Sản xuất giống thủy sản cần được gỡ khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong nuôi trồng thủy sản, con giống đóng vai trò quan trọng, thế nhưng việc sản xuất con giống tại nhiều địa phương lại đang gặp khó khăn, chưa kể đầu tư cho lĩnh vực này còn nhiều bất cập.

Con giống quyết định lớn đến thành công vụ nuôi   Ảnh: Trần Út

Con giống quyết định lớn đến thành công vụ nuôi Ảnh: Trần Út

Cung lệch cầu

Theo nhận định chung, con giống là khâu quan trọng đầu tiên trong chuỗi giá trị, có khả năng ảnh hưởng đến tất cả các khâu còn lại của chuỗi sản xuất thủy sản. Nhưng hiện nay, nguồn giống cung cấp tại nhiều địa phương đang thiếu hụt trầm trọng, nhất là giống chất lượng cao.

Đơn cử như tỉnh Thái Bình, hiện có 2.464 ha nuôi ngao bãi triều; hơn 3.461 ha nuôi cá, tôm nước lợ; 8.373 ha nuôi thủy sản nước ngọt và 502 lồng nuôi cá. Hàng năm nhu cầu về cá giống nước ngọt (rô phi, cá truyền thống) hơn 100 triệu cá bột; giống nuôi nước mặn, lợ (tôm sú, cua, ngao, sò huyết…) khoảng 45.000 triệu con. Dù phần nào đã chủ động được nhưng tỉnh vẫn phải nhập giống thủy sản các loại từ nhiều địa phương khác. Cụ thể, 98% tôm giống và hơn 85% ngao giống nhập từ các tỉnh phía Nam; 90 – 95% cá giống nước lợ nhập từ tỉnh ngoài… 

Hay như Quảng Ninh, dự báo nhu cầu giống thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2017 sẽ ở mức 4,8 tỷ con (giống mặn lợ trên 4,6 tỷ con, cá nước ngọt gần 200 triệu con). Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất giống tại chỗ chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu.

Tương tự tại Cà Mau, tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất khu vực ĐBSCL và cả nước nhưng vẫn phải thường xuyên nhập giống thủy sản các loại. Hiện, tỉnh chỉ mới chủ động khoảng 50% tôm giống. Ông Châu Công Bằng, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết: “Cà Mau hiện có 874 cơ sở sản xuất và 220 cơ sở kinh doanh giống thủy sản, sản xuất trên 10 tỷ con giống/năm; đáp ứng khoảng 50% lượng tôm giống thả nuôi trong tỉnh, số còn lại nhập từ các tỉnh khác”.

Cân đối lại sản xuất

Nhiều người nuôi thủy sản cho biết, nếu tại địa phương có thể tự cung cấp nguồn giống thì người nuôi sẽ thuận lợi đủ đường. Bởi, mỗi khi vào vụ nuôi dù đã liên hệ với các trại giống nhưng vẫn phải mất 10 – 15 ngày mới nhận được con giống. Thất thoát về số lượng bị ảnh hưởng đáng kể do khoảng cách xa… Hơn nữa, thực tế cho thấy, khi nhập các loại giống thủy sản, chất lượng con giống khó được kiểm soát. Từ đó dẫn đến giống thả nuôi sau thời gian ngắn dễ bị nhiễm bệnh, chết kéo dài, gây thất thu lớn và ảnh hưởng đến sản xuất.

Theo ông Lê Duy Hồng, thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình: “Nhiều người nuôi mua phải tôm giống kém chất lượng khi thả một thời gian tôm bị chết hoặc mắc một số các loại dịch bệnh. Vì vậy, tôi cũng như những hộ nuôi thủy sản mong muốn các cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh, loại bỏ tôm giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguồn giống thủy sản tại chỗ, đáp ứng được chất lượng và giảm giá thành”.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc tăng cường kiểm soát chất lượng con giống thì việc đầu tư xây dựng các trung tâm sản xuất giống tại tỉnh là rất cần thiết và phải làm ngày. Điều này phần nào sẽ đảm bảo nhu cầu và chất lượng giống cho người nuôi, song cái khó hiện nay chính là tình trạng huy động nguồn vốn, áp dụng công nghệ hiện đại…

>> Theo ông Phan Tuấn Cự, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Cự, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có thống kê, dự báo cụ thể từng vùng nuôi, nhất là với con tôm để các vùng sản xuất giống căn cứ vào đó mà cung ứng, đảm bảo nhu cầu của từng vùng nuôi, tránh tình trạng mất cân đối như hiện nay.

Phương Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!