T2, 06/07/2020 01:09

Sẽ thanh lý “tàu 67” để thu hồi vốn

Chưa có đánh giá về bài viết

Áp lực quá lớn từ nợ quá hạn, nợ xấu khi ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 67 đã khiến cho các ngân hàng thương mại quyết định thanh lý tàu, thu hồi vốn vay. Đó là nội dung quan trọng tại buổi làm việc của UBND tỉnh với các ngành, địa phương về triển khai Nghị định 67 trong thời gian qua.


“Tàu 67” nằm bờ khiến ngân hàng rất khó thu nợ. Ảnh: Q.V

Khó thu nợ

Triển khai Nghị định 67, Agribank chi nhánh Quảng Nam đã ký 46 hợp đồng tín dụng, giải ngân vốn để ngư dân đóng mới 46 tàu công suất lớn sản xuất xa bờ.

Ông Phạm Đình Dũng – Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Nam cho biết, đến thời điểm này đã có nhiều trường hợp nợ quá hạn, rất khó thu hồi vốn vay.  Trường hợp tàu vỏ thép QNa-93089 của ngư dân Nguyễn Đình Châu (phường Cẩm Nam, TP.Hội An) nằm bờ bấy lâu nay, không thể xoay xở trả nợ. “Nếu ông Châu không thể trả nợ trong thời gian tới thì sang năm chúng tôi sẽ khởi kiện, thanh lý tàu để thu hồi vốn vay” – ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, giải pháp cần kíp là UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương phối hợp tuyên truyền, vận động để nâng cao trách nhiệm trả nợ của ngư dân khi đến hạn. Sở NN&PTNT cần phối hợp với lực lượng biên phòng không cho xuất bến đối với tàu cá của các ngư dân chây ỳ trả nợ. “Phải xử lý mạnh để răn đe chứ nếu chây ỳ lây lan, ngư dân không chịu trả nợ thì rất khó” – ông Dũng nói.

Đại diện của Agribank chi nhánh Quảng Nam cho rằng, mặc dù đã gia hạn thời gian trả nợ cho ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép, composite từ 11 năm lên 16 năm nhưng Ngân hàng Nhà nước cần gia hạn thêm thời gian trả nợ lên 20 năm và cho phép cơ cấu lại nợ nhiều lần trong năm.

“Theo kế hoạch, mỗi năm chúng tôi thu nợ 1 tỷ đồng đối với chủ tàu vỏ thép nhưng thực tế ngư dân không kham nổi nên chỉ thu vài trăm triệu và cần gia hạn thêm thời gian trả nợ” – ông Dũng cho biết.

BIDV chi nhánh TP.Hội An đã cho 2 ngư dân của xã Duy Hải (Duy Xuyên) vay vốn đóng “tàu 67”. Đó là trường hợp ngư dân Lương Văn Quang – chủ tàu vỏ composite QNa-93859 và Phạm Văn Hùng – chủ tàu vỏ thép QNa -93579.

Theo ông Ca Hưng Nguyên – Phó Giám đốc BIDV chi nhánh TP.Hội An, đến nay ngân hàng mới chỉ thu hồi nợ được 2 kỳ, tổng số tiền là 160 triệu đồng từ các hoạt động kinh tế trên bờ của gia đình chứ không phải từ khai thác hải sản.

“Cả 2 tàu đều sản xuất thất bát dù cho đã chuyển từ nghề lưới rê hỗn hợp sang chụp mực và lờ lươn. Do không thể khoanh nợ, giãn nợ nên chúng tôi sẽ khởi kiện, bán tàu thu hồi vốn nếu các chủ tàu cứ nợ quá hạn, nợ xấu” – ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, ngay cả thanh lý tàu, ngân hàng cũng gặp khó bởi vàng lưới rê có giá đến 3,8 tỷ đồng nhưng khó có ai mua vì đã cũ và nghề này không hiệu quả.

