể tập trung

Chưa có đánh giá về bài viết

Với khoảng 1.500ha đất bãi triều, mặt nước biển, TX Quảng Yên có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi các đối tượng nhuyễn thể (hàu cửa sông, hà sú…). Tuy nhiên, hiện nay do chồng lấn các quy hoạch nên vùng nuôi nhuyễn thể tập trung chưa quy hoạch được, các hộ nuôi vẫn chủ yếu mang tính tự phát.

Ngư dân xã Hoàng Tân (TX Quảng Yên) thu hoạch hàu, hà treo dây. Ảnh: Nguyễn Chiến

Giải quyết tình trạng này, TX Quảng Yên đang xin tỉnh chủ trương quy hoạch tạm thời diện tích bãi triều, mặt nước biển để phát triển vùng nuôi nhuyễn thể tập trung.

Hiện trên địa bàn TX Quảng Yên có gần 500ha nuôi nhuyễn thể (tăng 267ha so với năm 2017). Một số xã, phường có diện tích nuôi nhiều là: Hoàng Tân, Tân An, Liên Hòa, Minh Thành, Liên Vị… Sản lượng hàu, hà của thị xã từ 3.000-5.000 tấn/năm (chiếm gần 1/2 tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của Quảng Yên), giá trị kinh tế hơn 100 tỷ đồng/năm.

Xã Hoàng Tân có diện tích nuôi hàu, hà lớn nhất TX Quảng Yên với trên 300ha. Đây là hướng đi mới tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân nơi đây. Theo các hộ dân trong xã, nuôi nhuyễn thể tốn ít chi phí về đầu tư hạ tầng sản xuất, không mất chi phí thức ăn, riêng con hà sú không mất chi phí mua con giống, vì vậy giá trị kinh tế mang lại tương đối cao, mỗi hộ có thể thu nhập 100-150 triệu đồng/ha/năm.

Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Hoàng Tân, cho biết: Do chưa quy hoạch được vùng nuôi nhuyễn thể tập trung, nên các hộ chủ yếu nuôi tự phát. Trong khi đó nhu cầu nuôi hàu, hà của các hộ ngày càng cao. Xã có danh sách các hộ nuôi, diện tích nuôi, quản lý trên hồ sơ, không thu khoản phí, lệ phí nào. Nếu quản lý không tốt dễ dẫn tới xung đột lợi ích kinh tế, tranh chấp diện tích nuôi; nguy cơ rủi ro về dịch bệnh và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Để nuôi con hàu, hà phát triển bền vững, các hộ dân xã rất mong địa phương sớm quy hoạch được vùng nuôi tạm thời (có thể cho các hộ thuê từng năm một), tiến tới quy hoạch tập trung. Điều này sẽ giúp địa phương quản lý tốt hơn diện tích mặt nước, bãi triều, phát huy tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế; đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi hàu, hà cho các hộ dân, giúp họ ổn định sản xuất, tăng thu nhập…

Theo Quyết định số 209/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh “Về việc ban hành quy chế quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản trên bãi triều mặt nước biển trong địa bàn tỉnh Quảng Ninh”: Đến năm 2020 Quảng Yên không quy hoạch diện tích bãi triều, mặt nước biển. Thực tế trong quy hoạch chung của TX Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3888/QĐ-UBND (ngày 18/11/2016) và các quy hoạch phân khu, việc bố trí các phân khu phát triển công nghiệp và đô thị đều bao trùm hầu hết các diện tích nuôi trồng thủy sản của thị xã. Tuy nhiên, theo lộ trình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một số diện tích bãi triều, mặt nước vẫn chưa được nhà đầu tư thu hồi để thực hiện các dự án, do đó rất lãng phí tài nguyên đất đai, mặt nước. Trong khi việc nuôi hàu, hà chỉ phải đầu tư hệ thống giàn bè, không có công trình kiên cố, với chu kỳ nuôi 3-5 năm thì hệ thống bè nuôi sẽ tự hỏng.

Nuôi hàu, hà treo dây khu vực sông Chanh, đoạn chạy qua xã Liên Hòa (TX Quảng Yên).

Trước thực tế đó, vừa qua, TX Quảng Yên đã gửi Công văn số 882/UBND-KT trình UBND tỉnh xin chủ trương cho phép quy hoạch tạm thời bãi triều, mặt nước biển để phát triển vùng nuôi nhuyễn thể tập trung. Theo quan điểm của thị xã, quy hoạch tạm thời phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển chung của địa phương. Nếu được UBND tỉnh đồng ý chủ trương này, thị xã sẽ làm việc với các nhà đầu tư và hộ dân để thống nhất, cam kết khi các dự án thu hồi sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư. Đồng thời, các hộ nuôi phải tự động tháo dỡ công trình, không bồi thường đối với diện tích nuôi hàu, hà được giao hoặc cho thuê sau thời gian này.

Chủ trương xin quy hoạch tạm thời vùng nuôi nhuyễn thể của Quảng Yên nếu được tỉnh đồng ý chấp thuận sẽ giúp địa phương quản lý tốt diện tích bãi triều, hạn chế tình trạng các hộ nuôi tự phát ồ ạt; sắp xếp hợp lý lại các hộ nuôi vào vùng tập trung để tránh cản trở đến luồng lạch tàu, thuyền ra vào neo đậu trong khu vực tránh, trú bão.

Phạm Tăng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!