T2, 06/07/2020 01:32

Shrimp Improvement Systems (SIS): Mang đến sự phát triển hiệu quả và bền vững cho ngành tôm Việt

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong ngày 26 tháng 3 vừa qua, buổi Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý trang trại và phòng chống dịch bệnh trên tôm đã được Công ty Shrimp Improvement Systems (SIS) tổ chức tại Bến Tre.


Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý trang trại và phòng chống dịch bệnh trên tôm

Thương hiệu dẫn đầu

Mở đầu buổi hội thảo, ông Guillermo Jaramilo, Quản lý điều hành đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) giới thiệu sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển của SIS, quy trình sản xuất tôm giống bố mẹ với kỹ thuật hiện đại để đạt được tiềm năng di truyền tối ưu. Theo ông Guillermo Jaramilo, Công ty Shrimp Improvement Systems là hãng cung cấp tôm bố mẹ sạch bệnh SPF lớn nhất thế giới, thành lập năm 1998. Công ty có hai cơ sở sản xuất tại Hawaii và Florida với tổng công suất 550.000 đơn vị tôm bố mẹ mỗi năm, cùng hai cơ sở sản xuất ấu trùng tôm giống tại Ấn Độ. Tất cả các sản phẩm đều phải tuân thủ chính sách an toàn sinh học cực kì nghiêm ngặt. Do đó, chất lượng con giống của SIS trong những năm qua có nhiều cải tiến và nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng.

Ông Guillermo Jaramilo, Quản lý bộ phận nghiên cứu và phát triển của SIS Hawaii phát biểu tại hội thảo 

Trong hơn 10 năm nay, SIS luôn được người tiêu dùng Việt Nam đánh giá là thương hiệu sản xuất tôm giống bố mẹ dẫn đầu, mang đến sự phát triển hiệu quả và bền vững cho ngành tôm Việt Nam, thông qua việc cung cấp tôm giống bố mẹ có nguồn gen tốt nhất để sản xuất ra tôm giống có chất lượng cao, sạch bệnh, có tốc độ tăng trưởng nhanh và đề kháng tốt. SIS muốn nhắn nhủ với các nhà sản xuất tôm giống và người nuôi tôm thương phẩm, muốn đạt được năng suất và hiệu quả cao, trước hết phải sử dụng nguồn tôm sạch bệnh; tăng cường hệ thống an toàn sinh học; cải thiện, cập nhật công nghệ, quy trình nuôi và cuối cùng không quên quản lý tốt chất thải, nước thải trong quá trình nuôi.           

Kinh nghiệm quản lý

Đối với công tác quản lý dịch bệnh, thông điệp của SIS là: “Không có một giải pháp nào có thể giải quyết tất cả vấn đề. Kháng sinh cũng không phải là giải pháp, đặc biệt về mặt lâu dài sẽ gây hệ quả rất nghiêm trọng. Biện pháp tốt nhất là gia tăng cải thiện an toàn sinh học tại vùng nuôi và chọn tôm giống sạch bệnh trước khi thả mới gia tăng sự thành công và bền vững. Ông Guillermo giải thích: “An toàn sinh học là tổng hợp của những giải pháp phòng chống rủi ro dịch bệnh phù hợp với từng điều kiện cụ thể của vùng nuôi. Người nuôi phải nhận biết được rủi ro trong quá trình nuôi đến từ đâu (mầm bệnh, nguồn nước, trang thiết bị, công nhân…) để tìm cách khắc phục, bên cạnh đó các biện pháp phòng tránh lây lan phù hợp”.