Tìm giải pháp

Như Báo Quảng Nam đã thông tin, tàu vỏ thép QNa-94679 nằm bờ từ ngày 29.3.2016 đến nay sau sự cố hỏng máy đã khiến cho ngư dân Trần Văn Liên (xã Bình Minh, Thăng Bình) lâm vào cảnh nợ xấu, không thể xoay xở trả nợ.

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, ngành nông nghiệp sẵn sàng phối hợp với ngân hàng để đề xuất Ngân hàng Nhà nước tham mưu Chính phủ khoanh nợ cho ông Liên kể từ ngày 1.4.2016 đến nay vì đây là trường hợp bất khả kháng, ngư dân chưa hề nhận tàu mà phải trả nợ là không hợp tình, hợp lý. Để gỡ khó cho ông Liên, BIDV chi nhánh Quảng Nam tiếp tục giải ngân số vốn còn lại để con tàu được bàn giao cho ngư dân đi vào sản xuất rồi trả nợ ngân hàng.

Về điều này bà Vũ Thị Tố Nga – Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam trả lời là không thể. “Chúng tôi cực kỳ thất vọng, khi triển khai cơ chế vay vốn ưu đãi đóng tàu thì chính quyền huyện Thăng Bình hăng hái vận động ngân hàng cho ngư dân địa phương vay vốn, còn khi các chủ tàu chây ỳ trả nợ thì chính quyền bỏ mặc, cắt đứt mọi liên hệ với ngân hàng. Chúng tôi dứt khoát thanh lý tàu vỏ thép của ông Liên để thu hồi vốn. Sau đó, dù bán các tàu vỏ thép khác chỉ vài tỷ đồng, chúng tôi cũng bán để thu hồi vốn, có còn hơn không” – bà Nga nói.  

Ông Phạm Đình Dũng – Phó Giám đốc Agribank Quảng Nam cho rằng, đã có quá nhiều trường hợp chủ tàu vỏ thép, composite hiện đại nhưng sản xuất thua lỗ là rất đáng tiếc. Để hỗ trợ ngư dân, ngành thủy sản cần xây dựng 1 chuyên đề riêng về “tàu 67”, thường xuyên theo dõi, cập nhật, quản lý và đề xuất các giải pháp để các chủ tàu sản xuất hiệu quả hơn. Đây là vấn đề trọng yếu không chỉ đối với ngành thủy sản mà còn liên quan đến ngân hàng, kinh tế biển, thu nhập ngư dân và bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Ông Lê Đình Tường – Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho rằng, giải pháp cấp bách là tạo điều kiện để các chủ tàu lưới rê hỗn hợp sản xuất không hiệu quả được chuyển nghề, kiêm nghề. “Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam cần tạo điều kiện để ngư dân vay vốn, chuyển nghề sản xuất hiệu quả hơn chứ nằm bờ gần cả năm trời thì trước sau gì ngân hàng cũng sẽ bán, thu hồi vốn. Ngành thủy sản cần tiếp sức các chủ tàu bằng cách phối hợp với Tổng cục Thủy sản, thực hiện đăng kiểm, cấp phép khi các chủ tàu thay đổi thiết kế chuyển nghề” – ông Tường nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, để giảm bớt áp lực nợ quá hạn, nợ xấu, ngành thủy sản, ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền ở xã, huyện thành lập tổ hỗ trợ thu hồi vốn đóng tàu 67. Thông qua tổ này, công tác tuyên truyền, vận động ngư dân nâng cao trách nhiệm trả nợ sau khi vay vốn cũng như giám sát các hoạt động khai thác hải sản của họ để hối thúc họ trả nợ đúng hạn. “Ngư dân trả nợ khó quá thì các cơ quan chức năng của tỉnh đề xuất với Trung ương giãn nợ từ 16 năm lên 20 năm. Ngành thủy sản trực tiếp gặp gỡ ngư dân theo nghề lưới rê hỗn hợp, trao đổi tâm tư, nguyện vọng của họ để có định hướng kiêm nghề, chuyển nghề, thay đổi thiết kế, chuyển sang hoạt động với nghề khác hiệu quả hơn” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói.

Việt Nguyễn

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!