Rủi ro từ buôn lậu tôm sang Trung Quốc

Chưa có đánh giá về bài viết

Buôn lậu tôm sang Trung Quốc ngày càng nóng. Nếu Chính phủ Trung Quốc quyết tâm tăng cường kiểm soát biên giới để triệt phá tôm nhập lậu, lúc đó, ngành tôm toàn cầu có thể bị đẩy vào tình trạng hỗn loạn.

Chế biến tôm tại Nhà máy Omarsa, Duran, Ecuador   Ảnh: CTV

270.000 tấn tôm lậu từ biên giới Việt Nam

Theo Undercurrent News,  năm 2016, 270.000 tấn tôm được buôn lậu qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc khi những người buôn lậu tận dụng cơ hội nhu cầu tôm tại Trung Quốc tăng cao và quản lý biên giới lỏng lẻo. Lượng tôm buôn lậu trên xấp xỉ bằng tổng sản lượng tôm của Thái Lan hàng năm, có giá trị hơn 1 tỷ USD. Điều này nghĩa là 4/5 tôm nhập khẩu vào Trung Quốc là tôm lậu. Chỉ tính riêng phần tôm nhập lậu, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu tôm lớn thứ 2 thế giới.

Một nguồn tin giấu tên cho hay, thực trạng này đẩy toàn bộ ngành tôm vào rủi ro. Trong trường hợp, Chính phủ Trung Quốc thực thi chiến dịch đàn áp, quyết định tăng cường kiểm soát biên giới để triệt phá tôm nhập lậu, toàn bộ hoạt động thương mại này sẽ sụp đổ chỉ sau một đêm, rủi ro này có thể đưa toàn ngành tôm rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Nhu cầu chưa được đáp ứng

Tuyến vận chuyển hàng lậu từ cảng Hải Phòng tới biên giới Việt Nam – Trung Quốc rất nổi tiếng; nhưng sự gia tăng một khối lượng lớn tôm xuất lậu qua tuyến đường này chỉ tăng vọt trong thời gian gần đây, chủ yếu là do cung không đáp ứng cầu tại Trung Quốc. Nguyên nhân là do tiêu thụ tôm tại Trung Quốc tăng mạnh và các vấn đề dịch bệnh xảy ra tại các trại nuôi tôm của nước này.

Tổng Giám đốc điều hành New Hope Liuhe (nhà sản xuất thức ăn thủy sản hàng đầu Trung Quốc), Li Fangyi ước tính, Trung Quốc đang thiếu 500.000 – 700.000 tấn tôm hàng năm.

“Năm 2016, có 10 – 20% nông dân nuôi tôm tại tỉnh Quảng Đông, thủ phủ sản xuất tôm của Trung Quốc rời bỏ ngành do các vấn đề liên quan đến sản xuất, áp lực thị trường xuất phát từ nguồn tôm nhập khẩu. Lượng tôm nhập khẩu lớn đã tác động mạnh đến thị trường từ đầu năm 2015. Khi dịch bệnh bắt đầu tác động tới sản xuất nội địa, sau năm 2010, Trung Quốc đã buộc phải nhập khẩu tôm. Và tôi cho rằng, sự thiếu hụt tôm trên thị trường nội địa đã thúc đẩy hoạt động nhập khẩu, hơn bất cứ lý do nào khác”, Li Fangyi nói thêm.

Tôm nhập lậu đi đâu?

Giống một chiếc hố khổng lồ, Trung Quốc hút nguồn tôm từ khắp thế giới, song một phần rất ít ỏi trong số này đến từ các nguồn hợp pháp. Công ty tôm lớn nhất Trung Quốc Zhanjiang Guolian Aquatic Products cho biết, tổng khối lượng nhập khẩu tôm Trung Quốc đạt khoảng 300.000 tấn trong năm 2015. Tuy nhiên, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) lại cho biết, theo Hải quan Trung Quốc, tôm nhập khẩu (mã HS: 030617) chỉ ở mức 59.166 tấn trong năm 2015. Vậy 240.000 tấn tôm có lẽ sẽ phải đi cửa sau để phù hợp với con số mà Guolian đưa ra?

