T2, 06/07/2020 12:41

Radar: Thiết bị quan trọng trên tàu cá khai thác xa bờ

Chưa có đánh giá về bài viết

Hầu hết tất cả các tàu đánh bắt xa bờ trên thế giới đều đã trang bị RADAR hàng hải (thiết bị sử dụng sóng vô tuyến để phát hiện chướng ngại vật), giúp ngư dân nhận dạng được hướng di chuyển của các mục tiêu xung quanh mình và điều chỉnh hướng đi phù hợp. Đây là thiết bị quan trọng bậc nhất trong quá trình khai thác trên biển.

Tuy nhiên, ở Việt Nam việc trang bị Radar trên tàu cá vẫn chưa được bà con ngư dân quan tâm và vẫn rất cần nhận được sự hỗ trợ, khuyến khích nhiều hơn từ các cơ quan Nhà nước để ngư dân có thể nhận thức rõ tầm quan trọng của RADAR hàng hải trong đánh bắt hải sản xa bờ.

Ngày nay, giải pháp an toàn cho ngư dân khi hoạt động trên biển không chỉ là đảm bảo thông tin liên lạc và thông tin dự báo thời tiết thông suốt trong mùa mưa bão mà còn là giải pháp an toàn phòng tránh tai nạn trên biển do va chạm giữa tàu cá với tàu hàng và giữa tàu cá với nhau.

Theo quy định quốc tế, tàu hàng lớn đều có trang bị RADAR hàng hải và các thiết bị tránh va. Tuy nhiên, khi tàu hàng đi vào vùng biển Việt Nam, do tàu cá Việt Nam thường bằng vỏ gỗ nên phản xạ RADAR rất kém, một số tàu nhỏ lại có chiều cao thấp hơn ngọn sóng nên RADAR của tàu hàng khó phát hiện để phát tín hiệu cảnh báo. Bên cạnh đó, một số tàu cá không có đèn tín hiệu hoặc đèn tín hiệu không đúng quy cách. Trong đêm, trời nhiều sương mù, tàu hàng không thể phát hiện từ xa bằng mắt thường; tàu cá trở nên “tàng hình” và dễ dẫn đến tai nạn đâm va trên biển nhất là vào ban đêm. Khi tầm nhìn xa bị hạn chế, trong điều kiện thời tiết sương mù, mưa gió hoặc giông bão… nguy cơ đâm va là rất lớn do các tàu thuyền không nhìn thấy nhau.

Để ngư dân chủ động phòng tránh các tai nạn đâm va trên biển, RADAR hàng hải chính là thiết bị giúp tàu cá có thể chủ động phát hiện chướng ngại vật trong mọi điều kiện thời tiết, phát hiện mục tiêu từ xa với khoảng cách từ hàng chục đến hàng trăm km tùy theo công suất, giúp người điều khiển tàu phát hiện tất cả các mục tiêu xung quanh, dù đó là mục tiêu cố định như núi đá, bờ đảo hoặc đất liền hay mục tiêu di động như tàu thuyền và hướng di chuyển của nó để chủ động tránh va chạm.

Bên cạnh chức năng cơ bản là giúp ngư dân trên tàu sớm phát hiện nguy cơ đâm va để phòng tránh kịp thời, đối với các nghề khai thác có đường lưới dài như nghề lưới vây, rê hay nghề câu vàng còn có thể sử dụng RADAR để quan sát bảo vệ đường lưới; một số nước có nghề đánh cá biển phát triển còn sử dụng RADAR với tần số đặc biệt trong nghề vây cá nổi để tìm những đàn chim biển thường bám theo các đàn cá nổi lớn đang bơi bên dưới. Đặc biệt, trong bối cảnh Biển Đông phức tạp như hiện nay, RADAR hàng hải còn giúp ngư dân dễ dàng phát hiện tàu lạ để kịp xử lý, bám biển dài ngày, bảo vệ ngư trường và biển đảo của Tổ quốc.

Trần Nhã Uyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!