T2, 06/07/2020 02:09

Shrimp Improvement Systems: Chung tay cùng ngành tôm Việt

Chưa có đánh giá về bài viết

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức to lớn đối với ngành thủy sản toàn cầu, làm sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông David Leong (ảnh), CEO của Công ty SIS để hiểu thêm về thực trạng của thị trường sản xuất tôm cũng như những dự báo trong thời gian tới.

Ông có thể cho biết những hoạt động của SIS trong quý đầu của năm 2020?

2020 là một năm bận rộn đối với SIS. Chúng tôi tiếp tục triển khai các hoạt động với nhiều sáng kiến từ năm 2019, như tăng cường công tác hỗ trợ kỹ thuật, ra mắt sản phẩm mới.

Đại dịch COVID-19 có những tác động tiêu cực đến an ninh lương thực toàn cầu nói chung và NTTS nói riêng như thế nào, thưa ông?

COVID-19 là căn bệnh của con người. Nó tác động lên an ninh lương thực toàn cầu chỉ trong khâu hậu cần và phân phối. Dịch bệnh đã làm chậm quá trình giao dịch thương mại và cung cấp sản phẩm. Cụ thể, khả năng vận hành của ngành vận tải trong hoạt động cung cấp đầu vào bị hạn chế bởi các chính sách của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này. Đây được coi là một vấn đề ngắn hạn khi ngành vận tải làm việc với cường độ cao để thích ứng với các quy định tạm thời này.

An ninh lương thực toàn cầu luôn bị đe dọa ngay cả trước khi COVID-19 bắt đầu. Những thách thức phải đối mặt ngay cả sau đại dịch này là cách chúng ta đảm bảo nguồn lương thực cung cấp cho dân số ngày càng tăng và việc cắt giảm lượng khí thải carbon. Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thay đổi khí hậu cấp tính trên khắp thế giới và những thay đổi này tác động trực tiếp đến ngành sản xuất thực phẩm và NTTS. Chúng tôi đã nhận thấy tình hình nghiêm trọng của hạn hán trong một vài tháng gần đây tại khu vực miền Nam Việt Nam cũng như trong năm 2016. Con người đang phải đối mặt với những gì họ gây ra. Vì vậy, chúng tôi phải đưa ra rất nhiều cân nhắc trong việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên để sản xuất, đặc biệt là trong NTTS.

Đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản kiểm tra tại SIS. Ảnh: SIS

Vậy theo ông, tình hình dịch COVID-19 ở thời điểm hiện tại và trong tương lai sẽ tác động tới ngành sản xuất tôm và chuỗi cung ứng thủy sản tại thị trường Việt Nam ra sao?

Việt Nam chủ yếu là quốc gia xuất khẩu tôm và các mặt hàng thực phẩm thủy sản khác; do đó, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động vận tải xuất khẩu tươi và đông lạnh. COVID-19 chắc chắn đã phá vỡ chuỗi phân phối toàn cầu, tuy nhiên chúng ta có thể thấy được sự điều chỉnh và đổi mới trong chuỗi cung ứng với nỗ lực to lớn nhằm lấy lại các kênh phân phối và tiếp tục hoạt động cung ứng. Mỗi thách thức mới đến sẽ là một cơ hội mới, Việt Nam luôn thể hiện khả năng thích ứng, đổi mới và đây là thời điểm để thực hiện điều đó.  

Có rất nhiều hệ quả như chúng ta đề cập tại đây. Toàn bộ chuỗi cung ứng đang bị bao vây khi việc áp dụng các biện pháp phong tỏa được thực hiện ở nhiều quốc gia, các chuyến bay bị hạn chế do việc sụt giảm lượng hành khách. SIS cũng bị ảnh hưởng bởi điều này, chúng tôi phải đẩy các chuyến hàng của mình đến hôm sau bởi tình hình không chắc chắn. Để duy trì việc phân phối các nguồn cung ứng quan trọng trên toàn cầu, các hãng hàng không hiện đang hoạt động hết công suất nhằm đáp ứng nhu cầu của toàn thế giới, trong khi nhiều hãng hàng không dân dụng đã phải thay đổi cách thức hoạt động bằng cách bắt đầu đưa máy bay chở khách đi chở hàng. Chúng ta sẽ thấy những đình trệ dần được gỡ rối, các quốc gia sẽ từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa và chắc chắn sẽ tìm thấy chút ánh sáng phía cuối đường hầm.

Là nhà thiết lập hoạt động nghiên cứu, sản xuất tôm giống bố mẹ hàng đầu thế giới, SIS đối mặt với đại dịch COVID-19 ra sao?

SIS đã rất tích cực trong việc đối phó với dịch bệnh. Ngay cả trước khi COVID-19 được coi là đại dịch, SIS đã đưa ra các quy trình đảm bảo an toàn và sức khỏe của nhân viên cũng như duy trì các tiêu chuẩn sản xuất tôm bố mẹ chất lượng cao. Nhân viên của SIS đã làm việc không ngừng nghỉ trong thời gian này để tìm ra các tuyến vận chuyển hàng hóa mới và đàm phán với các công ty giao nhận cũng như đại lý hải quan nhằm đảm bảo tiến độ giao hàng kịp thời với chi phí tốt nhất.

Vậy, ông có lời khuyên nào để giảm thiểu rủi ro của đại dịch tới lĩnh vực sản xuất tôm?


Như mọi khi, SIS khuyến khích các chương trình an toàn sinh học mạnh mẽ, không chỉ cho tôm mà còn cho cả nhân viên. Giữ cho nhân viên khỏe mạnh cũng như con tôm phát triển ổn định trong toàn bộ quá trình sản xuất là điều không thể thiếu cho sự thành công của ngành.

Ngành tôm ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức vào thời điểm này, SIS có những chính sách gì trong việc giúp đỡ các trại giống cũng như người nông dân Việt Nam, thưa ông?

Do SIS duy trì tiêu chuẩn chất lượng cao, chúng tôi sẽ đảm bảo các trại sản xuất tôm giống Việt Nam và nông dân sẽ duy trì những sản phẩm của họ. Điều rất quan trọng tại thời điểm này là việc tập trung vào các mục tiêu của chúng tôi và không đánh mất những giá trị mà chúng tôi thêm vào các sản phẩm của mình.

Mỗi ngành công nghiệp hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức tại thời điểm này. Chúng tôi cũng không phải ngoại lệ, nhưng SIS đang xem xét một số hoạt động để chia sẻ với thị trường Việt Nam trong thời gian tới và chúng tôi hy vọng điều đó sẽ giúp ngành tôm Việt Nam phục hồi sản xuất. Hãy bình tĩnh!

Trân trọng cảm ơn ông!

>> SIS luôn được người nuôi tôm Việt Nam đánh giá là thương hiệu sản xuất tôm giống bố mẹ dẫn đầu, mang đến sự phát triển hiệu quả và bền vững cho ngành tôm Việt Nam; thông qua việc cung cấp tôm giống bố mẹ có nguồn gen tốt nhất để sản xuất ra tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh và đạt tốc độ tăng trưởng nhanh. Với mục tiêu phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam, mục tiêu của SIS là đưa ra những con giống toàn diện nhất nhằm hỗ trợ thị trường giúp Việt Nam đạt được các chỉ tiêu đề ra. 


Tùng Bách

Thực hiện

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!