Để xác nhận điều này, Undercurrent News đã xem xét lượng tôm được xuất khẩu sang Việt Nam. Theo ITC, vài năm qua, xuất khẩu tôm sang Việt Nam tăng vọt. Năm 2013, Việt Nam nhập khẩu 101.967 tấn tôm. Chỉ 2 năm sau, con số này lên tới 209.067 tấn, tăng 105%, đưa Việt Nam chính thức trở thành nước nhập khẩu tôm lớn thứ hai thế giới. Việt Nam nhập khẩu tôm từ khắp nơi, gồm Australia, Mỹ, Canada, Estonia, Saudi Arabia, Hồng Kông, Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, phần lớn nguồn tôm đến từ Ecuador, Ấn Độ, tổng cộng chiếm 167.217 tấn tôm xuất khẩu sang Việt Nam trong năm 2015.

Việt Nam không cung cấp cho ITC số liệu hoàn chỉnh phản ánh tình hình xuất khẩu tôm. Tuy nhiên, theo số liệu từ các đối tác của Việt Nam (các nước nhập khẩu sản phẩm tôm từ Việt Nam), Việt Nam xuất khẩu 152.449 tấn tôm trong năm 2015. Do đó, ít nhất 56.618 tấn còn thiếu trong bảng cân đối thương mại. Hơn nữa, Việt Nam là một trong những nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới. Hẳn là lượng tôm này đã đi đâu đó?

Theo một nguồn tin, xuất khẩu tôm Ecuador sang Việt Nam thường được vận chuyển trong các thùng xốp trắng, không được đánh dấu; 60% sản lượng tôm Ecuador đã tới Trung Quốc qua cửa sau trong năm 2016. Thái Lan cũng có một lượng tôm đáng kể biến mất khỏi các con số ghi nhận chính thức. Năm 2016, theo dữ liệu doanh số bán thức ăn cho tôm của Thái Lan. Nước này sản xuất 310.000 tấn tôm; trong khi báo cáo ngành thủy sản của nước này lại cho rằng sản lượng chỉ đạt 270.000 tấn, nghĩa là 40.000 tấn tôm không được ghi nhận. Và Ấn Độ cũng tương tự.

Bài học chóng quên

Xây dựng một ngành công nghiệp dựa vào hoạt động thương mại phi chính thống là rủi ro vô cùng lớn. Mùa hè năm 2015, Chính phủ Trung Quốc bất ngờ đóng cửa vài tuyến đường buôn lậu, giá tôm toàn cầu rớt mạnh do các nhà sản xuất và thương mại cố gắng tẩu tán hàng ngàn tấn tôm để dành cho thị trường Trung Quốc. Các nhà sản xuất Ecuador hoảng hốt, tự hứa sẽ không bao giờ sử dụng các tuyến đường phi chính thức, nhưng chỉ sau một vài tháng họ lại đi vào vết xe đổ.

Buôn lậu tôm sang Trung Quốc quá hấp dẫn khi phí hải quan 5 – 8% giá trị đơn hàng, không phải chịu thuế doanh thu 13%, cộng với việc những người mua Trung Quốc có thể được hưởng lợi bằng cách tái xuất tôm nhập khậu – tôm nhập lậu được hưởng gấp đôi lợi ích khi trợ cấp của Chính phủ mang lại lợi ích cho các sản phẩm nội địa tương đương với 13% giá trị hàng hóa xuất khẩu. Hơn nữa, tôm buôn lậu đang trở nên “tương đối dễ đi”. Hoạt động thương mại đầy rủi ro này có thể sẽ tăng nóng trước khi bị triệt phá hoặc giảm đi.

>> Nguồn tin thứ ba cho biết, Bắc Kinh sẽ kiểm tra chặt hoạt động buôn lậu vào giữa năm 2018, nhưng không có gì để chắc chắn cho điều này. Trước khi hoạt động này được triển khai, các tuyến buôn lậu vào Trung Quốc vẫn ngày càng gia tăng do bùng nổ tiêu dùng tại Trung Quốc và giá tôm (cũng như giá thịt, ngũ cốc) tiếp tục tăng cao hơn các quốc gia láng giềng.

Sao Mai

Undercurrentnews

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!