T2, 06/07/2020 10:43

Sản xuất giống tôm rảo

Chưa có đánh giá về bài viết

Tôm rảo (Metapenaeus ensis) có nhiều ưu điểm (tính thích nghi cao, thời gian nuôi ngắn, rộng muối, rộng nhiệt và có thể nuôi quanh năm). Nắm bắt được quy trình sản xuất giống sẽ giúp chủ động về con giống cho vụ nuôi, giảm sự lệ thuộc vào con giống tự nhiên.

Chọn tôm bố mẹ

Tôm mẹ đạt trọng lượng 20g trở lên, có rải trứng phát triển ở giai đoạn 4, không có biểu hiện bệnh bên ngoài (như mềm vỏ, phồng mang, mòn đuôi), được lựa chọn, vận chuyển về trại vẫn giữ và đươc xử lý trong bể gồm formaline 3% và iodine (1 g/m3) trong 2 giờ trước khi chuyển sang bể đẻ.

 

Kỹ thuật sinh sản và ương nuôi ấu trùng

Lấy nước qua xử lý vào bể đẻ, 50 – 80cm. Thêm 5 – 10 g/m3 EDTA và sục khí nhẹ. Chuyển tôm bố mẹ vào bể đẻ. Tùy theo điều kiện môi trường, thời gian đẻ từ 19 đến 24 giờ, khoảng 10 – 15 giờ sau khi đẻ, nauplius sẽ nở. Tiến hành tắm nauplius bằng formaline (100 – 150 ppm/30 giây) và iodine (1 – 2g) và treflan (0,02ml) trong 2 – 3 giờ trước khi chuyển nauplius sang bể ương. Thu nauplius bằng cách tắt sục khí khoảng 20 phút, sau đó dùng vợt vớt nhẹ chuyển sang bể ương.

Pha thức ăn: Thức ăn cho các giai đoạn của ấu trùng được pha theo bảng.

Giai đoạn post larvae 2 (P2) thay 50% N0 bằng N1, giai đoạn, P6-7 thay hoàn toàn N0 bằng N1.

Cách cho ăn

Chà thức ăn qua cỡ vợt thích hợp, lượng thức ăn tùy vào số lượng ấu trùng và có thể sử dụng thêm thức ăn khác. Cách ấp artemia: Trứng artemia sau khi tẩy vỏ xong được cho vào các xô nước biển. Tiến hành sục khí mạnh 2 g/l khoảng 8 – 12 giờ sau khi nở bung dù thì thu và rửa sạch cho ăn. Cũng làm như trên trong 18 – 24 giờ thì có thể thu được nauplius artemia, tiến hành thu và rửa sạch cho tôm post ăn.

Ương nuôi ấu trùng tôm trong bể xi măng – Ảnh: Trần Út

Cấp nước biển sạch vào bể ương khoảng 80cm. Thêm 5 – 10 g/m3 EDTA. Thả ương nauplius tôm với mật độ 200 – 400 ấu trùng /lít.

Giai đoạn Zoea (Z): Sau khi 60 – 70% ấu trùng nauplius chuyển sang giai đoạn Z1, bón tảo khô với liều lượng 0,2 g/m2. Mỗi ngày cho ấu trùng tôm ăn 8 bữa. Các bữa tiếp theo cho ăn bằng thức ăn của Z theo bảng pha chế trên từ 0,25 đến 0,5 g/m3, có sục khí vừa phải.

Giai đoạn Mysis (M): Cho ăn lượng thức ăn từ 0,5 đến 0,75 g/m3. Sục khí tăng lên. Khi Z chuyển hết sang M1 tiến hành xiphông và thêm 20% lượng thức ăn. Đây là giai đoạn phát triển dài nên thường xuyên phải theo dõi để điều chỉnh lượng thức ăn cho kịp thời.

Giai đoạn Postlarvae (Pl): Lượng thức ăn từ 0,75 đến 1,25 g/m3.Cuối giai đoạn M6 đầu giai đoạn P5 trở đi, nên xiphông thay 30% nước. Nếu nước ương bẩn thì có thể xi phông thay nước thường xuyên hơn, vệ sinh sạch dây dẫn khí, giữ chế độ sục khí mạnh. Cho ăn artemia bung dù ở giai đoạn P5 trở đi theo chế độ 1 ngày 3 lần với lượng 1 g/10 vạn ấu trùng/lần. Đến P10 có thể cho ăn Nauplius artemia với lượng 2 g/10 vạn ấu trùng/lần, ngày cho ăn 3 lần. Ở giai đoạn này cần quan sát kỹ sự vận động, ăn mồi của ấu trùng. Tránh cho ăn quá nhiều, dư thừa làm ô nhiễm nước, dễ phát sinh bệnh.

