Sau giai đoạn cổ phiếu tăng gấp 3, thủy sản Nam Việt (ANV) đang “đau đầu” bởi tỷ giá, thị trường cá tra đảo chiều mạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

Khác với Vĩnh Hoàn hay Biển Đông nhờ có được thị trường Mỹ, khi thị trường cá tra biến động họ có thể đàm phán được giá bán ra tương ứng cao hơn, ANV phải phát triển lợi thế chuỗi, ngắn hạn sẽ giảm biên lãi để “hỗ trợ” khách hàng phần chênh lệch do biến động tỷ giá.

Hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam liên tục tăng cao, ghi điểm nổi bật có nhóm ngành cá tra kể từ đầu năm 2017. Song, nuôi trồng manh nhún, phụ thuộc vào nguồn đầu vào bên ngoài khiến nhiều hộ từ cá nhân đến tổ chức tỏ ra khá “lúng túng” trước những biến động của thị trường.

Ngược lại, là doanh nghiệp có thâm niên với lợi thế về vùng nuôi, từ đó tự chủ được đầu vào, không bị ảnh hưởng bởi biến động cá giống, cá nguyên liệu trên thị trường, CTCP Nam Việt (Navico, ANV) gần như nắm bắt trọn cơ hội “lột xác” với doanh thu – lợi nhuận đột biến hàng quý. Sau chuỗi dài xoay vần và nhận nhiều trái đắng từ việc đầu tư ngoài ngành, ANV đang tập trung mọi nguồn lực để trở lại vị thế trong ngành cá tra.

Hiểu rõ được thị hiếu khách hàng không chỉ về số lượng mà kích cỡ, khối lượng từng con cá, Công ty đặt tham vọng đáp ứng tối đa nhu cầu, mở rộng tệp khách hàng ngoại thông qua siêu dự án Bình Phú quy mô lên đến 600ha.

Song, sau những thuận lợi năm 2018 trở về trước, đến nay doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn “bủa vây”, từ biến động tỷ giá, đến giá cá tra liên tục sụt giảm mạnh, đặc biệt 1-2 tháng gần đây.

Trước hết, về tỷ giá VND vừa trải qua tháng 5 biến động mạnh nhất kể từ đầu năm. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang khi đàm phán thất bại đầu tháng 5 khiến đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh 2,54% so với đồng USD. Kết quả kéo theo, tỷ giá trên thị trường Việt Nam đã tăng từ mức 23.200 VND (ngày 17/4) lên mức 23.420 VND trên thị trường tự do, tương đương với mức tăng 0,95%.

Với việc xuất khẩu là hướng kinh doanh chính của Công ty và lượng ngoại tệ thu về chủ yếu là USD, chưa kể hiện Công ty cũng đang nắm giữ một lượng tài sản được định giá bằng đồng USD và các hợp đồng ký kết cũng được thanh toán chủ yếu bằng USD; do đó biến động tỷ giá hối đoái thời gian gần đây là một vấn đề đang được quan tâm bởi nhà đầu tư.

Không phủ nhận, ông Doãn Chí Thiên – Thành viên HĐQT ANV – chia sẻ: “Tỷ giá biến động sẽ có tác động đến ANV, nó sẽ làm các chi phí cá bên Trung Quốc cao hơn, nhưng hiện tại nhu cầu bên đó không bị ảnh hưởng nhiều. Đúng là chi phí được tính thông qua tỷ giá hoán đổi có tăng, song về lâu về dài nếu khách hàng cần thì ANV sẽ hỗ trợ phần chênh lệch này. Và như vậy, lợi nhuận gộp có thể rút lại tí xíu”.

Bên cạnh đó, dù chỉ chiếm khoảng 1-3% doanh thu thuần nhưng lãi vay cũng là yếu tố ban lãnh đạo quan tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2018, Công ty cắt giảm mạnh nợ dài hạn (chủ yếu dư nợ vay), song ngược lại nợ ngắn hạn lại tăng đáng kể hơn 300 tỷ đồng, riêng nợ vay ngắn hạn tăng hơn 200 tỷ so với đầu kỳ. Chưa kể, đưa vào vận hành giai đoạn 1 cũng như tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 dự án Bình Phú khiến dòng tiền đầu tư ANV gia tăng gấp đôi áp lực trong năm 2018.

Lên kế hoạch cho năm tiếp theo, ANV hướng đến công tác chủ động dòng tiền, hạn chế đi vay nên chi phí lãi vay có thể sẽ giảm mạnh, ghi nhận tại BCTN 2018. Riêng với dự án Bình Phú, năm qua ANV đã rót vốn 540 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú; Công ty cũng cho biết đã hoàn tất mua 500 ha, 100 ha còn lại sẽ huy động 1.000-1.500 tỷ đồng thông qua phát hành 30 triệu cổ phiếu riêng lẻ vào quý 3/2019.

Không có được thị trường bền vững và khả năng thương lượng giá, ANV phải phát triển chuỗi

Không dừng lại ở tỷ giá, thị trường cá tra những tháng gần đây ghi nhận sự lao dốc ngày càng rõ nét. Nếu như năm 2018, hầu hết người nuôi cá trúng đậm thì từ đầu năm 2019 đến nay, giá cá tra chựng lại và sụt giảm. Theo AgroMoniter, tháng vừa qua giá xuất khẩu cá tra có xu hướng giảm trong khi nguồn cung nguyên liệu dồn lại sau kỳ nghỉ lễ khiến giá nguyên liệu giảm và chạm mức chi phí sản xuất, điều này kéo theo nhu cầu và cá giống giảm mạnh.

Ghi nhận xuất khẩu cá tra có nhiều biến động, nhất là nhu cầu của những khách hàng lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ sụt giảm. Với việc khai thác đáng kể thị trường Trung Quốc, ANV ít nhiều bị ảnh hưởng bởi diễn biến trên. Chưa kể, Trung Quốc được đánh giá là thị trường mới tiêu thụ cá tra gần đây nhưng tăng trưởng rất mạnh và cũng ẩn chứa nhiều rủi ro bởi các chính sách thường xuyên thay đổi.

Theo Trí Thức Trẻ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!