Quảng Ninh nuôi “tham vọng” trở thành số 1 các tỉnh ven biển phía Bắc về tôm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Với khu công nghệ nuôi tôm cao cấp, tỉnh Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất khu vực các tỉnh ven biển phía Bắc.

Cuộc họp thống nhất ý kiến chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh về Đề án thành lập khu công nghệ cao cấp nuôi trồng thủy sản tại huyện Đầm Hà.

Với dân nuôi trồng thuỷ sản, hiện con tôm được xem là “con tiền tỷ” mang lại giá trị hàng tỷ đồng/ha. Đây cũng là đối tượng nuôi chủ lực của ngành thuỷ sản tỉnh Quảng Ninh, được kỳ vọng mang về ít nhất 2.000 tỷ đồng vào năm 2020, tạo sức bật trong nâng cao giá trị ngành nông nghiệp.

Quảng Ninh là địa bàn có môi trường phù hợp để phát triển thủy sản, đặc biệt là tôm biển ở Quảng Ninh có thương hiệu hàng trăm năm nay. Quảng Ninh có lợi thế đường bờ biển dài trên 250km, diện tích mặt biển rộng trên 6.100km2 và trên 40.000ha bãi triều cùng 20.000ha eo vịnh với hơn 2.000 hòn đảo lớn nhỏ trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long… Năm 2018, Quảng Ninh có 10.603ha bãi triều ngập mặn nuôi tôm với sản lượng 11.558 tấn.

Thời gian qua tỉnh Quảng Ninh cũng đã định hướng phát triển kinh tế biển là thế mạnh. Tuy nhiên vấn đề con giống cho sản xuất thủy, hải sản vẫn còn thiếu và yếu. Nhận thấy cơ hội mở rộng phát triển, Tập đoàn Việt – Úc đã mạnh dạn đề xuất đầu tư, đồng hành cùng Quảng Ninh trở thành trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất khu vực các tỉnh ven biển phía Bắc.

Khu công nghệ nuôi tôm cao cấp của tỉnh Quảng Ninh được triển khai tại huyện Đầm Hà, được phân thành 5 khu chính bao gồm: Trung tâm; đa chức năng nghiên cứu; sản xuất tôm giống; nuôi tôm thương phẩm; xử lý chất thải.

Tại đây sẽ nghiên cứu, ứng dụng sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nuôi tôm, sản xuất thức ăn, chế biến xuất khẩu tôm… Vốn khai toán đầu tư dự kiến 829 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là 181 tỷ đồng dùng để xây dựng tuyến đê bao biển và giải phóng mặt bằng. Số vốn đầu tư còn lại là của doanh nghiệp để xây dựng các hạng mục hạ tầng cơ sở, trang bị thiết bị…

Quảng Ninh là địa bàn có môi trường phù hợp để phát triển thủy sản

Hiện thị phần tôm giống của Tập đoàn Việt – Úc đang chiếm 30% trong cả nước. Nói về năng lực tài chính, kinh nghiệm chuyên ngành nuôi tôm công nghệ cao, khả năng tiêu thụ sản phẩm thì không ai có thể vượt qua được Việt – Úc. Vì vậy, chủ đầu tư đề nghị tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện cho dự án sớm khởi động.

Tại cuộc họp cho ý kiến Đề án thành lập khu công nghệ cao cấp tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc khẳng định, Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm, khuyến khích phát triển kinh tế biển đặc biệt đối với lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy, hải sản nhằm tạo sự đột phá trong lĩnh vực này. Chính vì thế, đối với Đề án thành lập khu công nghệ cao cấp về thủy sản tại huyện Đầm Hà, quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là ủng hộ.

Theo Đề án, khu công nghệ cao cấp về thủy sản sẽ được chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn đến năm 2020 sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng toàn khu, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê bao, hoàn thành xây dựng khu trình diễn khu nuôi tôm thương phẩm, khu đào tạo, ứng dụng thực hành và bắt đầu thực hiện sản xuất giống tôm chất lượng cao. Giai đoạn 2021 – 2022 sẽ tiến hành hoàn thiện các phân khu, hình thành 10 trại nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính, hợp tác thử nghiệm đào tạo phục vụ sản xuất thủy sản chủ lực của toàn khu và phát triển trên địa bàn tỉnh.

Với khu công nghệ nuôi tôm cao cấp, tham vọng “số 1″ ngành tôm giống khu vực các tỉnh ven biển phía Bắc của Quảng Ninh đang đến rất gần.

Lan Vũ

Theo Enternews

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!