 

Phòng bệnh cho ấu trùng tôm

Đây là kỹ thuật quan trọng và cần thiết kết hợp với quản lý chất lượng nước sẽ giúp mang lại thành công trong sản xuất giống tôm rảo.

Tính theo m3 bể ương, chỉ đánh thuốc khi ấu trùng tôm đã chuyển giai đoạn từ 10 đến 12 giờ. Trước khi thả nauplius 2 – 3 giờ: iodine (1ppm), mictasol – blue (0,25 viên), treflan (0,03 ppm).

Giai đoạn Z2: formaline (3ml), mazzal (0,5ml). Giai đoạn Z3: erythromycin (0,25g), rodogyl (0,25g), mycostatin (0,25g), formaline (3ml), treflan (0,03ml).

Giai đoạn M1: formaline (3 ml), treflan (0,03ml), mazzal (1ml). Giai đoạn M2: formaline (3ml), treflan (0,03ml). Giai đoạn M3: cefalexin (0,25g), nystatin (0,5 g), rifamicin (0,25g), pH 8 (0,25g), treflan (0,03ml). Giai đoạn M4: treflan (0,03ml), iodine (1g). Giai đoạn M5: streptomycin (0,25g), cefalexin (0,5g), ciprofloxacin (0,25 g), gynapax (0,5 gói), treflan (0,04ml), formaline (3 – 5ml). Giai đoạn M6; treflan (0,04ml), mazzal (2ml).

Giai đoạn P1: co-trim 960 (0,5g), streptomycin (0,25g), treflan (0,05ml), formaline (3 – 5ml). Giai đoạn P2: treflan (0,05ml), iodine (1 – 2g), mazzal (2cc). Giai đoạn P3: treflan (0,05ml), griseofulvin (0,25g), oxy tetracyline (0,5g), ciprofloxacin (0,25g), formaline (5ml). Giai đoạn P4: treflan (0,05ppm), mazzal (2 – 3cc). Sau đó, cứ ngày post chẵn xử lý giống P4, ngày post lẻ thì xử lý giống P3.

Chú ý: cần ngâm, giã, cà thuốc cho thật kỹ, nên cà kỹ bằng nước ngọt trước khi cho vào bể.

 

Thu hoạch, đếm mẫu và xuất bán

Tôm rảo giống thường được bán khi đạt P20. Ta tiến hành rút cạn nước bể ương và vớt post ra thau có sục khí lớn, định lượng bằng cách so màu hay đong bằng vợt nhỏ. Sau khi định lượng, cho post vào túi nilon mật độ 5.000 con/l nước, có thể cho thêm một ít nauplius artemia, tránh trường hợp tôm ăn nhau trong quá trình vận chuyển. Nên hạ nhiệt độ khi vận chuyển để đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất.

>> “Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi tôm càng xanh”

Tôm càng xanh (TCX) là loài tôm nước ngọt có giá trị kinh tế cao và được nuôi ở nhiều nơi trên cả nước, nhất là ở ĐBSCL. Hình thức nuôi TCX cũng đa dạng (nuôi trong ruộng lúa, nuôi trong mùa lũ…).

Từ năm 1982, Trung tâm Giống Vũng Tàu (thuộc Viện Nghiên cứu NTTS 2) đã cho sinh sản nhân tạo thành công TCX. Mặc dù công nghệ chưa được hoàn thiện nhưng từ đây đã mở ra triển vọng cho nghề nuôi tôm nước ngọt ở Việt Nam.

Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi tôm càng xanh (Lương Đình Trung biên soạn) nhằm cung cấp cho người nuôi tôm những kỹ thuật trong sản xuất giống và nuôi TCX thương phẩm. Những vấn đề trong nghề nuôi TCX như: sản xuất giống nhân tạo, chọn tôm bố mẹ, nuôi vỗ tôm bố mẹ, nuôi vỗ béo trước vụ đông; ấp trứng ương nuôi ấu trùng; các hình thức nuôi tôm thương phẩm như: nuôi chuyên tôm theo phương thức công nghiệp, nuôi chuyên tôm theo phương thức nuôi thô…

Sách do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành.      

Tuấn Tú

Đoàn Quân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!