Sản xuất thức ăn tôm thu hút đầu tư

Chưa có đánh giá về bài viết

Xây dựng nhà máy mới phục vụ sản xuất thức ăn cho tôm hay mở rộng công suất để tăng doanh số đang là xu hướng mà nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn hàng đầu trên thế giới đầu tư phát triển.


Cargill mở nhà máy thức ăn tôm 65 triệu USD ở Ecuador

Cargill đã khánh thành một nhà máy thức ăn cho tôm trị giá 65 triệu USD mới ở Guayaquil, Ecuador khi nhìn thấy sự thúc đẩy tăng trưởng trong ngành tôm của đất nước này. Theo Cargill, nhà máy mới này được Cargill mô tả là nhà máy thức ăn tôm hiện đại nhất thế giới với công suất sản xuất hàng năm là 165.000 tấn hoặc chiếm khoảng 20% ​​trong số 800.000 tấn thức ăn mà thị trường Ecuador hiện đang cần. Angel Gomez, Tổng Giám đốc Dinh dưỡng thủy sản Cargill cho khu vực Mỹ Latinh cho biết: “Nhà máy của chúng tôi cung cấp công nghệ tiên tiến nhất hiện có để sản xuất thức ăn cho tôm. Điều này giúp Cargill thực hiện đúng lời hứa của mình về việc đảm bảo sản xuất và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng”. Nhà máy tạo ra 150 việc làm mới và 500 vị trí liên quan cho nền kinh tế địa phương.

CP Prima đặt mục tiêu bán 120.000 tấn thức ăn tôm

Central Proteina Prima (CP Prima), doanh nghiệp sản xuất thức ăn tôm lớn nhất Indonesia, đặt mục tiêu bán được 120.000 tấn thức ăn tôm vào năm nay. Năm ngoái, công ty chỉ bán được 107.000 tấn. Irwan Tirtariyadi, Giám đốc điều hành của Công ty chia sẻ: “Công suất sản xuất của chúng tôi được xây dựng theo thiết kế có thể đạt đến 200.000 tấn. Do đó, chúng tôi còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt doanh số cao hơn. Để đạt được mục tiêu, CP Prima sẽ tăng cường đào tạo thêm nhiều nông dân bằng cách phát triển thêm các cụm nuôi tôm. Hiện tại, Công ty đã có 25.000 nông dân được bồi dưỡng trong cả nước.

Taprobane xây dựng nhà máy thức ăn tôm 20.000 tấn/năm

Tập đoàn thủy sản Taprobane sẽ xây dựng nhà máy thức ăn cho tôm đầu tiên ở Sri Lanka. Giám đốc Taprobane, Dilan Fernando cho biết, họ dự kiến sẽ thành lập một nhà máy thức ăn 20.000 tấn/năm vào năm 2020. Điều này sẽ phù hợp với tầm nhìn của Công ty để mở rộng kinh doanh tôm lên 30.000 tấn trong 2 năm tới. “Chúng tôi hy vọng có thể đáp ứng 50% nhu cầu thức ăn tại địa phương”, ông Fernando nhận xét về nhà máy thức ăn mới. Taprobane là nhà xuất khẩu cua và tôm hàng đầu sang Mỹ, Australia, Nhật Bản và EU. Công ty đã đầu tư hơn 25 triệu USD để mở rộng hoạt động tại Sri Lanka trong 3 năm qua.

IAIL liên doanh sản xuất thức ăn tôm

Index Agro Industries Ltd (IAIL) – công ty thức ăn chăn nuôi có trụ sở tại Dhaka, Bangladesh sẽ sớm liên doanh sản xuất thức ăn cho tôm. Mahin Mazher, Giám đốc điều hành của X Index Enterprises, công ty mẹ của IAIL cho biết, họ hy vọng ngành tôm ở Bangladesh sẽ tăng trưởng nhanh trong vài năm tới, đặc biệt là đối với nhiều công ty giới thiệu các loài như tôm thẻ chân trắng vào thị trường. Xuất khẩu tôm sang các nước như Việt Nam và Trung Quốc cũng đã mở ra những cơ hội lớn cho ngành tôm trong nước, ông nói thêm.

New Hope xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn mới

New Hope Indonesia, Công ty chi nhánh của tập đoàn thức ăn khổng lồ Trung Quốc New Hope, đang thiết lập một nhà máy thức ăn thủy sản mới ở Balaraja, tỉnh Banten. Nhà máy dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay, là công ty sản xuất thức ăn thủy sản đầu tiên ở Indonesia và sẽ sản xuất thức ăn cho cá và tôm, Timbul Sihombing, Giám đốc Tiếp thị New Hope Indonesia nói. Công ty cũng đang thiết lập máy sấy ngô ở một số trung tâm sản xuất ngô, như ở Gorontalo và Lampung để hấp thụ nhiều ngô địa phương hơn.

Neovia mua nhà sản xuất thức ăn tôm Epicore

Công ty dinh dưỡng động vật Neovia của Pháp đã mua nhà máy sản xuất thức ăn cho tôm và men vi sinh Epicore BioNetworks, cho phép tiếp cận tốt hơn với Ecuador khi kế hoạch phát triển châu Á. Neovia, có trụ sở tại Morbihan, Pháp, tự hào có doanh thu 1,7 tỷ euro (2 tỷ USD) và hoạt động tại 28 quốc gia. Giám đốc điều hành Neovia Hubert de Roquefeuil nói: “Với việc mua lại Epicore, Neovia sẽ đạt được quy mô quan trọng để tăng tốc phát triển quốc tế, đặc biệt là ở châu Á nơi chúng tôi có thể dựa vào sự hiện diện của Tập đoàn và chuyên môn nuôi trồng thủy sản đã được công nhận ở Mỹ Latinh (Ecuador, Brazil, Mexico) và Việt Nam”.

Hải Băng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!