Quảng Ninh: Nuôi trồng thuỷ sản tập trung: Cách làm hiệu quả của Yên Thanh

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời điểm này các ao nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Vũ Văn Việt tại khu Núi Gạc, thuộc vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung của phường Yên Thanh (TP Uông Bí) đều tháo cạn nước, để không.

Nhiều người cho rằng để ao “trắng” như vậy khá là phí, khi mà ngay sau vụ tôm có thể nuôi kế vài loại cá khác. Thế nhưng theo ông Việt khẳng định, là người nuôi tôm có kinh nghiệm thì không nên tiếc rẻ như vậy, ngược lại nên chuẩn bị tốt các điều kiện để tập trung cho vụ nuôi mới.

Thực tế việc tháo nước, phơi ao trong một thời gian sau mỗi vụ nuôi nhằm cải tạo đáy ao; sửa chữa các bờ kè, đáy ao, từ đó củng cố hạ tầng ao và tạo được môi trường nuôi sạch, kích thích sự tăng trưởng cũng như hạn chế dịch bệnh cho vật nuôi. Chính bởi vậy nên từ nhiều năm nay các ao nuôi tôm của gia đình ông Việt thường đạt năng suất cao nhất vùng, đến 4 tấn/ha và trong khi các khu vực lân cận thiệt hại bởi tôm bệnh, tôm chết thì ao của ông chưa từng “dính”.

Thu hoạch tôm ở hộ gia đình ông Vũ Văn Tới tại khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung phường Yên Thanh, Uông Bí. 

Thu hoạch tôm ở hộ gia đình ông Vũ Văn Tới tại khu nuôi trồng thủy sản tập trung phường Yên Thanh, Uông Bí.

Bên cạnh việc tuân thủ các quy tắc đảm bảo môi trường ao nuôi, ông Việt còn là hộ mạnh tay đầu tư vào cơ sở hạ tầng nuôi. Nhà ông có hơn 3ha ao nuôi, tất cả đều được chia thành nhiều ao nhỏ và lát đáy, kè bờ; các ao có hệ thống xử lý chất thải đáy và bố trí nhiều sục khí… Ông Việt cũng tự đầu tư đường điện 3 pha để phục vụ sản xuất, đồng thời trang bị thêm 3 máy phát công suất lớn dự phòng. Ông cũng sắm thiết bị bảo quản và xe lạnh để đảm bảo chất lượng tôm khi khai thác cũng như thuận lợi trong vận chuyển, tiêu thụ… Tổng các chi phí này lên đến gần 10 tỷ đồng, trong đó riêng việc đầu tư hạ tầng các ao nuôi tính ra khoảng 5 tỷ đồng. Tốn tiền là vậy nhưng ông Việt vẫn quyết tâm đầu tư. Ông tâm sự: Với quá trình phát triển của con tôm, yếu tố tiên quyết nhất chính là hệ thống sục khí luôn được hoạt động để đảm bảo độ ôxy trong nước. Chỉ cần ngừng sục trong vòng 1 ngày là tôm có thể chết hàng tấn, nổi đầy mặt ao không kịp vớt. Như vậy rất thiệt hại, không chỉ mất trắng hàng tấn tôm mà còn phải mất chi phí để xử lý các vấn đề phát sinh sau đó như môi trường, thả kế giống… Chính bởi vậy tôi xác định ngoài phần đầu tư ban đầu, mỗi năm tôi bỏ hẳn 50% lãi thu được để tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở.

Có lẽ chính quy trình nuôi đảm bảo và sự đầu tư hạ tầng kỹ thuật tập trung, đồng bộ, hiện đại nên vụ tôm nào ông Việt cũng cầm chắc thắng lợi. Năm 2013, ông thu lãi ròng đến gần 3 tỷ đồng. Vụ tôm đầu năm 2014 mới đây, mặc dù chưa phải vụ nuôi chính nhưng ông cũng lãi đến hơn 1 tỷ đồng…

Đáng mừng là cùng với hộ ông Vũ Văn Việt, hiện khu nuôi trồng thủy sản tập trung phường Yên Thanh còn có hàng chục hộ nuôi khác cũng mạnh tay đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, phương tiện để nuôi tôm một cách hiện đại.

Khu nuôi trồng thủy sản tập trung phường Yên Thanh có quy mô khoảng hơn 100ha với khoảng trên 30 ô đầm nuôi, tập trung ở khu vực giáp ranh các khu Phú Thanh, Lạc Thanh và Núi Gạc. Với ưu điểm vùng ngập nước, độ mặn, chua trong đất phù hợp nên nơi đây vốn là nơi nuôi trồng thủy sản của người dân từ nhiều năm nay. Từ năm 2008, từ quy hoạch tập trung phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản ở đây, TP Uông Bí cũng đã đầu tư một phần hạ tầng, như hệ thống điện sinh hoạt, đường giao thông nội bộ. Năm 2010, TP Uông Bí tiếp tục đầu tư nâng cấp một số hạng mục khác. Tuy nhiên, phải kể từ 3 năm trở lại đây, khi các hộ nuôi chuyển đổi từ các đối tượng nuôi khác sang tập trung cho con tôm và đầu tư hạ tầng để phát triển các ao nuôi của mình thì diện mạo khu vực này mới thực sự thay đổi, không còn dáng dấp khu nuôi trồng tự phát và phụ thuộc nhiều vào tự nhiên và lối nuôi quảng canh mà đã trở thành khu nuôi trồng tập trung theo hướng hiện đại, công nghiệp.

Có thể nói chính từ sự vào cuộc của người dân, từ quy mô của các hộ nuôi ngày càng đồng bộ, hiện đại đã góp phần tạo nên một vùng nuôi trồng thủy sản tập trung mà phường Yên Thanh nói riêng, TP Uông Bí nói chung đã quy hoạch và xây dựng từ nhiều năm nay. Hiện nay khu nuôi trồng thủy sản tập trung Yên Thanh đang là vùng nuôi tôm có sản lượng lớn, chất lượng tốt của TP Uông Bí, đáp ứng một phần không nhỏ thị trường tôm rộng lớn của Uông Bí và các vùng lân cận.

Việt Hoa

Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!