Chia sẻ về kinh nghiệm thành công trong quản lý trang trại, mầm bệnh và virus ở Indonesia, Tiến sỹ Yuri – Tổng quản lý cấp cao đến từ CPP Indonesia cho biết: Ở Indoneisa cũng có 3 mô hình nuôi chính là: nuôi theo truyền thống bằng ao đất với mật độ thả dưới 50 con/m2, nuôi bán công nghiệp (ao đất và ao bạt) mật độ 50 – 80 con/m2 và nuôi công nghiệp bằng ao bạt mật độ trên 80 con/m2. Mật độ nuôi cao hay thấp dựa vào sức tải của ao nuôi, ở Indonesia, giới hạn tối đa chúng tôi quy định là 300kg tôm trên mã lực khí cung cấp. Diện tích mỗi ao nuôi trước kia từ 1.000 – 10.000 m2, nhưng thời gian gần đây bắt đầu có sự điều chỉnh theo hướng ao nuôi ngày càng nhỏ lại để dễ dàng trong việc quản lý cũng như thu hoạch tôm. Điểm đặc biệt ở Indonesia là những mô hình nuôi công nghệ cao, người nuôi bắt đầu đầu tư sang mô hình ao bê tông để ổn định và hạn chế tác động từ môi trường.

Tiến sỹ Yuri cũng nêu lên 3 yếu tố và 4 nguyên tắc để có được vụ nuôi thành công; trong đó kết hợp 3 yếu tố gồm: sức khỏe của tôm, các tác nhân gây bệnh và chất lượng môi trường. 4 nguyên tắc cơ bản theo ông là: thả giống sạch bệnh có chất lượng tốt, giảm thiểu tối đa mầm bệnh trong các yếu tố đầu vào, duy trì chất lượng nước ổn định và cuối cùng là thường xuyên giám sát sự thay đổi môi trường trong ao nuôi cũng như có biện pháp đúng, kịp thời để điều chỉnh. Tiến sỹ Yuri cho biết: “Đối với dịch bệnh, biện pháp hiệu quả nhất là phòng tránh và giảm thiểu rủi ro chứ không phải điều trị. Nuôi tôm luôn phải chuẩn bị đối mặt với nguy cơ về dịch bệnh, do đó cần phải phòng ngừa và quản lý tốt chất lượng nước là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro thất bại. Bên cạnh đó, tập trung vào sự ổn định bền vững, tránh các tình trạng mất kiểm soát”.

Cam kết bền vững

Trong năm 2019, Công ty SIS cam kết tiếp tục tăng cường các nỗ lực nghiên cứu và phát triển mang tính bền vững, bám sát các địa bàn hơn để hiểu rõ nhu cầu của ngành tôm Việt Nam. “Với nỗ lực phát triển bền vững của ngành thuỷ sản Việt Nam, tiêu chí của SIS là đưa ra những con giống toàn diện nhất nhằm hỗ trợ thị trường giúp Việt Nam đạt mục tiêu xuất khẩu vào năm 2025” – ông Kenneth Tay, Giám đốc SIS chia sẻ.

Các đại biểu đánh giá cao nội dung trình bày của các diễn giả đến từ SIS, đồng thời hy vọng, SIS tiếp tục cung cấp nguồn con giống bố mẹ sạch bệnh, ổn định, chất lượng tốt để phục vụ các vùng sản xuất giống cũng như nuôi tôm thương phẩm trong cả nước. Các đại biểu cũng đề nghị SIS cải thiện hơn nữa 3 yếu tố quan trọng của con tôm giống là: tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng và sức đề kháng; bởi, SIS hiện có thị phần tôm giống rất lớn tại Việt Nam, nên chỉ cần nguồn tôm bố mẹ của SIS có vấn đề sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của ngành tôm Việt Nam. Ngoài ra, cần thêm nhiều giải pháp kỹ thuật và công nghệ cho từng mô hình nuôi, nhất là đối với ao đất (vì đây là mô hình chiếm trên 90% diện tích thả nuôi); chiến lược nghiên cứu, phát triển của SIS trong thời gian tới… cũng được các đại biểu quan tâm.

>> Shrimp Improvement Systems (SIS) là hãng cung cấp tôm bố mẹ sạch bệnh SPF lớn nhất thế giới, thành lập năm 1998; có trụ sở sản xuất tại Hawaii và Florida với tổng công suất 550.000 tôm bố mẹ/năm. Công ty sản xuất tôm giống dựa trên nguyên tắc tuân thủ chính sách an toàn sinh học nghiêm ngặt. Chất lượng con giống của SIS luôn nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng.

Tạp chí Thuỷ sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!