Quảng Trị: Chủ động các biện pháp nuôi tôm an toàn trong mùa mưa lũ

Chưa có đánh giá về bài viết

Khác với nuôi tôm sú có thời vụ nuôi từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, thời điểm này nuôi tôm thẻ chân trắng mới bắt đầu vào vụ nuôi chính. Do đây là vụ nuôi hạn chế được dịch bệnh do nắng nóng, giá bán lại cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với người nuôi là việc xử lý các biến động của môi trường và ảnh hưởng của mưa lũ.

Trong những ngày mưa lũ cần duy trì hoạt động các dàn quạt nước

Bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng từ năm 2008 đến nay, với gần 3ha ao hồ nuôi tôm, hàng năm, gia đình ông Phan Văn Tụy ở thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị thu lãi hàng tỷ đồng từ con tôm thẻ. Theo ông Tụy, bên cạnh những ưu điểm như ít dịch bệnh, giá tôm ổn định ở mức cao thì vụ nuôi này cũng gặp những yếu tố bất lợi. Do thả nuôi vào mùa mưa lũ nên môi trường nước thường xuyên thay đổi đột ngột, ao nuôi dễ bị sạt lở do được đắp bằng cát, lại nằm sát bờ biển. Do đó, việc chủ động các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra được gia đình ông Tụy chuẩn bị từ rất sớm. Theo kinh nghiệm của ông Tụy: trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi khả năng bắt mồi của tôm. Khi mưa lớn kéo dài cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, ôxy hòa tan, nhiệt độ, độ mặn… trong nước ao nuôi để có biện pháp xử lý phù hợp. Cụ thể, nếu thấy độ mặn, độ kiềm hay pH giảm xuống quá giới hạn cho phép thì phải cấp bổ sung thêm nước, bón vôi kịp thời. Duy trì các dàn quạt nước hoạt động thường xuyên để tạo dòng chảy, tránh phân tầng nước, đồng thời cung cấp ôxy hòa tan đảm bảo cho tôm nuôi phát triển tốt. Lắp đặt các ống thoát nước tầng mặt cho ao nuôi, khơi thông dòng chảy với các mương thoát nước, chuẩn bị đầy đủ bao cát, cọc tre để xử lý kịp thời khi mưa lớn kéo dài, dòng chảy mạnh. “Trong điều kiện mưa lạnh, nhiệt độ giảm xuống thấp, tôm sẽ giảm ăn. Lúc này cần phải điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý, tránh dư thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Ngoài ra, khi mưa lớn kéo dài cần theo dõi mực nước trong ao, nếu nước cao quá cần phải xả bớt, tránh tràn hồ hoặc xấu hơn là vỡ hồ”, ông Tụy chia sẻ.

Ông Võ Ngọc Lượng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Lăng cho biết: Toàn xã có hơn 60 ha nuôi tôm với khoảng 200 hộ nuôi. Trong những năm qua, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đã đem lại thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình cũng như đóng góp vào nguồn thu của xã. Vì vậy, ngoài việc tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển nuôi tôm thì vào đầu vụ nuôi, Hội Nông dân xã còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường, các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và ao hồ trong mùa mưa lũ. Đồng thời, phân công cán bộ kỹ thuật tới từng hộ nuôi để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt khung lịch thời vụ, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi. “Ngoài việc tuyên truyền cho các hộ nuôi tôm tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho ao hồ, chúng tôi còn tuyên truyền người dân đảm bảo an toàn khi sử dụng điện, sử dụng máy quạt nước… vì đây cũng chính là những mối nguy tiềm ẩn đối với người nuôi tôm”, ông Lượng thông tin.

Còn tại xã Hải An, huyện Hải Lăng, ông Nguyễn Công Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với tổng diện tích nuôi tôm toàn xã là hơn 45,4 ha, hàng năm mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân. Rút kinh nghiệm vụ việc năm 2017 có 2 ao nuôi tôm ở thôn Thuận Đầu và Đông Tân An bị vỡ do mưa lũ, năm 2018 này, ngoài việc tạo điều kiện cho người dân phát triển nuôi tôm thì công tác phòng chống lụt bão nói chung và bảo vệ ao hồ nuôi tôm trong mùa mưa lũ nói riêng được UBND xã đặt lên hàng đầu. Theo đó, ngoài việc tuyên truyền người dân tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thì UBND xã còn thường xuyên thông báo cho người nuôi tôm về tình hình thời tiết, chủ động chuẩn bị các vật tư như cọc tre, phên tre, bao cát, bạt nilon, cuốc xẻng… để sẵn sàng ứng cứu ao hồ nuôi tôm khi có sự cố vỡ đê hoặc nước tràn hồ. “Qua nhiều vụ, người nuôi tôm đã cơ bản có kinh nghiệm trong việc xử lý, ứng phó các sự cố gặp phải trong quá trình nuôi. UBND xã cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, quy trình nuôi trong mùa mưa lũ. Vì vậy, đến thời điểm này hầu hết các hộ nuôi trên địa bàn xã đều đã thả nuôi được từ 20 – 50 ngày”, ông Tuấn tự tin nói.

Ông Nguyễn Văn Huân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cho biết: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa mưa lũ năm nay, tình hình thời tiết các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, trong đó có tỉnh ta dự báo có diễn biến phức tạp, mưa kéo dài, làm cho môi trường nuôi thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng thay đổi bất thường, khiến dịch bệnh dễ phát sinh. Khi tôm bị bệnh, hiệu quả điều trị không cao. Ông Huân khuyến cáo: Để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho nuôi tôm thẻ chân trắng, người nuôi cần lưu ý kiểm tra thường xuyên hình dạng bên ngoài, màu sắc, đường ruột của tôm… Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường cần xử lý ngay để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Luôn giữ mực nước trong ao ở mức 1,2 – 1,5 m; khi mực nước ao tăng cao do mưa lớn kéo dài cần xả bớt lượng nước tầng mặt, tránh làm giảm độ mặn đột ngột, tràn bờ, vỡ đê bao, vỡ cống… đồng thời tăng cường chạy quạt nước để tránh sự phân tầng nước, cung cấp thêm ôxy hòa tan cho tôm. Ông Huân cho biết thêm: Để đảm bảo cho việc nuôi tôm vào những tháng cuối năm, đặc biệt là trong mùa mưa lũ, bên cạnh sự chủ động của các hộ nuôi, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi & Thú y, Trung tâm Khuyến nông cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp về tận nơi để hướng dẫn bà con ngư dân cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho tôm trong mùa mưa lũ. Đặc biệt là tiến hành kiểm tra, hướng dẫn các khâu chuẩn bị bảo đảm an toàn ao hồ nuôi tôm để có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi có mưa lũ xảy ra.

Lê An

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!