Quyết liệt bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Đình Yên, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam (ảnh) với PV Thủy sản Việt Nam, xung quanh vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS).

Khai thác ven bờ hợp lý

ông hoàng đình yên tổng thư ký hội nghề cá việt namÔng đánh giá thế nào về việc bảo vệ và phát triển bền vững NLTS những năm gần đây, nhất là 2015? Phải chăng NLTS đã suy kiệt đến mức báo động?

Những năm gần đây, ngành thủy sản tiếp tục triển khai thực hiện chương trình Bảo vệ và phát triển NLTS, theo Quyết định 188/2012/QĐ-TTg 3/2/2012 của Chính phủ. Tổng cục Thủy sản và các địa phương đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình; điều tra, đánh giá NLTS; tuyên truyền cho ngư dân về bảo vệ, phát triển NLTS; thả giống tái tạo NLTS; ban hành văn bản quản lý và tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm.

Tuy nhiên, NLTS đã giảm đến mức báo động, chủ yếu do cường lực hoạt động khai thác thủy sản ven bờ quá lớn, tàu thuyền công suất lớn không được phép hoạt động ở vùng biển ven bờ sử dụng các nghề lưới giã kéo, cào bay đánh bắt ở vùng biển ven bờ; tình trạng dùng chất nổ, chất độc, kích điện và các phương pháp khai thác có tính hủy diệt còn khá phổ biến; dùng ngư cụ có mắt lưới quá bé so với quy định và đánh bắt vào thời kỳ sinh sản, sinh trưởng của cá, tôm…

 

Nhiều ý kiến cho rằng bảo vệ NLTS đang nặng về xử phạt, phạt nhiều nhưng hiệu quả ít. Theo ông, chúng ta cần làm thế nào để bảo vệ NLTS mà vẫn đảm bảo đời sống người dân?

Ý kiến cho rằng bảo vệ NLTS hiện nay nặng về xử phạt, phạt nhiều nhưng hiệu quả ít, theo tôi chưa chính xác. Thực tế hiện nay bên cạnh một số địa phương đã quan tâm kiểm tra, xử lý các hành vi sai phạm, tại nhiều địa phương hoạt động này còn yếu, do thiếu lực lượng, phương tiện và còn nể nang… Cần chăm lo đời sống ngư dân khai thác gần bờ, nhưng không phải vì thế mà không xử phạt các trường hợp sai phạm; không thể chỉ nghĩ lợi ích trước mắt mà quên lợi ích lâu dài; việc xử phạt nghiêm minh nhằm ngăn chặn các hành vi sai phạm gây tổn hại NLTS chính là nhằm đem lại đời sống bền lâu cho ngư dân ven biển; nếu không xử phạt nghiêm sẽ khó ngăn chặn được các hành vi sai phạm. Tuy nhiên, xử phạt không phải giải pháp duy nhất. Phải tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và cán bộ cơ sở, nhất là phải nâng cao vai trò cộng đồng ngư dân tham gia quản lý, bảo vệ NLTS; tổ chức lại hoạt động khai thác ven bờ hợp lý, phù hợp đặc điểm từng vùng; chuyển một bộ phận ngư dân khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ hoặc chuyển sang nghề khác.

bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Thủy sản ven, gần bờ cần khai thác hợp lý – Ảnh: Xuân Trường

 

Đánh bắt có thời hạn

Việc quy định đánh bắt thủy sản gần bờ có thời hạn được triển khai ra sao, thưa ông?

Nước ta chưa có quy định cấm đánh bắt thủy sản trên toàn bộ vùng biển như một số nước; nhưng cũng có quy định cấm đánh bắt có thời hạn ở một số vùng là bãi sinh sản, sinh trưởng của một số giống loài thủy sản, tại Thông tư 89 của Bộ NN&PTNT. Việc thực thi quy định này chưa nghiêm nên trong thời gian cấm đánh bắt, tàu thuyền vẫn hoạt động trong các vùng nước này. Tổng cục Thủy sản cần chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định này. Việc thành lập các khu bảo vệ NLTS tại các vùng sinh sản và sinh trưởng của cá tôm và vùng rạn san hô là rất cần thiết. Hiện, một số tỉnh đã có kế hoạch xây dựng các khu bảo vệ NLTS, hoạt động có hiệu quả…

 

Hội Nghề cá Việt Nam đã và sẽ thực hiện các chương trình, dự án nào giúp hội viên và ngư dân bảo vệ và phát triển bền vững NLTS, thưa ông?

Hội Nghề cá Việt Nam đã chỉ đạo các Hội Nghề cá địa phương; xây dựng, hướng dẫn hội viên và các chi hội, thực hiện mô hình đồng quản lý, nhằm quản lý tốt hoạt động khai thác và bảo vệ NLTS như Thừa Thiên – Huế, Nghệ An, Bến Tre, Bình Định, Phú Yên… Trung ương Hội sẽ cùng Hội Nghề cá các địa phương rút kinh nghiệm mô hình quản lý dựa vào cộng đồng để phát triển, nhân rộng. Mặt khác, Hội sẽ xây dựng đề án tổ chức tuyên truyền “những điều ngư dân cần biết” trong khai thác, bảo vệ, phát triển NLTS.

 

Vì tương lai

Vậy Hội Nghề cá Việt Nam có những đề xuất gì xung quanh vấn đề phát triển bền vững NLTS?

Đề nghị Bộ NN&PTNT và các địa phương điều tra, đánh giá NLTS, quy hoạch lại cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp khai thác ở các vùng nước ven bờ, vùng lộng, vùng khơi và trên từng khu vực, từng địa bàn các tỉnh, thành phố ven biển, nhằm tổ chức lại sản xuất, khai thác hải sản cả nước và từng địa phương. Xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức bảo vệ NLTS và hoạt động kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương, nhằm thực thi tốt các hoạt động bảo vệ NLTS; kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm về bảo vệ NLTS. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho ngư dân và cán bộ cơ sở về công tác bảo vệ NLTS, về các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác nuôi trồng và quản lý NLTS. Hoàn thiện các quy định về quản lý và bảo vệ NLTS (quy định các vùng cấm, thời gian cấm khai thác, đối tượng cấm khai thác, quy định về quản lý tàu thuyền, nghề nghiệp khai thác ở các vùng nước…).

>> “Bảo vệ NLTS là trách nhiệm của mọi người, mọi tổ chức, mỗi hội viên Hội Nghề cá và mỗi người dân. Mọi người cần chung tay, chung sức bảo vệ và phát triển bền vững NLTS vì tương lai con em chúng ta” – Ông Hoàng Đình Yên đề nghị.

Nguyễn Anh (thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!